“Phải loại bỏ việc sử dụng mối quan hệ để chi phối công việc“
Trao đổi với phóng viên VOV, Giáo sư Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường chỉ rõ, một mặt tìm mọi cách thuyết minh để bộ máy ngày càng phình to, một mặt tuyển chọn vào nhưng không có chọn lọc thực sự, dẫn đến một bộ máy rất lớn nhưng chất lượng kém, hiệu suất cũng kém.
Tư duy bao cấp “cản đường” sắp xếp, đổi mới bộ máy
PV: Vấn đề đổi mới, sắp xếp tổ chức, bộ máy để hoạt động hiệu lực, hiệu quả được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm bằng nhiều chủ trương, nghị quyết, chính sách, cơ chế và chỉ đạo thực hiện.Tuy nhiên, cho đến nay tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, kém hiệu lực, hiệu quả....Vì sao lại như vậy, thưa ông?
Giáo sư Đặng Hùng Võ: Có lẽ, một nguyên nhân rất cơ bản là chúng ta đi ra từ thời kỳ bao cấp, tư duy bao cấp còn rất nặng nề. Chúng ta tiếp cận với thị trường nhưng bộ máy gần như vẫn giữ nguyên như thời bao cấp. Chúng ta đặt ra vấn đề đổi mới thể chế, tinh giản bộ máy khá nhiều lần nhưng vẫn khó thực hiện là bởi tư duy của chúng ta về bộ máy vẫn giữ nguyên chắc chắn sẽ thiếu phù hợp với thị trường, không mang lại hiệu quả.
Giáo sư Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường |
Tôi muốn đặt vấn đề mà các nước trên thế giới cũng dành sự quan tâm lớn đó là hiệu suất, con người ít đi, nhưng những con người đó phải lao động với năng suất rất cao, lúc đó mới giải quyết được vấn đề người ít đi nhưng công việc vẫn đảm bảo và được giải quyết tốt.
PV: Hội nghị lần này, Trung ương chỉ rõ nhiều bất cấp trong tổ chức bộ máy của khối MTTQ, đoàn thể, các đơn vị sự nghiệp công lập: đó là sự chậm được đổi mới; tổ chức và biên chế ngày càng phình to; số lượng cấp phó, số người được hưởng chế độ "hàm" không hợp lý; số lao động phục vụ gián tiếp quá nhiều trong khi thiếu nhân lực trực tiếp làm chuyên môn nghiệp vụ... Theo ông, lý do gì mà chúng ta không “sắp xếp” được thưa ông?
Giáo sư Đặng Hùng Võ: Có những nguyên nhân khá cơ bản. Tôi cho rằng một trong những nguyên nhân cơ bản nhất chi phối mọi hoạt động về tổ chức cán bộ là mối quan hệ. Chúng ta vẫn tiếp tục giữ việc tuyển dụng cán bộ, người lao động theo mối quan hệ, lúc đó sẽ không có bộ máy nào chịu nổi, bởi quan hệ con người thì rất nhiều, rất rộng.
Bên cạnh đó, cơ chế tuyển dụng của chúng ta có nhiều đổi mới nhưng thực hiện trên thực tế vẫn còn rất yếu. Chúng ta cũng tổ chức thi tuyển công chức, viên chức để lựa chọn nhưng khi vào thi nhiều người nói với tôi chỉ là hình thức. Do vậy, thực chất để tuyển được người giỏi vẫn chưa đạt được.
Chính vì vậy, một mặt tìm mọi cách thuyết minh để bộ máy ngày càng phình to, một mặt tuyển chọn vào nhưng không có chọn lọc thực sự, dẫn đến một bộ máy rất lớn nhưng chất lượng kém, hiệu suất cũng kém.
Có thể tổ chức thi tuyển cả Thứ trưởng
PV: Thực hiện tổ chức sắp xếp lại bộ máy sẽ không tránh khỏi việc đụng chạm đến quyền lực, đến lợi ích. Thế nhưng không lẽ vì thế mà chúng ta không thể tổ chức, sắp xếp lại bộ máy được, thưa ông?
Giáo sư Đặng Hùng Võ: Sự thực mà nói, ngay cả những công chức trong Nhà nước, khi nhìn vào một sự việc, chúng ta chưa dám nhìn thẳng vào bản chất của công việc cần gì, mà vẫn chỉ nhìn vào mặt hình thức, khi đó chúng ta sẽ nhận định sai về mặt nội dung, như vậy chúng ta chưa trúng đích. Chính vì vậy mà chúng ta lặp đi lặp lại câu chuyện tinh giản bộ máy, đổi mới việc tuyển dụng.
Tôi còn nhớ ít nhất cách đây 20-30 năm, chúng ta đã từng ép rất mạnh việc tinh giản bộ máy. Tuy nhiên, thời kỳ đó, đại đa số những người có năng lực lại xin đi, số còn ở lại là những người năng lực kém hơn. Một thời gian sau đó chúng ta phải dừng vì nếu tiếp tục, người có năng lực sẽ đi hết.
