Nữ Chủ tịch Hội Phụ nữ Công an kể chuyện “tay bo” với tội phạm ma túy
Sáng se lạnh, khi màn sương còn bao trùm khắp thành phố, khẽ khàng đắp chăn cho con trai ngủ yên giấc, Trung tá Nguyễn Thị Hồng Thúy, Chủ tịch Hội Phụ nữ Công an tỉnh Điện Biên vội vã sắp đồ để cùng đoàn công tác Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên Công an tỉnh về huyện biên giới xa xôi Mường Nhé.
Đi từ tờ mờ sáng, mãi đến xế trưa, vượt qua quãng đường hơn 200km đèo dốc, đoàn mới tới trụ sở Công an huyện. Ăn vội bữa cơm, cả đoàn lại tiếp tục đến bản Nậm Kè 2, bản có 13 nóc nhà, rất khó khăn, do Công an tỉnh đỡ đầu. Những chuyến đi dài ngày đến các bản làng xa xôi nhất dù khó khăn, vất vả nhưng sâu nặng nghĩa tình quân dân.
Chủ tịch Hội Phụ nữ Công an tỉnh Điện Biên Nguyễn Thị Hồng Thúy (đầu tiên bên phải) trong chuyến đi tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại địa bàn huyện Mường Nhé. |
Nhớ lại chuyến đi đến bản Nậm Kè 2, huyện Mường Nhé, Trung tá Nguyễn Thị Hồng Thúy trải lòng: Bản Nậm Kè 2 là bản tái định cư, mới chỉ có 13 hộ, chủ yếu là dân tộc Mông và dân tộc Thái sinh sống. Theo Đề án 79 của tỉnh Điện Biên, Công an tỉnh Điện Biên được giao nhiệm vụ đỡ đầu bản, phối hợp với các sở, ngành, đoàn thể cùng chăm lo cho cuộc sống của người dân nơi đây được ấm no, hạnh phúc hơn.
Những ngày đầu đến nơi ở mới, cuộc sống của người dân còn nhiều khó khăn. Hội Phụ nữ, thanh niên xung kích của Công an tỉnh đã phối hợp với Công an huyện Mường Nhé và các đoàn thể, ban, ngành bắt tay ngay vào việc, từ phát quang bụi rậm, mở đường, dựng nhà cho đến chăm lo việc vệ sinh chuồng trại, hướng dẫn người dân chăn nuôi, trồng cây giống mới, dạy các em học chữ...
Đến nay, với sự nỗ lực của Công an tỉnh và các sở, ban, ngành, đoàn thể, cuộc sống ở bản Nậm Kè 2 đã dần đổi thay. Đây là lần thứ 2 trong năm 2016, các tổ chức đoàn thể Công an tỉnh Điện Biên trở lại bản. Đi từ trụ sở Công an huyện xuống bản là hơn 40km đường rừng núi, vừa xuống xe, các chị lại quên hết mệt mỏi, xuống chia đồ, từ chăn màn, quần áo ấm, sách vở, thuốc men, phân công nhau đi bộ leo dốc đến từng nhà hộ dân thăm hỏi, tặng quà.
Nhìn dáng đi thoăn thoắt, từng đặt chân đến nhiều bản làng xa xôi, vùng biên giới mà không hề nề hà gì, phong tục, tập quán hiểu như người dân bản địa, ít ai biết rằng Trung tá Nguyễn Thị Hồng Thúy vốn sinh ra tại quê lúa Thái Bình. Sau khi tốt nghiệp Trường Trung cấp Cảnh sát nhân dân (nay là trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân), chị Thúy được phân công về tỉnh biên giới Điện Biên công tác.
Những ngày đầu đặt chân lên miền núi không khỏi bỡ ngỡ nhưng được tôi luyện trong môi trường đào tạo chuyên ngành điều tra hình sự, lại ham học hỏi chị đã trở thành một trong những trinh sát năng nổ của Đội Hình sự Công an TP Điện Biên Phủ. Chị và đồng đội đã tham gia phá nhiều vụ án về ma túy, xóa các điểm tệ nạn xã hội như lô đề, cờ bạc, nghiện hút, trộm cắp tài sản và điều tra, góp phần phá những vụ trọng án xảy ra tại các địa bàn xa xôi, hẻo lánh trong tỉnh.
Năm 2003, chị được điều động công tác về Đội Cảnh sát hình sự Công an huyện Điện Biên, nơi từng được coi là "chảo lửa" ma túy. Một trong những kỷ niệm khó quên trong cuộc đời trinh sát của chị chính là vụ án cùng đồng đội điều tra, bắt ổ nhóm cướp tài sản do đối tượng Đoàn Xuân Vũ (28 tuổi, trú tại Đội 7, Yên Cang, xã Sam Mứn, huyện Điện Biên) cùng đồng bọn thực hiện.
Trong ổ nhóm này có đối tượng đã có tiền án, tiền sự, nhiễm HIV, luôn mang theo vũ khí để chống trả lại lực lượng chức năng mỗi khi bị phát hiện.Với sự mưu trí, dũng cảm, chị và đồng đội đã theo sát mọi di biến động của nhóm cướp.
Từ mờ sáng đến đêm khuya, đi dọc cung đường nơi các đối tượng hay gây án, chị đã cùng đồng đội phát hiện ra quy luật của các đối tượng và lập phương án bắt giữ những tên cướp. Đối tượng Vũ không thể ngờ rằng, hắn đã bị người phụ nữ mảnh mai chính là Cảnh sát hình sự quật ngã và khóa tay trong tích tắc.
Là trinh sát giỏi, giỏi việc nước, đảm việc nhà nhưng chị Thúy vẫn say mê với các hoạt động phong trào, trở thành tấm gương nữ Công an xuất sắc, tiêu biểu. Tháng 10/2012, sau 15 năm gắn bó với nghiệp Cảnh sát hình sự, chị được cấp trên điều động về Công an tỉnh và đảm nhiệm cương vị mới là Chủ tịch Hội Phụ nữ Công an tỉnh.
Trưởng thành từ phong trào, chị không ngừng học hỏi, cùng tập thể Ban Chấp hành bàn bạc để có những đóng góp đổi mới, hiệu quả các mặt công tác, nhất là các phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, chăm lo sức khỏe và đời sống tinh thần của hội viên.
Đặc biệt, Hội Phụ nữ cùng đoàn thanh viên đã tích cực triển khai các hoạt động tình nghĩa, hướng về cơ sở, nơi vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp khó khăn trong cuộc sống. Phối hợp với các đơn vị chức năng, các cơ quan doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh chủ trì tổ chức trao tặng nhà tình nghĩa; trao suất học bổng cho học sinh nghèo; cấp phát thuốc miễn phí tại vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới đặc biệt khó khăn với tổng trị giá hàng chục tỷ đồng.
Với những thành tích đã đạt được, chị đã vinh dự được trao tặng danh hiệu thi đua “Chiến sĩ thi đua cơ sở” 3 năm liên tiếp; 5 năm liền đạt danh hiệu “Phụ nữ xuất sắc” cùng nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp, các ngành trong thực hiện công tác hội và phong trào phụ nữ của Công an tỉnh Điện Biên./.