Nông dân Phú Yên xuống đồng sớm chăm sóc lúa
Chăm sóc lúa nhiễm mặn
Ngày 18/2 (mùng 3 tết), Phòng NN-PTNT huyện Tuy An thành lập đoàn kiểm tra đi thực tế trên cánh đồng các xã An Thạch, An Nghiệp, An Cư, An Ninh Đông.
Nông dân xã An Ninh Đông bơm nước ngọt rửa mặn, phóng phèn |
So với các địa phương khác trước và sau tết, tại huyện Tuy An nhiều diện tích lúa ở ven biển mới gieo sạ bị nhiễm mặn, còn cánh đồng trên cao thì bị bệnh đạo ôn.
Ông Cao Văn Tiên, Phó phòng NN-PTNT huyện Tuy An cho biết: Trước tết, bệnh đạo ôn xuất hiện gây hại diện tích lúa tại xã An Nghiệp, huyện khuyến cáo bà con không bón phân đạm nhiều. Không để ruộng khô nước nhằm tăng sức chống chịu cho cây lúa. Nên dừng việc bón phân hoặc phun phân bón lá (đặc biệt là phân có chứa đạm) và thuốc kích thích sinh trưởng. Tăng cường điều tra phát hiện bệnh đạo ôn gây hại ở những trà lúa mới gieo sạ.
Đối với lúa nhiễm mặn bị chết, nông dân cấy dặm, đồng thời bón phân kali. Sau dặm cần giữ mực nước ổn định thường xuyên trên ruộng, tránh để ruộng khô hạn sẽ bị nước mặn xâm lấn, phục phèn, làm tăng độ mặn. Tận dụng mương chứa nước ngọt bơm vào ruộng để rửa mặn, phóng phèn giúp lúa sinh trưởng và phát triển tốt.
Trên cánh đồng Cây Hai, Ngũ Năm (xã An Ninh Đông), nông dân đang cấy dặm. Bà Nguyễn Thị Lánh cho hay: "Cánh đồng này nhiễm mặn thường xuyên, nên vụ này năm nào tôi cũng sạ trừ hao (sạ dày hơn quy định) để phòng trừ những chòm lúa non nhiễm mặn chết, có mạ trong ruộng cấy dặm. Rút kinh nghiệm mấy năm trước đi xin mạ, năm nay tôi nhổ mạ từ chỗ dày cấy dặm chỗ lúa chết từng chòm thưa thớt".
Cánh đồng ngập mặn Gò Bùn (xã An Cư) rộng 10ha, nước mặn bắt đầu rút, nông dân ra đồng gieo sạ. Ông Nguyễn Tính đang bừa kéo láng cho hay: "Trước tết nước mặn tràn từ đầm Ô Loan qua cánh đồng nên chờ sau tết triều cường rút tôi tranh thủ ngâm ủ giống sạ ruộng. Cái khó khi sạ ruộng nhiễm mặn là phải bơm nước ngọt rửa mặn".
Theo điều tra của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Phú Yên, toàn tỉnh có 600ha đất nhiễm mặn, chỉ tính riêng huyện Tuy An có trên 300ha đất nhiễm mặn nên khó khăn trong sản xuất vì hiện tượng xì mặn làm cho cây lúa bị chết.
Phòng trừ đạo ôn
Tại các huyện Đồng Xuân, Tuy An theo ghi nhận của cơ quan chuyên môn, hiện bệnh đạo ôn phát sinh gây hại 1,2ha lúa. Hiện nay, do ảnh hưởng không khí lạnh nên có mưa phùn, vào buổi sáng trời nhiều sương kéo dài nên bệnh đạo ôn có khả năng phát sinh phát triển và gây hại mạnh trên lúa giai đoạn cuối đẻ nhánh - trổ, đặc biệt là trên giống nhiễm bệnh, chân ruộng trũng, sạ dày và bón thừa phân đạm.
Nông dân xã An Hòa cấy dặm lúa nhiễm mặn bị chết |
Theo ông Lê Xuân Đức,Giám đốc HTX Kinh doanh dịch vụ thị trấn La Hai: HTX tổ chức đi thăm đồng để có biện pháp phòng trừ, không để bệnh đạo ôn lây lan trên diện rộng. HTX khuyến cáo nông dân tập trung theo dõi bệnh đạo ôn gây hại. Cần chú ý trên các giống đã ghi nhận nhiễm bệnh đạo ôn và có biện pháp xử lý kịp thời.
Trên cánh đồng thôn Tân Hòa, Tân Long thuộc xã Xuân Sơn Nam (huyện Đồng Xuân), nông dân ra ruộng lúa be bờ đắp mậu rịn giữ nước trong ruộng. Ông Phạm Văn Minh ở thôn Tân Hòa cho hay: Trong tết sợ lúa bị bệnh đạo ôn nông dân không dám thúc phân. Hiện nay trời nắng, tranh thủ giữ nước về bón phân cho lúa đẻ nhánh rộ.
Ông Nguyễn Trọng Trùng, Giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên cho biết: Vụ đông xuân 2017 - 2018 toàn tỉnh gieo sạ 26.581ha, hiện trà lúa chính đang giai đoạn đẻ nhánh - đòng, cây lúa sinh trưởng phát triển khá tốt. Tuy nhiên, vào tháng 2, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường nên có khả năng trời âm u, ít nắng, có các đợt mưa nhỏ xen kẽ trùng với thời điểm nông dân bón phân đón đòng là điều kiện rất thuận lợi cho bệnh đạo ôn phát sinh gây hại và có nhiều nguy cơ lây lan diện rộng.
Vì vậy sau tết ngành nông nghiệp cùng các địa phương tăng cường kiểm tra ngay đồng ruộng, sớm phát hiện bệnh đạo ôn và tổ chức phun thuốc phòng trừ kịp thời, không để bệnh gây hại và lây lan. Đặc biệt lưu ý trên các giống nhiễm bệnh đạo ôn như VĐ8, OM2695-2, PY2, OM6976, MT10, ML232, TBR1, OM4900, ĐV108, TH6, ML202, IR 17494... Do đó, nông dân chăm sóc, làm cỏ, bón cân đối NPK sẽ làm hạn chế bệnh.