Nông dân đất Sen hồng với khát vọng sản xuất nông nghiệp bền vững
Một năm mới lại đến với ruộng đồng, vườn cây trái xum xuê vùng Châu thổ. Thời khắc này, nhiều mong ước năm mới lại bắt đầu bởi trong tâm thức của người dân đồng bằng, mùa xuân luôn được xem là mùa của sự khởi đầu, của sự phát triển mới và niềm tin vào một tương lai tươi sáng.
Đối với người nông dân chân lấm tay bùn, quanh năm vất vả bên ruộng, vườn thì mơ ước lớn nhất của họ là những vụ mùa bội thu, sản phẩm có thương hiệu, trúng mùa được giá để cuộc sống thêm phần sung túc mỗi độ xuân về.
Sản phẩm gạo chất lượng của Việt Nam đã bước đầu thâm nhập vào thị trường khó tính. |
Một mùa xuân mới đang về với chúng ta. Xuân mới - thành công mới, đó là điều mà bất cứ mọi người dân đang làm việc, công tác ở lĩnh vực nào cũng mong muốn như vậy.
Bên bờ đê mát rười rượi ngồi thư giãn cùng với nhiều nông dân gần nhà bên ruộng lúa vụ đông xuân sắp đến ngày thu hoạch, Ông Trần Quang Thẩm, nông dân sản xuất giỏi Xã Bình Thạnh Trung, huyện Lấp Vò cho biết, bản thân người nông dân như ông rất mừng khi biết địa phương nơi ông sinh sống là nơi đi đầu trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp của cả nước.
Trong đó, nhiều nông dân ở Đồng Tháp như ông đã và đang triển khai nhiều mô hình sản xuất lúa mang tính bền vững như: sản xuất lúa lí tưởng, canh tác lúa thông minh, cánh đồng Vnsat với thương hiệu Ruộng nhà mình,…Mục tiêu của các mô hình này là tập trung hướng nông dân đến sản xuất lúa an toàn theo tiêu chuẩn VietGap, thay đổi tập quán sản xuất từ đó mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Tuy nhiên, theo ông Thẩm, chính thị trường mới là yếu tố quyết định đến sản xuất sạch của người nông dân. Bởi niềm tin từ thị trường chưa bền vững, do đó sản phẩm gạo sạch, gạo an toàn làm ra chưa có nơi tiêu thị ổn định, khiến cho người nông dân còn nhiều băn khoăn. Do vậy mà ông hy vọng năm mới làm sao thị trường tiêu thụ khởi sắc hơn:
"Năm mới, tôi nghĩ các công ty, xí nghiệp có thể quan tâm hơn trong việc bao tiêu đầu ra. Nhà kho học thì tập trung hướng dẫn sao cho bà con nông dân giảm được giá thành sản xuất; góp phần bảo vệ môi trường sống của chúng ta. Làm sao môi trường trong lành, nông thôn đổi mới" - ông Thẩm chia sẻ.
Ông Phạm Văn Dũng, nông dân xã Bình Thạnh |
Một nắng hai sương làm ra hạt lúa, nhưng đời sống của nông dân Đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Với sản lượng lúa gạo lớn nhất, diện tích cây ăn quả lớn nhất, nuôi trồng thủy sản lớn nhất, nhưng người nông dân vẫn chưa thật sự làm giàu ngay trên mảnh đất quê mình.
Ông Phạm Văn Dũng, nông dân xã Bình Thạnh, huyện Cao Lãnh tâm sự rằng, bên cạnh yếu tố thị trường thì yếu tố đầu vào trong sản xuất lúa hiện nay cũng cần được quan tâm. Đó được xem là mong mỏi sát sườn của người nông dân trong mỗi vụ mùa. Tình trạng phân bón giả, thuốc BVTV giả, rồi lạm dụng phân hóa học, làm tồn dư nông dược, ô nhiễm môi trường vừa làm tăng chi phí vừa gây ảnh hưởng đến sức khỏe của nhiều người.
Theo ông Dũng: "Chúng tôi là nhà vườn miền Tây. Năm mới chúng tôi mong muốn là làm sao có những loại thuốc sinh học, an toàn, giảm giá thành khi đầu tư. Đầu ra thì ổn định và có giá cả cao hơn để chúng tôi sản xuất tốt hơn. Nơi đây mùa lũ đi qua rồi, năm mới đến chúng tôi hy vọng sẽ an tâm sản xuất hơn".
Ông Nguyễn Anh Dũng - “Nhà khoa học của nhà nông năm 2018”. |
Gặp gỡ đầu xuân, ông Nguyễn Anh Dũng, Giám đốc HTX sản xuất Định An – huyện Lấp Vò người vừa được Trung ương Hội nông dân Việt Nam vinh danh là “Nhà khoa học của nhà nông năm 2018” cho biết, ông luôn ấp ủ những mơ ước cháy bỏng để làm sao hạt gạo Việt có chỗ đứng nhất định trên thị trường; đồng thời mong muốn nông dân phải bắt nhịp với những tín hiệu của thị trường.
Với ông, cũng có một số thành công nhất định khi ông là “cha đẻ” của giống gạo nổi tiếng “ngọc đỏ hương dứa” đã được bán rộng rãi trên thị trường trong vài năm qua. Vừa là nông dân vừa là nhà kinh doanh, ông nắm được nhu cầu thị trường cần loại gạo gì, chất lượng dinh dưỡng ra sao để sản xuất theo nhu cầu đó. Trong khi nhiều nông dân khác lại chưa làm được điều này. Đây chính là nỗi trăn trở của ông Nguyễn Anh Dũng với khát khao muốn góp phần thay đổi tư duy cũ của nông dân đồng bằng:
"Lối cũ của nông dân mình là làm theo những gì mình có chứ chưa làm theo hướng thị trường cần. Bà con làm các giống lúa mà mình thực hiện tốt thì rất nhiều, nhưng cái mà thị trường cần lại rất ít. Và cứ như vậy thì mình khó thành công cho dù ngay trên sân nhà. Hy vọng năm mới, bà con chúng ta nên sản xuất theo yêu cầu thị trường thì mới phát triển bền vững" - ông Nguyễn Anh Dũng chia sẻ.
Năm mới với nhiều tín hiệu tốt lành đang đến với sản xuất nông nghiệp ở vựa nông sản hàng hóa ĐBSCL. Tại Đồng Tháp, bên cạnh các mô hình sản xuất lúa, địa phương cũng đã và đang thu hút nhiều nhà đầu tư với các trang trại quy mô lớn, đầu tư theo quy trình sản xuất khép kín, công nghệ tiên tiến. Song hành cùng ước vọng năm mới với chính quyền, với thị trường thì nông dân đất sen hồng cũng đã và đang nỗ lực vươn lên bằng việc thay đổi tư duy sản xuất theo kiểu mới, an toàn và hiệu quả. Từ đó, góp phần xây dựng thành công những thương hiệu của nông sản đồng bằng bay cao, bay xa./.