Nông dân Thái Nguyên vững bước trên chặng đường mới
Ngày 14/10/1930, cách đây tròn 86 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Nông hội Đông dương (tên gọi đầu tiên của Hội Nông dân Việt Nam) được thành lập đã đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong lịch sử giai cấp nông dân Việt Nam. Trải qua 86 năm xây dựng và trưởng thành, lịch sử Hội Nông dân Việt Nam đã gắn liền với lịch sử đấu tranh giành độc lập, giải phóng dân tộc, xây dựng Chủ nghĩa xã hội của đất nước. Hội Nông dân Việt Nam từ Nông hội đỏ, Hội tương tế ái hữu, Hội Nông dân phản đế, Hội Nông dân cứu quốc, Hội Nông dân giải phóng miền Nam, Hội Liên hiệp nông dân tập thể đến Hội Nông dân Việt Nam ngày nay luôn một lòng sắt son theo Đảng, nêu cao tinh thần yêu nước, truyền thống lao động cần cù, thông minh, sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, góp phần to lớn cùng toàn Đảng, toàn dân hoàn thành vẻ vang sự nghiệp cách mạng đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước chuyển sang giai đoạn mới, giai đoạn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Mô hình trồng bưởi diễn của ông Trần Văn Nhâm ở xóm Tiên Trường 1, xã Tiên Hội, huyện Đại Từ mang lại hiệu quả kinh tế cao |
Cùng với nông dân cả nước, Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh. Với nhiệm vụ chính trị là tuyên truyền, giáo dục, vận động hội viên nông dân thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Chỉ thị, Nghị quyết của Hội và của địa phương, trong những năm qua, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã chủ động đổi mới các hình thức tuyên truyền, sáng tạo trong tổ chức thực hiện, đặc biệt thông qua tổ chức các cuộc thi, các lớp tập huấn, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế đã thu hút hàng trăm nghìn hội viên nông dân tham gia, tạo được sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, hội viên nông dân trong việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và trước yêu cầu đổi mới của đất nước.
Với phương châm hướng mọi hoạt động về cơ sở, các cấp Hội đã đẩy mạnh các hoạt động dạy nghề, tư vấn, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xóa đói, giảm nghèo bền vững đem lại hiệu quả kinh tế thiết thực cho hội viên, nông dân. Trong đó, việc hỗ trợ vốn cho nông dân để phát triển sản xuất được các cấp Hội xác định là trọng tâm và then chốt, tính đến tháng 6 năm 2016, các cấp Hội nhận ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội là 764,3 tỷ đồng cho trên 27.500 hộ hội viên vay; tín chấp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh là 622,7 tỷ đồng cho hơn 8.800 hộ hội viên vay.
Những năm qua, Hội Nông dân tỉnh luôn quan tâm, thực hiện tốt công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân |
Cùng với đó, duy trì và phát triển nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân cấp tỉnh, bảo toàn và phát huy hiệu quả nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân Trung ương ủy thác; hiện nay, tổng dư nợ Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh quản lý là 19,5 tỷ đồng cho 707 hộ hội viên vay. Thông qua các dự án vay vốn của Quỹ các hộ đã đầu tư mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế và thúc đẩy nhiều mô hình kinh tế giỏi tại địa phương. Công tác quản lý vốn được thực hiện theo quy định, 100% thành viên vay vốn đều sử dụng đúng mục đích và hiệu quả.
Song song với việc hỗ trợ vốn vay, các cấp Hội đã chủ động phối hợp với các ngành tổ chức trên 1.300 lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật cho trên 83.200 lượt hội viên, nông dân, cung ứng hàng trăm nghìn tấn phân bón các loại cho hội viên nông dân phát triển sản xuất. Chỉ đạo và tổ chức thực hiện có hiệu quả “Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo và làm giàu bền vững”, với sự lan tỏa trên tất cả các lĩnh vực nông lâm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ, phong trào trở thành một tâm điểm trong đời sống kinh tế - xã hội ở nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, cơ cấu ngành nghề, trung bình hàng năm có trên 55.000 hộ đăng ký đạt tiêu chuẩn sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả, giải quyết việc làm cho nhiều lao động, được Đảng và Nhà nước ghi nhận như: mô hình chăn nuôi tổng hợp của nông dân Lý Văn Thiệp, Đỗ Thị Thúy (huyện Đại Từ), mô hình trồng và nhân giống cây ăn quả của nông dân Vũ Ngọc Nhân (huyện Phú Bình), nông dân Lê Văn Khánh (Đồng Hỷ)...
Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 và cuộc vận động “Thái Nguyên chung sức xây dựng nông thôn mới”, các cấp Hội đã triển khai và tổ chức thực hiện có hiệu quả phong trào “Nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới”, với việc hiến hàng trăm nghìn m2 đất, đóng góp hàng trăm nghìn ngày công lao động,đối ứng hàng tỷ đồng kinh phí để làm đường bê tông nông thôn, các cấp Hội đã góp phần đưa nhiều địa phương cán đích nông thôn mới.
Cùng với tổ chức các phong trào thi đua,các cấp Hội Nông dân tỉnh tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh, tăng cường công tác phản biện xã hội để kịp thời nắm bắt tâm tư nguyện vọng của hội viên, nông dân; chủ động phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tập huấn nghiệp vụ về công tác hoà giải, tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân cho cán bộ Hội cơ sở; cử cán bộ tham gia tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân, đồng thời tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý cho cán bộ, hội viên, nông dân; xây dựng và nhân rộng mô hình điểm thực hiện Quyết định số 81/2014/QĐ-TTg ngày 31/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ tại các xã, phường, thị trấn.
Ông Nguyễn Ngọc Tuân, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên chia sẻ về phương hướng hoạt động của trong thời gian tới:"Bước vào thời kỳ hội nhập, với phương châm “Đoàn kết, đổi mới, năng động, sáng tạo và hội nhập”, trong thời gian tới, Công tác Hội và phong trào nông dân tỉnh Thái Nguyên cần nỗ lực nhiều hơn nữa trong việc định hướng tư tưởng cho hội viên nông dân về chủ trương, đường lối của Đảng; không ngừng đổi mới và nâng cao chất lượng các phong trào thi đua, chú trọng xây dựng các chương trình, đề án để hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, xây dựng thương hiệu, kết nối thị trường; tiếp tục xây dựng và củng cố tổ chức Hội ngày càng vững mạnh làm “trung tâm và nòng cốt cho phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới”.
Tin rằng, với những phương hướng đã đề ra, giai cấp nông dân và Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên tiếp tục phát huy truyền thống quý báu, tinh thần đoàn kết, sáng tạo, vượt qua khó khăn, thách thức mới, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ, vững vàng trên chặng đường mới, sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại./.