Những ca gian nan tìm bệnh
Hàng tháng trời ho dai dẳng mà không biết bệnh gì
Từ 3 tháng nay, anh Lâm (ở Đống Đa, Hà Nội) bị ho khan kéo dài rồi sốt nhẹ trong khoảng 1 tháng nhưng vì thấy cơ thể vẫn khỏe mạnh, nghĩ mình chỉ bị cảm sốt thông thường nên tự điều trị ở nhà. Tuy nhiên, bệnh không những không khỏi mà anh còn bị sút cân tới 5kg trong vòng 1 tháng. Tới lúc này anh mới đi khám tại một số cơ sở y tế và bệnh viện, thế nhưng vẫn không tìm ra là bệnh gì. Cuối cùng, anh quyết định tiếp tục hành trình “tìm bệnh” tại Bệnh viện K.
Chụp cắt lớp giúp chẩn đoán bệnh. Ảnh: Trần Minh |
Tại Khoa Phẫu thuật lồng ngực Bệnh viện K, bệnh nhân được làm một số xét nghiệm và chụp CT lồng ngực, kết quả cho thấy có hình ảnh tổn thương là đám xơ hóa và đông đặc nhỏ ở thùy trên phổi phải, hạch trung thất 2R đường kính từ 1,8-2cm, nghi ngờ bệnh nhân nhiễm lao. Nội soi phế quản của bệnh nhân Lâm, các bác sĩ phát hiện có hình ảnh thâm nhiễm phế quản thùy trên phổi phải, chưa loại trừ ung thư phổi thâm nhiễm hạch trung thất. Khi nhận được thông báo của các bác sĩ là có thể bị ung thư phổi, anh Lâm và gia đình rất lo lắng và hoang mang, anh Lâm mong muốn cần có biện pháp gì để chẩn đoán thật chính xác cho anh và có biện pháp điều trị kịp thời. Sau khi hội chẩn, các bác sĩ quyết định sẽ tiến hành sinh thiết kim xuyên thành ngực dưới hướng dẫn của CT, sinh thiết tại vị trí hạch trung thất nhóm 2R đường kính 1,8-2cm để chẩn đoán mô bệnh học xác định căn nguyên bệnh cho bệnh nhân.
Anh Lâm được thực hiện thủ thuật sinh thiết kim hôm 8/12/2016, kỹ thuật thực hiện ở độ sâu 9,62cm chếch góc 1080. Kết quả giải phẫu bệnh khiến cả bệnh nhân và gia đình thở phào nhẹ nhõm khi đã được loại trừ bệnh ung thư phổi và lao phổi. Bệnh nhân được kết luận bệnh viêm phổi gây phản ứng hạch trung thất tại chỗ và được điều trị bằng kháng sinh, được ra viện sau hơn 1 tháng lận đận để tìm bệnh.
TS. Nguyễn Khắc Kiểm - Phó trưởng Khoa Phẫu thuật lồng ngực, Bệnh viện K Trung ương cho biết, để thực hiện thủ thuật sinh thiết kim xuyên thành ngực cho bệnh nhân Lâm là một kỹ thuật rất khó, vì khối hạch nằm rất sâu trong trung thất cận kề với các mạch máu lớn như tĩnh mạch chủ trên, thân tĩnh mạch vô danh, khí quản, đòi hỏi bác sĩ phải có kinh nghiệm, khéo léo và có độ chính xác cao để an toàn cho bệnh nhân, không xảy ra tai biến tràn khí hoặc chảy máu nghiêm trọng, đặc biệt là với những bệnh nhân khó, có hạch trung thất nhỏ, ở những vị trí khó như trường hợp của anh Lâm rất dễ xảy ra tai biến.
Bác sĩ khám lại cho bệnh nhân. Ảnh: TM |
Cùng chung cảnh lận đận tìm bệnh như anh Lâm, chị Nguyễn Thị Huyền (37 tuổi) cũng nhập viện với lý do ho khan kéo dài, không ho ra máu, không sốt, không sút cân. Đi khám và điều trị tại nhiều bệnh viện nhưng vẫn không tìm ra bệnh gì. Tại Bệnh viện K, các bác sĩ Khoa Phẫu thuật lồng ngực đã tiến hành các xét nghiệm, chụp CT lồng ngực, soi phế quản, phát hiện có hạch trung thất và rốn phổi hai bên đường kính từ 0,5-2cm chưa rõ nguyên phát. Kết quả xét nghiệm tế bào qua nội soi phế quản cũng không tìm ra nguyên nhân gây bệnh. Chị Huyền được chỉ định tiến hành kỹ thuật sinh thiết kim xuyên thành ngực tại vị trí hạch nhóm 7 đường kính 2cm (hạch dưới Carina) với độ sâu 9,5cm chếch góc 115o. Sau thủ thuật, bệnh nhân không có tai biến tràn khí, tràn máu màng phổi, không ho ra máu. Kết quả mô bệnh học sau sinh thiết là lao hạch, bệnh nhân được điều trị theo phác đồ của lao hạch.
