Ông Vũ Mão: Cần xây dựng chế tài xử lý việc tặng quà Tết lãnh đạo
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể Trung ương không tổ chức đi thăm, chúc Tết địa phương; các địa phương không chúc Tết Trung ương; nghiêm cấm tặng quà Tết cho cấp trên dưới mọi hình thức; các địa phương không bắn pháo hoa trong dịp Tết, dành thời gian và kinh phí chăm lo Tết cho người nghèo, khó khăn, gia đình chính sách. Đây là các nội dung quan trọng nằm trong Chỉ thị số 11 vừa được Ban Bí thư ban hành về việc tổ chức Tết năm 2017. Phóng viên VOV phỏng vấn ông Vũ Mão – nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội về nội dung này.
Ông Vũ Mão - nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. |
PV: Chỉ còn hơn 1 tuần nữa là hết năm 2016, TPHCM và Đà Nẵng đã chuẩn bị xong phương án bắn pháo hoa mừng Tết dương lịch. TPHCM và Hà Nội cũng đã chuẩn bị kế hoạch bắn pháo hoa ở gần 40 điểm để đón Tết Đinh Dậu. Theo Chỉ thị của Ban Bí thư vừa mới ban hành, kế hoạch bắn pháo hoa đón giao thừa có thể sẽ phải thay đổi. Ông nghĩ sao về quyết định này?
Ông Vũ Mão: Chỉ thị của Ban Bí thư có nhiều nội dung rất cần thiết và chúng ta cần chỉ đạo để làm cho thật tốt. Riêng vấn đề bắn pháo hoa cũng là vấn đề rất đáng quan tâm. Theo Chỉ thị, không tổ chức bắn pháo hoa để tiết kiệm vì năm nay có nhiều khó khăn, tôi thấy tinh thần đó là tốt.
Tuy nhiên, đây cũng là vấn đề hệ trọng, nếu thấy nguyện vọng của nhân dân, có cách làm hợp lý tạo được không khí, không gây tốn kém lắm đồng thời cũng cũng không ảnh hưởng tới sự quan tâm tới đồng bào vùng lũ thì cũng có thể trình bày, trao đổi, thảo luận lại.
PV: Theo ông, liệu có thể chúng ta vẫn bắn pháo hoa để đem lại niềm vui cho người dân đồng thời vẫn có thể thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để chăm lo Tết cho người nghèo và gia đình chính sách?
Ông Vũ Mão: Theo tôi, việc đó có thể làm được, trong khó khăn chúng ta lại sáng tạo, tìm ra những điều hợp tình, hợp lý, hợp lòng dân.
PV: Người dân rất ủng hộ Chỉ thị của Ban Bí thư nhưng băn khoăn Tết đã đến rất gần, nhưng các cơ quan chức năng vẫn chưa xây dựng được quy chế giám sát việc tặng quà biếu thì liệu có hạn chế được tình trạng biếu xén, phong bao cho lãnh đạo trong dịp Tết hay không, đặc biệt không biết xử lý ra sao ngay cả khi phát hiện vi phạm, thưa ông?
Ông Vũ Mão: Các cơ quan có trách nhiệm, các ban của Đảng, các cơ quan Nhà nước trên tinh thần Chỉ thị của Ban Bí thư thì phải xây dựng kế hoạch để triển khai.
Thường lâu nay chúng ta có chủ trương, Chỉ thị, quyết định nhưng chế tài để thực hiện không đầy đủ. Lần này, theo tôi, ngay lập tức phải xây dựng những quy định cụ thể, đặc biệt là chế tài để xử lý. Những người thực hiện không nghiêm phải được xử lý, kiểm điểm, phê bình, xem xét nếu có bằng chứng rõ ràng.
Phải có hình thức kỷ luật nghiêm và công khai, minh bạch việc đó thì nhân dân sẽ ủng hộ. Tạo điều kiện cho các phương tiện thông tin đại chúng, nhân dân ở khu dân cư công khai giám sát việc đó. Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII cũng nêu rõ phải kiểm soát, giám sát được quyền lực vì ở đây cũng là vấn đề tham nhũng. Việc này phải làm rất nghiêm và cần có chỉ đạo sát sao như một chiến dịch để làm cho hiệu quả. Lâu nay chúng ta nói và làm có khoảng cách lớn quá, giờ phải nói và làm thực sự.
PV: Văn hóa biếu tặng quà Tết đã ăn sâu bám rễ vào cả xã hội, vậy làm thế nào nghiêm cấm tặng quà Tết cho cấp trên dưới mọi hình thức, thưa ông?
Ông Vũ Mão: Khó ở chỗ đây là văn hóa truyền thống ngày Tết, ngày lễ thể hiện ơn nghĩa đối với người đi trước giúp đỡ mình, đó là văn hóa rất đẹp nhưng bây giờ nó biến tướng sang nghĩa tiêu cực mà thực chất là tham nhũng.
Đây là vấn đề cần phải thận trọng, nghiên cứu kỹ, nên có hội thảo trao đổi, công khai, phân tích cho mọi người rõ và lên án những hiện tượng như vậy. Vì đây là vấn đề cụ thể của chương trình hành động để thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, Đại hội Đảng XII chống tiêu cực, chống tham nhũng, lợi dụng chức quyền để tham nhũng gây mất lòng dân.. Chúng ta phải lấy lại lòng dân từ những hành động và những việc rất cụ thể.
PV: Xin cảm ơn ông./.