Nông thôn mới Hà Nội trước ngã rẽ mới: Những đích đến cho năm 2020
Chương trình 02 về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, từng bước nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2011 - 2015’ của Thành ủy Hà Nội sau 5 năm thực hiện với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự đồng thuận và hưởng ứng tích cực của nhân dân đã thực sự trở thành phong trào rộng lớn. Việc xây dựng NTM của Hà Nội đã thu được những kết quả đáng khích lệ, trở thành một trong những địa phương đi đầu, dẫn dắt phong trào NTM của cả nước.
Thu hoạch hoa ở huyện Thường Tín |
Tuy nhiên, nông nghiệp, nông thôn Hà Nội vẫn còn một số khó khăn tồn tại là: Sản xuất nông nghiệp chủ yếu vẫn là sản xuất quy mô nhỏ, phân tán, chất lượng nông sản và hiệu quả sản xuất chưa cao. Chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi còn chậm, chủ yếu ở dạng mô hình.
Việc xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại phát triển thị trường tiêu thụ nông, lâm sản hàng hóa chưa được quan tâm đúng mức, chủ yếu ở dạng thô nên giá trị và sức cạnh tranh còn thấp. Việc hỗ trợ của Nhà nước cho sản xuất nông nghiệp còn hạn chế, chưa khuyến khích được doanh nghiệp và hộ gia đình nông dân đầu tư để tích tụ ruộng đất, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và thiết bị công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp.
Tuy chỉ còn 131/386 xã chưa đạt chuẩn NTM nhưng đều là các xã khó khăn, ở vùng xa trung tâm. Các tiêu chí chưa đạt đều là các tiêu chí cần nhiều tiền và khó làm như môi trường, cơ sở vật chất trường học, nước sạch nông thôn, cơ sở vật chất văn hóa, thu nhập…
Trong khi đó hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đầu tư chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu, giao thông, thủy lợi, điện phục vụ sản xuất nhiều nơi còn khó khăn.
Một trường mầm non ở nông thôn |
Vệ sinh môi trường một số khu vực nông thôn vẫn còn ô nhiễm nghiêm trọng, nhất là ở các khu vực làng nghề chế biến nông sản và hộ chăn nuôi quy mô lớn trong và gần khu vực dân cư. Công tác dồn điền đổi thửa tuy cơ bản đã hoàn thành nhưng vẫn còn một số diện tích nhỏ chưa được giải quyết dứt điểm dẫn đến khiếu kiện vượt cấp kéo dài.
Đời sống và thu nhập của một số bộ phận nông dân còn thấp, chênh lệch về thu nhập và hưởng thụ văn hóa của người dân ở khu vực nông thôn và khu vực thành thị còn khoảng cách lớn. Nhiều lao động nông thôn thiếu việc làm, thu nhập không ổn định. Chất lượng các dịch vụ về y tế, giáo dục ở nhiều nơi chưa đáp ứng được yêu cầu phục vụ nhân dân, tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch còn chưa đạt.
Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn theo tiêu chí nghèo mới (nghèo đa chiều) còn cao. Kết quả đào tạo nghề giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, đặc biệt là ở những nơi thu hồi đất nông nghiệp còn nhiều hạn chế.
Nhằm phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại của giai đoạn 2011 - 2015 Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình số 02 - ngày 26/4/2016 về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020” mà trọng tâm là xây dựng NTM với mục tiêu đến năm 2020 là:
+ Về phát triển nông nghiệp
Phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, chuyên canh tập trung, giá trị cao, bền vững và an toàn vệ sinh thực phẩm, phấn đấu tăng trưởng sản xuất nông nghiệp bình quân từ 3,5 - 4%/năm trở lên; Giá trị sản xuất nông nghiệp thực tế đạt 250 triệu đồng/ha trở lên, chú trọng phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ cao; Phấn đấu đưa tỷ trọng giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao từ 25% lên 35% trở lên trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của Thành phố.
+ Về xây dựng NTM
Tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí ở các xã đã đạt chuẩn NTM, đồng thời phấn đấu đến năm 2020 Thành phố có 80% trở lên số xã đạt chuẩn NTM, có 10 huyện, thị xã trở lên đạt chuẩn NTM. Hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn được đầu tư đồng bộ, đáp ứng cơ bản yêu cầu phát triển sản xuất và phục vụ đời sống nhân dân. Hệ thống chính trị vững mạnh; an ninh, trật tự và an toàn xã hội được đảm bảo.
+ Về nâng cao đời sống nông dân
Phấn đấu đến năm 2020, thu nhập của nông dân khu vực nông thôn Thủ đô đạt 49 triệu đồng/người/năm trở lên; tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt trên 95%; tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn còn dưới 1,5% (theo tiêu chí mới); tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70 - 75%; tỷ lệ lao động có việc làm sau học nghề đạt từ 80% trở lên; tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước nước sạch theo tiêu chuẩn đô thị đạt 100%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 85% trở lên.