Phan Thanh Liêm - Người chắp cánh cho con rối truyền thống
Nếu quan niệm về “bảo tồn hay phát huy” nghệ thuật truyền thống còn đang gây nhiều tranh cãi thì ở nghệ thuật rối nước truyền thống, có một nghệ sĩ đang vừa phục hồi các tích diễn dân gian vừa sáng tạo ra các trò diễn mới phục vụ nhu cầu, thị hiếu khán giả hôm nay. Những tìm tòi, sáng tạo của ông không chỉ làm giàu thêm kho tàng nghệ thuật truyền thống mà còn phản ánh được những vấn đề của con người và cuộc sống hôm nay, góp phần đưa múa rối nước cổ truyền của Việt Nam vươn xa tới các châu lục.
Đó là Phan Thanh Liêm, người nghệ sĩ đã sáng tạo ra sân khấu múa rối thu nhỏ, chắp cánh cho con rối truyền thống đến với khán giả trong và ngoài nước.
Nghệ sĩ Phan Thanh Liêm biểu diễn rối nước trên sân khấu thu nhỏ. |
Đã trở thành thông lệ, cứ có dịp ra thăm Thủ đô là ông Nguyễn Thế Khoa lại đưa gia đình đến thưởng thức nghệ thuật rối nước tại ngôi nhà nhỏ trong ngõ Chợ Khâm Thiên của nghệ sĩ Phan Thanh Liêm. Nếu những tiết mục múa rối dân gian truyền thống kinh điển như: Bát tiên, múa lân, rước kiệu, đấu vật, đánh võ, chọi trâu… khiến lớp người cao tuổi như vợ chồng ông Khoa không thể rời mắt thì những trò diễn mới sáng tạo về văn hóa giao thông, chủ quyền biển đảo, môi trường lại khiến con cháu ông thích thú reo hò.
Ông Nguyễn Thế Khoa nói: "Các trò diễn của Liêm rất độc đáo, trên cơ sở làng rối Nam Chấn là nơi có nhiều trò diễn và 2 bố con anh Liêm cũng lại sáng tạo ra nhiều trò diễn mới, thành ra nó hấp dẫn. Sân khấu ở một nơi hẻo lánh này nhưng tuần nào cũng có khách quốc tế, tuần nào cũng 4,5 buổi đấy. Liêm rất giỏi, vừa làm con rối để bán vừa biểu diễn, thì ngoài sân khấu lưu động thì còn có một sân khấu cố định và khách đến rất đông, phải rất hấp dẫn thì mới lôi kéo được các công ty du lịch đưa khách đến".
Có lẽ cái tên Phan Thanh Liêm đã chẳng còn xa lạ với những ai yêu nghệ thuật truyền thống. Sinh ra và lớn lên tại Nam Trực, Nam Định – cái nôi của nghệ thuật múa rối nước cổ truyền, ngay từ thời thơ ấu, nghệ sĩ đã được ông nội và bố kèm cặp, dạy bảo những bí quyết tạo hình, biểu diễn các trò rối. Đến khi rời làng quê theo bố ra thành phố, Phan Thanh Liêm mang theo cả tình yêu đối với nghệ thuật rối nước cổ truyền. Trong thời gian tham gia biểu diễn rối nước, nghệ sĩ sớm nhận ra sự hạn chế của mô hình sân khấu rối nước truyền thống. Nó không chỉ cồng kềnh, khó di chuyển mà còn không thích hợp với một đoàn ít người. Từ đó nghệ sĩ trăn trở sáng tạo ra một mô hình sân khấu rối nước gọn nhẹ để có thể đưa nghệ thuật múa rối đến mọi nơi.
Nghệ sĩ Phan Thanh Liêm chia sẻ: "Khó khăn nhất là vấn đề vận chuyển, nếu như sân khấu truyền thống thì rất là tốn kém, chính vì thế sự quảng bá của mình với nghệ thuật rối nước bị hạn chế vì tốn kém. Người mời họ không thể đủ tài chính để mời một đoàn to mấy chục người đi cùng mấy tấn đạo cụ. Chính vì thế mà tôi phải cải tiến làm sao đưa được nghệ thuật này ra thế giới. Của tôi rất đơn giản ví dụ như một người Mỹ chỉ một gia đình thôi người ta có điều kiện thì người ta vẫn có thể mời tôi sang được, đỡ tốn kém rất nhiều".
