Nhiều phụ huynh “bóp bụng” đóng hàng loạt khoản thu đầu năm
Hàng loạt khoản thu gọi là… xã hội hóa
Theo phản ánh của một số phụ huynh có con học lớp 1 bán trú tại trường Tiểu học Trần Phú (TP Bạc Liêu), đầu năm học 2017 - 2018, nhà trường thu rất nhiều khoản được cho là khá cao và có phần chưa hợp lý.
Cụ thể, các khoản thu mua tài sản mà trường này gọi là “phụ huynh cần đóng góp, tài trợ”, gồm: tivi (5 triệu đồng/1cái), dán gạch men xung quanh lớp (10 triệu đồng/1 phòng), mắc bóng đèn led, thiết bị điện (1,5 triệu đồng/1 phòng), bạt che nắng (2,5 triệu đồng/1 phòng), máy lạnh (15 triệu đồng/2 cái), màn lớp (4 triệu đồng/phòng), bàn học sinh bán trú (24 triệu đồng/20 bộ)…
Tính trung bình, mỗi em lớp 1 đóng trên 1,5 triệu đồng. Trường có 4 lớp 1 với khoảng 200 em học sinh (trung bình 48 em/lớp) với tổng số tiền ước tính thu mua tài sản là trên dưới 300 triệu đồng.
Ngoài các khoản trên, các em học sinh lớp 1 còn phải mua sắm vật dụng phục vụ là 250.000 đồng/năm (kệ để gối, ca, tủ thuốc, khăn, khay đựng thức ăn, muỗng,…). Bên cạnh đó, hàng tháng mỗi em phải đóng thêm trên 800.000 đồng, bao gồm tiền ăn, tiền học phí và tiền học vi tính.
Tính ra, ngay vào đầu năm học này, mỗi em lớp 1 học bán trú ở trường Tiểu học Trần Phú phải đóng tổng cộng hơn 2,5 triệu đồng. Đây là một con số không nhỏ so với nhiều hoàn cảnh gia đình khó khăn.
Các khoản thu được nhà trường gọi là xã hội hóa của trường Tiểu học Trần Phú (TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu). |
Tại trường THCS Nguyễn Minh Nhựt (huyện Vĩnh Lợi) theo phản ánh của phụ huynh có con mới vào học lớp 6 chọn và một số lớp khác, trường cũng “vận động” đóng góp tiền để trang bị thêm cơ sở vật chất như ti vi, quạt gió, màn che, sơn tường, mua bình bông trang trí lớp,…
Đáng chú ý, điểm trường THCS này giáp với trường THPT Lê Văn Đẩu, để tránh việc học sinh cấp 3 ra chơi làm ảnh hưởng các em học sinh cấp 2, phụ huynh còn được giáo viên "vận động" đóng tiền để mua vật dụng che chắn lại.
“Việc sửa chữa, tôn tạo phòng học như nói trên là trách nhiệm của trường, của ngành, của địa phương, chứ không thể bắt phụ huynh chúng tôi đóng góp được. Trong khi đó, có quá nhiều khoản mà phụ huynh đã đóng rồi nên rất vô lý”, một phụ huynh bày tỏ sự không đồng tình.
Qua những khoản nói trên, theo một số phụ huynh, ngoài “bộ khung” thì có thể nói rất nhiều trang thiết bị, nội thất của một phòng học đều do phụ huynh bỏ tiền ra theo hình thức mà nhà trường gọi là xã hội hóa để mua sắm, trang bị thì có gì đó chưa thật sự hợp lý đối với trường học công lập.
Rất nhiều trang thiết bị trong phòng học bán trú như máy lạnh, màn che, ti vi,... ở trường Tiểu học Trần Phú đều do phụ huynh đóng góp dưới hình thức "vận động" của nhà trường. |
Áp đặt hay “tự nguyện” của phụ huynh?
