Nhiều trường ĐH, CĐ ở TP HCM chiêu dụ sinh viên vào học bằng mọi giá
Tại TP HCM, các trường đại học, cao đẳng đang vào mùa tuyển sinh cao điểm. Sinh viên cả nước đang tề tựu về đây để chuẩn bị cho năm học mới 2018-2019. Bên cạnh các trường đại học, cao đẳng có uy tín đã và đang rà soát lại hồ sơ, nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho sinh viên năm đầu tiên tựu trường thuận lợi thì nhiều trường đại học, cao đẳng top dưới lại đang trầy trật tìm kiếm sinh viên, thậm chí còn tìm cách chiêu dụ sinh viên vào học bằng mọi giá.
Trường Cao đẳng Thực hành FPT Polytechnic cơ sở TP HCM nằm trong một con hẻm ở trung tâm quận 3. Những ngày cuối tháng 8, phòng đón tiếp sinh viên mới tựu trường lúc nào cũng tấp nập.
Nhiều trường ĐH, CĐ ở TP HCM chiêu dụ sinh viên vào học bằng mọi giá (ảnh minh họa) |
Tại đây, ông Trần Vân Nam, Giám đốc Khối đào tạo Cao đẳng – FPT cho biết: cơ chế tự chủ tuyển sinh đã thực sự trao quyền đúng thời điểm cho nhà trường để mở thêm nhiều cơ hội cho các bạn trẻ tiếp cận với triết lý đào tạo nghề rất mới mà trường này đang theo đuổi. Cũng chính vì vậy mà năm nay, riêng cơ sở tại TP HCM số sinh viên mới nhập học tăng gấp đôi năm ngoái, với gần 3000 em.
Theo ông Nam, dù học ở bậc học nào thì vấn đề đầu ra, sinh viên học xong kiếm được việc làm vẫn là điều quan trọng nhất. Nhờ xác định rõ được mục tiêu cốt lõi này, nên trường FPT Polytechnic đã áp dụng phương pháp học tập thông qua dự án thật và phương pháp giảng dạy- học tập kết hợp với 70% thời gian thực hành để giúp sinh viên phát triển một cách toàn diện các kỹ năng phục vụ công việc. Nhà trường cũng đã gắn kết ngay với doanh nghiệp từ lúc thiết kế khung chương trình đào tạo và trong suốt quá trình đào tạo.
“Với sự dịch chuyển tâm lý và yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp thì giờ đây sự lựa chọn nơi học, cấp học phù hợp sẽ giúp bớt lãng phí về đầu tư của xã hội, gia đình. Các em sinh viên sau một thời gian học mà ra trường không gắn kết được với việc làm, rồi phải đào tạo lại thì rất lãng phí”, ông Nam nói.
Tuy nhiên, có một thực tế đang rộ lên là cũng vì cơ chế tự chủ tuyển sinh mà nhiều trường đại học, cao đẳng top dưới đóng trên địa bàn TP HCM đang tận dụng để vơ vét sinh viên nhập học theo kiểu “vơ bèo vạt tép”; cốt chỉ để lấp cho đầy các ngành, bậc học mà không quan tâm đến chất lượng đào tạo và đầu ra cho người học.
Thậm chí, có nơi khi việc xét tuyển mở rộng thênh thang, với các tiêu chí xét tuyển hạ thấp chạm đáy chưa đủ sức thu hút được người học thì lại dùng các chiêu thức phụ trợ khác. Ví dụ như quảng bá quá mức việc tổ chức đào tạo gắn với việc làm, hay dành nhiều thời gian cho sinh viên thực hành, thực tập để giúp họ gia nhập vào thị trường việc làm ngay của doanh nghiệp. Lại có những chiêu thức “hút” người học nhắm vào các ngành nghề “hot” được giới trẻ quan tâm liên quan đến truyền thông. Hoặc dựa vào các ngành nghề có nhu cầu nhân lực dồi dào mang tính thời điểm, điển hình như ngành dược để mở rộng dịch vụ đào tạo…
Trường Đại học Nguyễn Tất Thành là một trong những trường đa ngành, đa bậc học nhất tại TP HCM, với 54 chuyên ngành đào tạo thuộc 5 khối ngành: Sức khỏe, Công nghệ - Kỹ thuật, Kinh tế, Xã hội - Nhân văn, Nghệ Thuật - Mỹ Thuật. Đây là một trong những trường có chất lượng đầu vào quá thấp từ nhiều năm. Mùa tuyển sinh năm học mới 2018 này, trường cũng áp dụng nhiều phương thức xét tuyển linh hoạt để thu hút sinh viên.