Một trường hợp tương tự khác là anh Việt Anh (34 tuổi) cũng không có triệu chứng lâm sàng điển hình, không sút cân, đi khám vì lý do ho khan kéo dài. Tuy nhiên, dù đã khám ở nhiều bệnh viện nhưng anh Việt Anh vẫn chẳng thể biết được vì sao mình cứ bị ho dai dẳng, uống thuốc kháng sinh mãi không khỏi. Lo lắng không biết mình có mắc bệnh ung thư không, anh tìm đến Bệnh viện K Trung ương và ở đây anh được các bác sĩ cho tiến hành các xét nghiệm cận lâm sàng và chụp CT, soi phế quản. Kết quả soi phế quản cũng không thấy tổn thương sùi loét thâm nhiễm. Hình ảnh trên phim chụp CT cho thấy có hạch trung thất và rốn phổi hai bên đường kính 0,5-1,8cm, tất cả các xét nghiệm đều không xác định ra bệnh gì. Bệnh nhân cũng được chỉ định làm thủ thuật sinh thiết kim xuyên thành ngực dưới hướng dẫn CT tại vị trí hạch 2R đường kính 1,8cm với độ sâu 9,6cm chếch góc 105o. Sau thủ thuật này, bệnh nhân không có tai biến tràn khí hoặc chảy máu. Kết quả mô bệnh học sau sinh thiết cho thấy bệnh nhân bị Sarcoidose, một bệnh tự miễn, diễn biến mạn tính thường do tổn thương các hạch ở phổi và trung thất.
Ranh giới tai biến chỉ cách có 1-2 milimét
TS. Nguyễn Khắc Kiểm cho biết, cả ba trường hợp trên đều là những trường hợp rất khó khăn trong chẩn đoán. Có ba phương án mà bác sĩ có thể đưa ra lựa chọn cho bệnh nhân gồm: phẫu thuật mở sinh thiết chẩn đoán, phẫu thuật nội soi sinh thiết và sinh thiết kim xuyên thành ngực dưới hướng dẫn CT. Trong đó, hai phương án đầu thường nặng nề hơn vì bệnh nhân phải thực hiện đại phẫu, gây mê nội khí quản, thời gian nằm viện kéo dài và chi phí lớn hơn.
Trong khi đó, kỹ thuật sinh thiết kim xuyên thành ngực có ưu điểm là độ chính xác cao, cho phép thực hiện những tổn thương ở sâu, kích thước từ 1,5cm, có giá trị chẩn đoán cao, có thể thực hiện được cả những vị trí nguy hiểm khó thăm dò như u nhỏ sát tim, hạch rốn phổi, hạch trung thất, tổn thương gần mạch máu lớn. Đây là một thủ thuật dùng kim sinh thiết chọc xuyên qua thành ngực vào các tổn thương ở phổi hoặc trung thất dựa vào màn hình máy cắt lớp vi tính để lấy một hay nhiều mảnh bệnh phẩm làm chẩn đoán mô bệnh học giúp xác định các căn nguyên gây bệnh.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện thủ thuật đòi hỏi bác sĩ phải hết sức thận trọng và chính xác đến từng milimet để tránh không làm tổn thương các mô hoặc chạm vào các mạch máu lớn. Cả ba trường hợp trên đều là những ca rất khó tiến hành sinh thiết bằng thủ thuật này do hạch nhỏ và đều nằm ở các vị trí khó, rất dễ chạm đến tim và các mạch máu, khí quản. Có ba nguy cơ tai biến có thể xảy ra trong các trường hợp này đó là: tràn khí, tràn máu màng phổi và ho ra máu. Ba tai biến này đều cấp tính dẫn tới suy hô hấp, sốc và có thể đe dọa tính mạng bệnh nhân.
Chính vì những nguy cơ này mà đến nay kỹ thuật sinh thiết kim dù đã được áp dụng ở nhiều bệnh viện nhưng lại có rất ít bệnh viện có đủ trình độ, kinh nghiệm và cả phương tiện máy móc hiện đại để thực hiện những ca khó như trên.
Tại Bệnh viện K Trung ương, theo TS. Kiểm, trung bình mỗi năm có khoảng 1.000-1.200 ca sinh thiết kim xuyên thành ngực trong đó chỉ có một vài ca rất khó như trên. Từ năm 2008 đến nay, hơn 50 ca bệnh được đánh giá rất khó đã được các bác sĩ của Bệnh viện K thực hiện thành công thủ thuật này, giúp bệnh nhân định danh chính xác bệnh, từ đó có hướng điều trị phù hợp. Qua đây, TS. Kiểm khuyến cáo, ho khan kéo dài có thể do nhiều nguyên nhân như: viêm nhiễm thông thường, lao phổi, ung thư phổi... Khi bị ho kéo dài, người dân không nên tự ý điều trị mà cần đến cơ sở y tế chuyên khoa để được bác sĩ tư vấn, chẩn đoán và có hướng điều trị thích hợp, tránh để bệnh kéo dài trở thành mạn tính hoặc khi bệnh ở giai đoạn muộn sẽ khiến việc điều trị càng khó khăn hơn.