Hố đen thỉnh thoảng bắn ra những dòng plasma khổng lồ vào vùng không gian giữa các thiên hà. Đây là hiện tượng giúp chúng ta biết rằng hố đen thực sự tồn tại, theo Seeker. Do các nhà thiên văn không thể nhìn thấy hoạt động bên trong hố đen, trước đây họ chưa tìm ra được nguyên nhân hình thành của những dòng plasma này.
Trong nghiên cứu mới đăng trên tạp chí Nature Astronomy hôm 30/10, các nhà khoa học tại Đại học Southampton, Anh, tiến hành phân tích dữ liệu quan sát hố đen nhị phân V404 Cygni vào năm 2015 của camera ULTRACAM tại Đài quan sát William Herschel ở La Palma, Tây Ban Nha và kính viễn vọng không gian NuSTAR. Họ phát hiện những manh mối mới về hình dạng của các dòng plasma cũng như làm thế nào chúng đủ năng lượng để tỏa ra ở nhiều bước sóng, giống như hai cột sáng bắn dọc theo trục xoay của hố đen.
Hệ thống hố đen nhị phân V404 Cygni bao gồm một ngôi sao nhỏ hơn một chút so với Mặt Trời. Nó quay quanh một hố đen khác có khối lượng lớn hơn gấp 10 lần chỉ trong 6,5 ngày. Lực hấp dẫn mạnh mẽ của hai hố đen hút vật chất của một ngôi sao gần đó. Lượng vật chất này đi tới đĩa plasma quay xung quanh hố đen và được làm nóng lên hàng triệu độ C. Khi nhiệt độ và từ trường biến đổi, các hạt vật chất trong đĩa plasma bị phóng lên tạo thành cột sáng thoát ra ngoài hố đen.
"Sự kiện mà chúng ta chứng kiến vào năm 2015 là một vụ bùng nổ bức xạ mạnh mẽ từ hệ thống V404 Cygni. Nó khiến các nhà khoa học trên thế giới cùng nhau làm việc để khám phá nguyên nhân gây ra hiện tượng này", Poshak Gandhi, thành viên của nhóm nghiên cứu, cho biết.
Dòng plasma phun ra từ hố đen sinh ra một lượng bức xạ lớn, đặc biệt là tia X năng lượng cao và tia gamma có thể tiêu diệt bất kỳ thứ gì trên đường di chuyển của chúng.
"Đĩa plasma quay xung quanh hố đen có nhiệt độ hàng trăm triệu độ trở lên, đủ nóng để phát ra tia X mà chúng tôi nhìn thấy được từ NuSTAR. Hầu hết vật chất này rơi vào hố đen, nhưng một số thoát ra ngoài do từ trường mạnh tạo thành các dòng plasma", Gandhi nói.
Lê Hùng