Những ảnh hưởng tâm lý khi trẻ bị đánh đòn
Đánh hay không đánh con luôn là đề tài gây tranh cãi giữa các bậc cha mẹ. Một số cho rằng đó là hình thức bạo hành và không bao giờ được sử dụng như một hình phạt. Số khác lại tin rằng đó là cách cần thiết để dạy trẻ cư xử đúng cách.
Thường thì lập luận ủng hộ đánh trẻ dựa trên quan niệm rằng rất nhiều người lớn lên thành công là nhờ bị đánh khi nhỏ.
Tuy nhiên, nghiên cứu mới nhất đã chỉ ra những lỗ hổng trong lập luận trên. Các nhà khoa học đã tìm ra mối liên quan giữa đánh đòn với các vấn đề tâm lý trong cuộc sống sau này.
Trong một bài phân tích dữ liệu từ hơn 8.300 người trong độ tuổi 19-97, các nhà nghiên cứu ĐHMichigan đã phát hiện ra rằng những người bị ăn đòn thường xuyên sẽ dễ bị trầm cảm và có nguy cơ nghiện rượu, nghiện ma túy nhiều hơn trong cuộc sống sau này.
Theo đó, các nhà nghiên cứu đã xem xét những tác động của việc đánh đòn với tinh thần để xem liệu những hành động túm, đẩy, tát, đánh... có để lại hậu quả gì không.
Tất nhiên, nghiên cứu này chỉ dựa trên báo cáo chứ chưa có một bằng chứng cụ thể nào chứng minh rằng một đứa trẻ bị ăn đòn nhiều lớn lên sẽ bị trầm cảm, hay lạm dụng chất gây nghiện.
Tuy nhiên đây không phải là nghiên cứu đầu tiên tìm thấy mối liên hệ giữa đánh đòn với hành vi tiêu cực hay tính cách hung hăng ở trẻ.
Và về mặt lý luận, nếu quan niệm rằng đánh đòn là cách kiểm soát hành vi của trẻ thì cha mẹ sẽ dễ lạm dụng việc này.