Nông thôn đổi mới, nông dân đổi đời
Ở huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi), tiến trình xây dựng NTM đang đi theo xu hướng này.
Mô hình keo lai của ông Nguyễn Văn Minh ở thôn Tân An, xã Tịnh Đông |
Điều ấn tượng nhất sau chặng đường đầu tiên xây dựng NTM đối với các xã ở huyện Sơn Tịnh chính là sự thay đổi tư duy của người nông dân. Xây dựng NTM đã hình thành một mẫu hình người nông dân mới có tư duy mới, có tố chất văn hoá, hiểu biết về kỹ thuật, biết vận dụng KHKT vào sản xuất, có cái nhìn mới về quan hệ xã hội, môi trường...
Từ tư duy, tập quán sản xuất manh mún, nhỏ lẻ nay họ đã dần tiến lên sản xuất hàng hoá, quy mô lớn, hiệu ứng liên kết sản xuất trong chăn nuôi, trồng lúa, lâm nghiệp…ngày càng phát huy hiệu quả cao. Chính nhờ phát huy vai trò người nông dân trong xây dựng NTM mà nông dân Sơn Tịnh đã đổi đời.
Bằng chứng là, hiện nay toàn huyện có trên 6.900 nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, đồng nghĩa số nông dân này đang có cuộc sống khá, giàu. Hàng năm, có hơn 90% số hộ hội viên nông dân toàn huyện đạt danh hiệu gia đình văn hoá.
Cùng với chủ trương, chính sách thuận lợi của Đảng, Nhà nước, các cấp uỷ, chính quyền đã đề ra nhiều chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, nguồn lực đầu tư hỗ trợ cho lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn chiếm tỷ trọng ngày càng cao và đem lại nhiều kết quả to lớn.
Đến cuối năm 2016, nhờ chính sách tín dụng từ Ngân hàng CSXH huyện, hơn 2.000 hộ nông dân ở Sơn Tịnh được vay gần 100 tỷ đồng để đầu tư phát triển sản xuất. Ngoài ra còn kể đến các nguồn vốn vay theo Nghị định 55, Nghị định số 41 của Chính phủ; nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân các cấp vay uỷ thác với tổng số tiền trên 266 tỷ đồng.
Huyện đã cùng các cơ quan chức năng tổ chức hơn 200 lớp tập huấn chuyển giao KHKT cho nông dân, mở 50 lớp đào tạo nghề cho nông dân. Xây dựng nhiều mô hình chăn nuôi, trồng trọt, xây dựng 6 CLB nông dân với Internet, cung cấp máy tính, máy in phục vụ phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM.
Đàn trâu, bò của ông Nguyễn Văn Mười ở thôn Phú Sơn, xã Tịnh Hiệp |
Biểu hiện sinh động ở các vùng quê xây dựng NTM không chỉ từ những kết quả trên mà cái mới từ mỗi địa phương ở Sơn Tịnh chính là chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển đồng bộ về cơ sở hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội. Nhà cửa, điện, đường, trường, trạm, kênh mương… đâu đâu cũng được đầu tư xây dựng, phát triển. Nhiều khu dân cư đã dần sáng - xanh - sạch - đẹp.
Ông Nguyễn Văn Mười ở khu dân cư số 2 thôn Phú Sơn, xã Tịnh Hiệp cho biết, trước đây đời sống bà con khó khăn, thiếu thốn trăm bề, nhưng nhờ có đường giao thông do Nhà nước đầu tư xây dựng, kênh mương, điện thắp sáng đến tận nhà nên gia đình ông đã tích cực áp dụng KHKT, tận dụng lợi thế mà các cấp, các ngành hỗ trợ, ưu đãi phát triển kinh tế, nhờ đó giờ đã trở nên khá giả.
Sự đổi thay theo hướng tích cực ở các vùng quê đã giúp cho nông dân đổi đời. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm qua từng năm. Năm 2016, Sơn Tịnh giảm 405 hộ nghèo. Hiện toàn huyện còn 1.245 hộ nghèo, 1.456 hộ cận nghèo. Năm 2017, phấn đấu giảm còn 1.038 hộ nghèo. Trong tiến trình CNH-HĐH, bức tranh nông nghiệp huyện Sơn Tịnh như được tô điểm thêm nhiều gam màu tươi sáng, bao làng quê chuyển mình, đời sống nông dân giàu có, văn minh, tươi đẹp.
THU PHƯỢNG