Trao đổi với PV Dân trí, nói về những khoản tiền mà nhà trường gọi là phụ huynh cần “đóng góp”, ông Huỳnh Hữu Nghĩa - Hiệu trưởng trường Tiểu học Trần Phú, thừa nhận trường có đưa ra các khoản thu nói trên.
Ông Nghĩa khẳng định, các khoản “vận động” này là đúng với chủ trương xã hội hóa của địa phương, ngành giáo dục và trên tinh thần “tự nguyện” của phụ huynh học sinh.
“Trường có làm thư ngỏ gửi phụ huynh. Phụ huynh đồng tình với các khoản tiền thì ký chấp nhận, rồi nhà trường mới làm. Lớp bán trú thì hầu như trên 95% phụ huynh đồng thuận”, ông Nghĩa nói.
Ông Nghĩa lý giải như lớp bán trú thì các em ở trong phòng suốt ngày, nếu không có máy lạnh thì rất nóng nực, không lót gạch thì không được sạch sẽ, có tivi để đổi mới phương pháp dạy học,… Còn bàn ghế là hoàn toàn mua mới vì nhà nước trang bị không phù hợp.
Tuy nhiên, điều đáng nói là nhà trường đã đặt hàng trước (như bàn ghế,...) rồi sau đó vào năm học mới thu tiền của phụ huynh để trả cho đơn vị cung cấp. PV Dân trí đặt vấn đề, việc làm này của trường có phải đã áp đặt phụ huynh việc đã rồi, khiến họ không thể không đóng tiền?
Ông Nghĩa cho rằng, do là hàng đặt đơn vị khác làm nên phải làm sớm thì mới có, chứ vào năm học rồi thì không thể làm kịp để trang bị cho học sinh. “Nhà trường không áp đặt và cũng không cào bằng tất cả khi thu tiền. Phụ huynh nào khó khăn thì có thể trả góp. Nếu phụ huynh không đồng tình trả thì nhà trường phải ôm nợ”, ông Nghĩa phân trần.
Ông Huỳnh Hữu Nghĩa - Hiệu trưởng trường Tiểu học Trần Phú- khẳng định, các khoản đóng góp là đúng với chủ trương xã hội hóa của ngành, địa phương. |
Trong khi đó, đối với trường THCS Nguyễn Minh Nhựt, trao đổi với báo chí, ông Tô Thành - Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Vĩnh Lợi, cho rằng, việc trường triển khai các khoản phí đầu năm là áp dụng theo chủ trương xã hội hóa giáo dục của cấp trên.
Ông Thành lý giải, các khoản tiền "vận động" được phụ huynh đồng ý đóng góp thì nhà trường mới thực hiện thu. Theo ông Thành, trường hoàn toàn không ép buộc tất cả các em học sinh đều phải đóng tiền, mà ai có điều kiện thì ủng hộ nhà trường trang bị cơ sở vật chất để các em học tốt hơn.
Chia sẻ thêm với PV Dân trí, một số phụ huynh cho rằng, việc trang bị "tận răng" cho việc học của học sinh là điều tốt. Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng có điều kiện để có thể đáp ứng. Thêm nữa, một lớp học có hơn 50% phụ huynh đồng tình thì những người còn lại không thể không theo, đây cũng là một "nỗi khổ" của nhiều phụ huynh.
Trong chỉ thị thực hiện nhiệm vụ năm học 2017-2018, Chủ tịch tỉnh Bạc Liêu yêu cầu Sở GD-ĐT tỉnh tiến hành thanh, kiểm tra việc thực hiện các khoản thu đầu năm học, nhất là các khoản thu ngoài quy định theo tinh thần tự nguyện (xã hội hóa, hội phí,…); kiên quyết xử lý nghiêm tình trạng lạm thu dưới mọi hình thức trong các cơ sở giáo dục; kiểm tra, rà soát việc thực hiện công tác tuyển sinh, xếp lớp để kịp thời chấn chỉnh tình trạng chạy trường, chạy lớp.