Nuôi thủy sản theo mô hình hợp tác xã cho thu nhập cao
Không tự bằng lòng với việc trồng lúa, trồng mía chỉ đủ ăn, năm 2010, anh nông dân Cao Văn Khánh ở xã Long Thạnh, huyện Thủ Thừa, Long An quyết tâm tìm cách làm khác để nâng cao đời sống của gia đình. Anh Khánh sang các địa phương lân cận của tỉnh Đồng Tháp xem mô hình nuôi thủy sản nước ngọt, rồi lên tận TPHCM tìm học kinh nghiệm, kỹ thuật. Anh quyết định khởi nghiệp với hai bàn tay trắng bằng nghề nuôi ếch thịt.
Nhờ xác định đúng hướng và chuẩn bị kỹ ngay từ đầu, chỉ sau một năm thực hiện, mô hình nuôi ếch của anh Khánh đã thành công bước đầu. Cứ thế, anh nhân rộng quy mô nuôi, đầu tư nhiều hơn và đến nay nghề nuôi ếch thịt đem lại cho gia đình anh lợi nhuận từ 80 đến 120 triệu đồng/năm.
Anh Cao Văn Khánh giới thiệu mô hình khởi nghiệp bằng nghề nuôi thủy sản nước ngọt. |
Không dừng lại ở đó, anh Khánh còn muốn giúp nhiều lao động nông nhàn trong xã nên mạnh dạn xin thành lập Hợp tác xã nuôi thủy sản Long Thạnh. Có hợp tác xã rồi, anh Khánh đưa thêm con cá rô đầu nhím, cá trê vàng đồng, cá lóc, lươn... vào nuôi song song với mô hình nuôi ếch. Khai thác được điều kiện đất đai, môi trường nước của địa phương, đa dạng hóa vật nuôi và sản xuất xen canh nên anh có thể nuôi được 2 đợt thủy sản trong một năm, lợi nhuận tăng đáng kể.
“Cá rô đầu nhím, và cá trê vàng đồng nuôi kết hợp với ếch đã tăng thêm lợi nhuận cho hợp tác xã. Hiện tại cá trê giá bán thị trường 55.000- 58.000 đồng/kg trung bình 1ha có thể mang lại 100 - 200 triệu/vụ, mỗi vụ khoảng 4 tháng” - anh Cao Văn Khánh nói.
Đến nay, Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản Long Thạnh đã tập hợp được hơn 80 hộ nông dân, chủ yếu là thanh niên, nuôi thủy sản trên diện tích gần 50 ha. Toàn bộ các thành viên đều được anh Khánh và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An hỗ trợ từ giống, kỹ thuật cho đến đầu ra sản phẩm...
Anh Phạm Thanh Dũng, một người được hợp tác xã hỗ trợ khởi nghiệp cho biết: “Thu nhập mỗi năm, trừ các khoảng chi phí lợi nhuận ròng khoảng 100 - 120 triệu đồng/năm. Lợi nhuận như vậy khá là cao, cuộc sống của gia đình ổn định từ khi nuôi thủy sản theo mô hình của hợp tác xã”.
Sau khi tham gia HTX, với mô hình nuôi ếch, anh Phạm Thành Dũng có thu nhập 120 triệu đồng/năm. |
Để sản phẩm có đầu ra ổn định, ngoài các bếp ăn khu công nghiệp, phân phối cho chợ đầu mối Bình Điền TPHCM và một số hệ thống siêu thị trong nước, Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản Long Thạnh đang tính đến việc tìm thị trường ngoài nước.
Tiếp cận các thị trường khó tính, hợp tác xã phải tiếp tục theo đuổi việc xây dựng các mô hình nuôi trồng thủy sản sạch-an toàn và sản phẩm phải được sơ chế trước khi chuyển đến nhà máy.
“Ngân sách tỉnh Long An sẽ hỗ trợ công tác tư vấn đào tạo cho đến cấp giấy chứng nhận sản phẩm an toàn, kết nối sản phẩm của HTX Long Thạnh vào một chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch. Phối hợp thêm với các hệ thống cửa hàng tiện ích để phát triển thành chuỗi khép kín hơn giúp sản phẩm đã qua chế biến có thể ra luôn thị trường bán lẻ tới tay người tiêu dùng” - bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An nói.
Không chỉ với các loại nông sản truyền thống như thanh long, chanh, khoai mỡ... tạo nên thương hiệu của ngành nông nghiệp tỉnh Long An, những mô hình mới về nuôi trồng thủy sản điển hình như tại HTX Long Thạnh cũng đang góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp của Long An./.