Nở rộ tín dụng đen, cho vay “cắt cổ” trá hình dịch vụ cầm đồ
Với thủ tục cho vay đơn giản không cần tài sản thế chấp nên dù đi vay với lãi suất cao gấp nhiều lần so với ngân hàng, vẫn có nhiều người dân tìm đến các điểm cầm đồ, hỗ trợ tài chính… nhiều trường hợp không có khả năng trả nợ đã dẫn đến tình trạng đòi nợ thuê, bắt giữ người trái pháp luật, cưỡng đoạt tài sản, cố ý gây thương tích, hủy hoại tài sản thậm chí là cả trọng án.
Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có 790 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ được Công an cấp huyện, thị, thành phố đăng ký, quản lý và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự, tập trung chủ yếu tại thành phố Cẩm Phả, Hạ Long, Móng Cái,…
Nở rộ hoạt động tín dụng đen tại Quảng Ninh. |
Tính đến tháng 10/2018, lực lượng Quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh đã phát hiện và xử lý vi phạm hành chính với 50 trường hợp cơ sở kinh doanh cầm đồ vi phạm về an ninh trật tự, phạt tổng số tiền 96 triệu đồng. Riêng với loại hình ngành nghề kinh doanh hỗ trợ tài chính, cho vay tín chấp theo quy định tại Nghị định 96/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ không thuộc danh mục các ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự đã gây nhiều khó khăn cho lực lượng chức năng trong công tác quản lý.
Theo Cơ quan Công an tỉnh Quảng Ninh, không chỉ dừng lại ở các vi phạm hành chính, nhiều cơ sở kinh doanh cầm đồ, hỗ trợ tài chính đã “biến tướng” thành các hoạt động tín dụng đen, cho vay nặng lãi. Các đối tượng cho vay tín dụng đen thường là đối tượng có tiền án, tiền sự, cá biệt có cả đối tượng hoãn thi hành án tổ chức hoạt động. Việc cho vay tiền không chỉ cho vay tiền mặt mà còn có thể được ngụy trang dưới nhiều hình thức khác như cầm cố thế chấp tài sản, thế chấp nhà, mua hàng trả góp có giá trị lớn sau đó bán lại cho các chủ nợ. Để trốn tránh việc xử lý của pháp luật, thường các đối tượng yêu cầu người vay ghi giấy nợ, giấy thế chấp tài sản… với lãi suất thấp đúng bằng với quy định của nhà nước, nhưng trên thực tế, người vay phải trả lãi suất rất cao có khi lên đến 30-40%. Khi người vay nợ không có khả năng chi trả, các đối tượng sử dụng nhiều biện pháp gây sức ép đòi nợ, nhiều vụ việc đã chuyển thành án hình sự. Tính đến thời điểm hiện tại, Công an toàn tỉnh Quảng Ninh đã khởi tố 11 vụ, 20 bị can với các hành vi “giết người”, “cố ý gây thương tích”, “cưỡng đoạt tài sản”, “hủy hoại tài sản”, “bắt giữ người trái pháp luật”, “gây rối trật tự công cộng”. Vụ “Bắt giữ người trái pháp luật và giết người” tại nhà nghỉ Hồng Ninh, phường Cẩm Thủy, thành phố Cẩm Phả xảy ra vào ngày 14/9 vừa qua, quá trình điều tra, lực lượng Công an tỉnh Quảng Ninh làm rõ Phạm Văn Phú, sinh năm 1985, trú tại xã Đông Xá, huyện Vân Đồn vay 50 triệu đồng tại quán cầm đồ Hoàng Anh của Vũ Hoa Vinh, sinh năm 1983, trú tại khu 10B, phường Cửa Ông, TP Cẩm Phả hạn trả nợ 22/7/2018. Sau nhiều ngày lẩn trốn nhóm của Vinh, đến ngày 14/9, Phú bị Vinh cùng đồng bọn bắt giữ từ nhà nghỉ Hồng Ninh đến bãi đất trống thuộc khu Nam Sơn 2, phường Cẩm Sơn, TP Cẩm Phả đánh đến chết rồi vất xác tại bãi hoang đường Quốc lộ 18 cũ, thuộc địa phận thôn 3, xã Cẩm Hải, Cẩm Phả. Hiện phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh đã khởi tố vụ án, khởi tố, bắt tạm giam 4 đối tượng đồng phạm trong vụ án và khởi tố, truy nã 2 đối tượng.
Trước đó, ngày 3/6/2018, phòng Cảnh sát hình sự tiếp nhận thông tin về nhóm đối tượng người Việt Nam do Nguyễn Huy Du, sinh năm 1983, trú tại khu 1 phường Trần Phú, TP Móng Cái cầm đầu đã có hành vi giữ anh La Quý Tài, sinh năm 1983, quốc tịch Trung Quốc để đòi số tiền 27000 NDT mà anh Tài vay trước đó. Nhóm này đã bắt giữ anh Tài từ ngày 01/6/2018 tại nhà Du để ép anh Tài viết giấy vay nợ và điện cho người nhà bên Trung Quốc đem tiền chuộc. Quá trình điều tra, đã bắt giữ, khởi tố Nguyễn Huy Du cùng 5 đối tượng đồng phạm về tội danh “Bắt giữ người trái pháp luật” và “cưỡng đoạt tài sản”. Trước những diễn biến phức tạp của hoạt động tín dụng đen, cho vay nặng lãi, Công an tỉnh Quảng Ninh đã triển khai đến các đơn vị nghiệp vụ, Công an các địa phương tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, tập trung đấu tranh, ngăn chặn với tội phạm và vi phạm pháp luật có liên quan đến hoạt động cầm đồ, cho vay nặng lãi.
Đại tá Thái Hồng Công, Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh cho rằng: “Lực lượng Công an toàn tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra hành chính những cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ nhằm xử lý triệt để những sai phạm trong hoạt động cho vay, cầm đồ, hỗ trợ tài chính; đấu tranh xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật hình sự liên quan đến hoạt động cầm đồ, hỗ trợ tài chính, cho vay tín chấp như: cho vay lãi nặng, hoạt động “tín dụng đen” tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, bắt giữ người trái pháp luật, giết người, cưỡng đoạt tài sản, cố ý gây thương tích, hủy hoại tài sản… tập trung vào các đối tượng cho các ổ nhóm hình sự, củng cố hồ sơ tài liệu, chứng cứ để xử lý hình sự về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự theo Điều 201 Bộ luật hình sự 2015". Bên cạnh sự vào cuộc của các ngành chức năng, chính quyền địa phương trong quản lý, siết chặt các hoạt động cho vay, huy động vốn tự phát; người dân cần nâng cao nhận thức, cảnh giác trước thủ đoạn của các đối tượng hoạt động “tín dụng đen”, trong trường hợp cần huy động vốn cần đến các quỹ tín dụng, ngân hàng uy tín tránh để xảy ra sự việc đáng tiếc./.