Tuy nhiên, nhiều thế hệ sinh viên tại đây nhận xét rằng, chất lượng đào tạo, cơ sở vật chất, môi trường học tập của trường không tương xứng với mức học phí. Trong khi đó, rất nhiều thế hệ sinh viên ra trường cho đến nay vẫn không thể kiếm được việc làm.
Ông Nguyễn Dũng, Chuyên viên tư vấn học đường, người có thâm niên trong lĩnh vực hướng nghề cho học sinh và hỗ trợ các em sinh viên tốt nghiệp ra trường không tìm được việc làm cho rằng, tâm lý chuộng bằng cấp nặng nề trong xã hội ta là nguyên nhân chính thúc đẩy các cơ sở giáo dục mở rộng tràn lan, ồ ạt đa ngành, đa hệ, liên thông… Trong khi đó, nhiều cơ sở giáo dục lại đang coi trọng việc kinh doanh hơn là giáo dục đào tạo nên việc không tính toán đến đầu ra cho sinh viên là điều không tránh khỏi.
“Các trường tự chủ tuyển sinh, tăng quy mô đào tạo quá sức trong năm nay như là hiện tượng trăm hoa đua nở, cánh cửa đó mở ra để tất cả được học như nhau thì bốn năm sau chúng ta sẽ có một lứa đông sinh viên ra trường, cũng giống như bị vỡ trận vậy”, ông Dũng bày tỏ sự lo ngại.
Nhiều sinh viên không đáp ứng được yêu cầu việc làm
Theo anh Nguyễn Văn Tú, một nhân viên tuyển dụng của hệ thống siêu thị Co.opmart, số cử nhân thất nghiệp xin việc làm thời vụ tại đơn vị này chiếm khoảng 20% lượng hồ sơ. Song thực tế đáng buồn là nhà tuyển dụng thường không “mặn mà” với ứng viên có bằng cử nhân, bởi tâm lý làm việc thời vụ để chờ đợi một công việc đúng cấp độ đào tạo của đối tượng này.
Chị Huỳnh Ngọc Châu, chủ một cơ sở kinh doanh tại quận Bình Thạnh cho biết; khi tuyển người làm, rất nhiều sinh viên có đủ bằng này bằng kia nhưng khi vào việc thì không làm được. Hình như, các trường đại học, cao đẳng mới chỉ “dạy cái mình có chứ không phải dạy cái xã hội cần”, nên tình trạng sinh viên ra trường có bằng cấp đỏ chót mà vẫn chấp nhận lao động phổ thông là một thực tế khá phổ biến.
“Khi tuyển một số bạn cử nhân vào làm, ngay cả công việc tay chân hay là công việc văn phòng như sử dụng máy tính chẳng hạn thì các bạn đều không đáp ứng được nhu cầu. Với chất lượng như vậy mà giờ đây khi các trường nhận sinh viên đầu vào mà quá thấp trong khi chương trình dạy không thay đổi sẽ dẫn đến hiện tượng dư thừa lao động nhưng không kiếm ra người phù hợp với công việc”, chị Ngọc Châu nói.
Trên địa bàn TP HCM hiện có 7 học viện và 50 trường đại học; trong đó có 36 trường công lập và 14 trường dân lập. Hệ cao đẳng cũng có tới 35 trường với đầy đủ ngành nghề đào tạo. Mùa tuyển sinh năm nay có tới hàng vạn học sinh khắp cả nước tới tựu trường. Đây là năm đầu tiên các trường tự chủ tuyển sinh và đó cũng là lộ trình tất yếu của tự chủ đại học.
Tuy nhiên, nếu trao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường mà ngành giáo dục không quản lý được đầu vào thì tình trạng vơ vét sinh viên xảy ra là điều khó tránh khỏi. Nếu cứ để tình trạng vượt rào, bất chấp nền tảng học lực để thu hút sinh viên và vẫn không cân đối được ngành nghề đào tạo với nhu cầu thị trường lao động việc làm thì hệ lụy không chỉ dừng lại ở sự lãng phí lớn cho các gia đình, cộng đồng, xã hội mà còn là lực cản trì hoãn trong việc xây dựng một nền giáo dục Việt Nam bền vững, lâu dài./.