Nhiều học sinh Quảng Ngãi phải chép bài trong tư thế quỳ xuống đất
Xây dựng hệ thống trường chuẩn quốc gia được xem là một trong những tiêu chí hướng đến nền giáo dục chất lượng cao. Để đạt được danh hiệu này, các trường học ở tỉnh Quảng Ngãi đã vượt qua nhiều khó khăn trong xây dựng trường lớp, nâng cao chất lượng giáo dục.
Tuy nhiên, để đạt chuẩn đã khó, việc giữ chuẩn lại càng khó hơn. Hiện có nhiều trường học đạt chuẩn đứng trước nguy cơ “rớt” chuẩn.
Cách đây hơn 10 năm, trường Tiểu học Nghĩa Điền, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi được công nhận là trường chuẩn quốc gia. Từ đó đến nay, trường này vẫn không được đầu tư cơ sở vật chất nên đang xuống cấp. Bàn ghế học sinh nay đã cũ kỹ, kích thước không phù hợp với sự phát triển thể trạng của lứa tuổi.
Học sinh lớp 4, lớp 5 phải ngồi bàn của học sinh lớp 1. Học sinh ở trường này chép bài trong các tư thế như: quỳ xuống đất, ngồi xổm...
Do bàn ghế không đúng quy cách, nhiều em học sinh lớp 5A - trường tiểu học Nghĩa Điền, tỉnh Quảng Ngãi phải quỳ xuống sàn để chép bài (ảnh: Lao động) |
Em Phan Tấn Nguyên Huy, học sinh lớp 5, Trường Tiểu học Nghĩa Điền, huyện Tư Nghĩa bày tỏ: “Con học theo tư thế quỳ 2 năm rồi. Học rất là khó chịu. Đau lưng, tê chân, mỏi chân. Mắt nhìn xuống rất là tức, rất là đau lưng nữa”.
Trường Tiểu học Nghĩa Điền, huyện Tư Nghĩa cũng là một trong nhiều trường đạt chuẩn quốc gia có nguy cơ rớt chuẩn. Để được công nhận trường chuẩn quốc gia cần bảo đảm 5 tiêu chí, trường luôn phấn đấu để giữ chuẩn, giữ vững các tiêu chí về tổ chức và quản lý nhà trường; trình độ cán bộ quản lý, giáo viên và học lực của học sinh; quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội...
Tuy nhiên, tiêu chí xây dựng cơ sở vật chất thì “trượt” dài. Nhiều trường đạt chuẩn nhưng cơ sở vật chất xuống cấp, thiếu phòng học, phải dạy và học trong những phòng học không đủ chuẩn.
Ông Nguyễn Ngọc Tài, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mộ Đức cho biết, toàn huyện hiện có 33 trường đạt chuẩn quốc gia, hiện 21 trường có nguy cơ rớt chuẩn. Về công nghệ thông tin rất là hạn chế, việc soạn giảng bằng giáo án điện tử hay là các thiết bị hỗ trợ công nghệ thông tin gặp rất nhiều khó khăn.
Trước đây, do chạy theo thành tích nên một số trường chưa đạt chuẩn quốc gia cũng được công nhận và cho “nợ” một số tiêu chí. Từ đó đến nay, món “nợ” này không xóa được vì thiếu sự đầu tư.
Học sinh đang đứng (lớp 5) có chiều cao 1,6m nhưng phải ngồi học bàn ghế dành cho học sinh lớp 1 (ảnh: Lao động) |
Tỉnh Quảng Ngãi hiện có hơn 120 trường chuẩn quốc gia các bậc học từ mầm non đến trung học cơ sở có nguy cơ rớt chuẩn. Trong khi chưa có giải pháp để giữ chuẩn các trường chuẩn quốc gia thì địa phương này lại đề ra mục tiêu đến năm 2020 phấn đấu đưa 35% trường mẫu giáo, 70% trường tiểu học, 75% trường trung học cơ sở và 60% trung học phổ thông đạt chuẩn quốc gia.
Ông Nguyễn Kiên, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ngãi cho biết, việc giữ chuẩn quốc gia đã khó mà để thực hiện chỉ tiêu này đòi hỏi huy động mọi nguồn lực của xã hội.
“Với trách nhiệm của ngành Giáo dục và Đào tạo, chúng tôi sẽ tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch xây dựng trường chuẩn quốc gia giai đoạn tiếp theo, cụ thể từ năm 2017-2020. Bên cạnh đó là huy động các nguồn lực trong xã hội tham gia đầu tư xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Trên cơ sở đó nâng cao chất lượng giáo dục”- ông Nguyễn Kiên nói.
Thực tế cho thấy, nhiều trường ở Quảng Ngãi đạt danh hiệu chuẩn quốc gia nhưng cơ sở vật chất trường lớp còn nhiều bất cập. Phải chăng việc chạy theo thành tích đã dẫn đến chuyện dở khóc, dở cười này./.