Với ưu điểm gọn nhẹ, tiện lợi khi di chuyển, mô hình sân khấu múa rối nước thu nhỏ của Phan Thanh Liêm không chỉ phù hợp khi biểu diễn phục vụ khán giả ở những không gian hạn chế như trong trường học, cơ quan, gia đình… mà còn giúp nghệ sĩ đưa nghệ thuật rối nước đến nhũng vùng sâu vùng xa của Tổ quốc. Thú vị là với mô hình này, khán giả được gần sân khấu hơn, khoảng cách giữa cánh tay người nghệ sĩ với con rối cũng ngắn hơn giúp trò diễn sinh động, hấp dẫn hơn. Từ đó, Phan Thanh Liêm có thể mặc sức “tung hoành” với nhiều trò diễn từ dân gian đến hiện đại. Đây cũng là điều mà nhà thủy đình truyền thống khó có thể thực hiện được.
Giáo sư Hoàng Chương, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc đánh giá: "Từ suy nghĩ làm thế nào để quảng bá nghệ thuật múa rối nước đặc sắc của dân dân truyền thống cho khắp mọi nhân dân, Phan Thanh Liêm đã nghĩ ra điều đó. Có lẽ lúc đầu khi Phan Thanh Liêm nghĩ ra mô hình rối nước thì cũng không nghĩ là sẽ được quảng bá trên thế giới đâu, mà chỉ nghĩ rằng làm thế này để phục vụ cho thiếu nhi, nhưng mà sức lan tỏa của nó rất mạnh, bởi vì nghệ thuật này không chỉ Việt Nam yêu thích mà nhân dân thế giới cũng hết sức yêu thích".
Cũng kể từ khi sân khấu múa rối mini ra đời, Phan Thanh Liêm đã mang con rối đến với nhiều quốc gia như: Hàn Quốc, Italy, Ba Lan, Thái Lan, Pháp, Đức, Nhật Bản… và tới đây là Mỹ. Nơi đâu, tiết mục của nghệ sĩ cũng nhận được sự thích thú, những tràng pháo tay của khán giả. Phan Thanh Liêm bảo ông muốn quảng bá văn hóa Việt qua những hình ảnh “Cây đa bến nước sân đình” hay “tre Thánh Gióng”. Thế nên không chỉ biểu diễn, nghệ sĩ còn tạo cơ hội cho khán giả giao lưu, tìm hiểu về nghệ thuật múa rối truyền thống, cũng như giới thiệu về lịch sử, những đặc trưng của người Việt sau những trò diễn. Càng đi biểu diễn nhiều nơi, nhận được nhiều sự cổ vũ của bạn bè quốc tế, Phan Thanh Liêm lại càng trăn trở là làm sao để nghệ thuật rối nước nói riêng và nghệ thuật truyền thống nói chung không bị mai một.
Nghệ sĩ tâm sự: "Hiện giờ thanh thiếu niên của chúng ta vẫn chưa nhìn nhận đúng về nghệ thuật truyền thống. Tôi thấy một số thanh niên có vẻ không thích nghệ thuật truyền thống, ví dụ họ hay cho rằng nghệ thuật truyền thống là lạc hậu, hay cổ điển. Các em, các cháu chưa va chạm với xã hội, chưa ra nước ngoài để thấy họ rất tôn trọng nghệ thuật truyền thống".
Yêu nghề, say nghề thế nên bất cứ ai khi gặp lần đầu cũng được truyền lửa bởi sự nhiệt huyết và cống hiến dường như không mệt mỏi của Phan Thanh Liêm. Đến thời điểm này, có lẽ ông là nghệ sĩ múa rối độc lập duy nhất tại Việt Nam gặt hái nhiều thành công cả trong và ngoài nước.
Hà Nôi, mưa xuân lất phất, những ngày này, Phan Thanh Liêm đang gấp rút chuẩn bị cho chuyến biểu diễn tại Mỹ. Mỗi chuyến đi là một trải nghiệm để nghệ sĩ giới thiệu cái hay, cái đẹp của nghệ thuật rối nước truyền thống của Việt Nam đến khán giả./.