Đến bây giờ chúng ta quay trở lại vấn đề tinh giản vì áp lực chi thường xuyên quá cao, nếu tiếp tục duy trì, bộ máy sẽ còn kém nữa. Do đó chúng ta phải tìm ra được những nguyên nhân cơ bản. Tôi cho rằng, việc sử dụng mối quan hệ để chi phối công việc là điều mà chúng ta phải sớm loại bỏ. Thứ hai, cách tuyển dụng, cách nhìn nhận công việc, cách thu xếp người làm cũng phải thay đổi nếu không bộ máy sẽ còn phình to, hiệu quả giải quyết công việc yếu.
Chúng ta đã có một thời gian khá dài đi theo hướng trong bộ máy hành chính, một phòng, một vụ phải chỉ ra từng vị trí, yêu cầu con người đảm nhiệm những vị trí này cần những điều kiện gì, trình độ, chuyên môn, kinh nghiệm… Thế nhưng chúng ta chỉ dựng lên một kịch bản như vậy, nhưng thực tế thực hiện không ăn nhập vào kịch bản đó. Chính vì vậy mà có thể nói là rất khó để sắp xếp, tinh gọn bộ máy.
PV: Không có quy định nào về “hàm”, nhưng tại nhiều cơ quan trung ương có nhiều vận dụng cho hưởng chế độ chức danh “hàm” đối với cán bộ công chức, viên chức. “Hàm” có thực sự cần cho công việc hay vì những lý do gì khiến nó tồn tại, thưa ông?
Giáo sư Đặng Hùng Võ: Trước hết, nhìn vào công việc, tôi cho rằng, “hàm” là không cần thiết; luật cũng không có quy định về hàm. Nhưng trên thực tế, có 2 việc được rất nhiều nơi vận dụng hay ta vẫn nói là “lách luật” đó là số lượng cấp phó nhiều hơn cần thiết nên nó dẫn tới thực trạng 70% là lãnh đạo, 30% là nhân viên.
Ở nhiều đơn vị không có quy định nên việc bổ nhiệm cấp phó theo kiểu ban phát lợi lộc càng nhiều càng tốt. Ở những nơi đã có quy định về cấp phó thì người ta lại vận dụng “hàm” để được hưởng lương như cấp phó. Điều đó dẫn đến thực tế quan nhiều hơn dân.
“Hàm” chẳng qua cũng là giải pháp hình thức và chúng ta cũng phải sớm bỏ, kể cả số lượng cấp phó cũng nên hạn chế lại.
PV: Có ý kiến cho rằng, việc cải cách chất lượng bộ máy hành chính cần áp dụng cơ chế cạnh tranh lành mạnh thì mới tìm kiếm được người có năng lực, ông nghĩ sao về ý kiến này?
Giáo sư Đặng Hùng Võ: Tôi cho ý kiến này là đúng, việc này đã được một số tỉnh thí điểm thông qua việc thi tuyển vào một số vị trí lãnh đạo (ví dụ Quảng Ninh) và được Trung ương đánh giá đây là biện pháp tốt, tuy nhiên để đưa ra quy định thì vẫn còn cần phải nghiên cứu để làm sao có thể chọn được đúng người.
Theo tôi đây là một hướng đi cần phát triển, đưa ra một cuộc thi cạnh tranh thực sự, không có chuyện xem xét quan hệ, thi và chấm điểm một cách khách quan, không chỉ thi tuyển ở cấp thấp, mà có thể thi tuyển cả ở cấp Thứ trưởng. Khi đó chúng ta có thể tuyển được người giỏi và hơn cả là không xảy ra tình trạng như hiện nay đó là người giỏi chạy từ Nhà nước sang khu vực tư nhân, thậm chí chạy ra nước ngoài.
PV: Theo ông, để đổi mới, sắp xếp lại tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, chúng ta nên bắt đầu từ đâu?
Giáo sư Đặng Hùng Võ: Nhiều người cho rằng hệ thống chính trị của ta có quá nhiều cơ quan. Việc phải làm là chúng ta phải cải cách hệ thống tổ chức, nên có tư duy nào đó để sát với cơ chế thị trường, gạt bỏ được “cái đuôi” bao cấp đã từng được vận hành ở nước ta trong một thời gian dài.
Tiếp cận cơ chế thị trường chúng ta cần có sự thay đổi, nhất là vừa rồi Hội nghị Trung ương đã chỉ ra đó là phải thay đổi cách thức hoạt động của các tổ chức chính trị xã hội và hệ thống công lập, sự nghiệp công lập. Việc Hội nghị Trung ương chỉ ra điều này là hoàn toàn chính xác bởi các hệ thống này đang “ngốn” một lượng người khá lớn phải chi lương.
PV: Xin cảm ơn ông!./.