Phát hiện mới về nguyên nhân gây ra bệnh ung thư
Từ trước đến nay, mọi người vẫn tin rằng, nguyên nhân của bệnh ung thư là do di truyền hoặc hậu quả của lối sống không lành mạnh. Tuy nhiên, một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Mỹ lại cho thấy thêm một “góc nhìn” mới rằng, ngay cả những người có lối sống khoa học vẫn bị mắc ung thư do lỗi sao chép mã di truyền gene (ADN).
Bệnh nhân ung thư(ảnh minh họa). |
Theo nghiên cứu mới được công bố của Trung tâm Ung bướu Kimmel Johns Hopkins, 2/3 các trường hợp mắc các bệnh ung thư “quái ác” là do lỗi trong quá trình mã hóa gene (ADN) khi phân tách tế bào.
Để đưa ra được kết luận này, các nhà khoa học đã nghiên cứu những biến dị khiến tế bào bất thường lớn lên ở 32 dạng ung thư khác nhau. Sử dụng thuật toán học, các nhà khoa học đã nghiên cứu, thu thập trình tự sắp xếp những sao chép gen. Kết quả cho thấy phải có từ 2 hay nhiều hơn gen bị đột biến (bị sao chép lỗi), mới dẫn tới bệnh ung thư.
Với những bệnh ung thư quái ác như ung thư não, ung thư xương, ung thư tiền liệt tuyến thì 95% trường hợp là lỗi do sao chép ở một số gien ADN quan trọng gây ra. Các nhà khoa học giải thích, không gì có thể ngăn cản được những sai lầm ngẫu nhiên trong mã hóa di truyền khi các tế bào phân chia và sao chép. Những sai lầm được nhân bản đôi khi thường vô hại, nhưng nếu nó xảy ra ở những mã di truyền quan trọng thì những biến dị đó lại là tiềm ẩn của đột biến ung thư.
Tiến sĩ Critina Tomasetti, đồng trưởng nhóm nghiên cứu cho biết, có tới 66% đột biến ung thư là do lỗi sao chép, 29% là do lối sống và chỉ 5% là do di truyền gen lỗi:
“Có thể nói là sự may rủi trong quá trình phân tích mã di truyền gen ở mỗi người. Chúng ta đều biết rằng vẫn cần phải tránh các yếu tố môi trường nguy cơ gây ung thư như hút thuốc lá. Song không phải ai cũng biết rằng mỗi lần tế bào phân chia thành 2 tế bào mới có thể mắc phải nhiều sai lầm. Nó giống như việc đánh máy vậy. Bạn có thể giảm các lỗi đánh máy nếu bạn tập trung hoăc bàn phím không bị thiếu phím nào. Nhưng điều đó không có nghĩa là không có lỗi xảy ra vì không ai có thể gõ hoàn hảo".
Nhóm nghiên cứu cho biết, công trình của họ nhằm tìm lời giải đáp cho hàng triệu trường hợp mắc bệnh ung thư dù người bệnh có một lối sống lành mạnh hoặc tuân thủ mọi biện pháp phòng chống ung thư mà giới khoa học khuyến cáo. Bên cạnh đó, nhóm mong muốn nâng cao nhận thức đối với các dạng biến dị gây ung thư để phát triển các phương pháp phát hiện sớm đối với căn bệnh chết người này.
Tuy vậy, các nhà khoa học viện Ung thư Kimmel Johns Hopkins khuyên rằng, ngay cả khi nghiên cứu chỉ ra ung thư là đột biến ngẫu nhiên hay do sự may rủi của số phận, thì chúng ta vẫn luôn phải áp dụng các biện pháp phòng ngừa ung thư, duy trì lối sống lành mạnh, đặc biệt là phải luôn “lắng nghe cơ thể”, thường xuyên thăm khám bệnh. Trong đó, việc chẩn đoán bệnh ung thư sớm luôn làm tăng cơ hội chữa khỏi bệnh. Thậm chí, với một số chủng ung thư, cơ hội chữa trị thành công có thể lên tới 98% nếu được phát hiện sớm./.