Nhiều doanh nghiệp tiếp tục kiến nghị về Nghị định 116
Cách đây không lâu, Chính phủ đã chính thức ban hành Nghị định 116/2017 NĐ-CP của Chính phủ với những quy định mới về điều kiện kinh doanh, nhập khẩu ô tô.
Nghị định 116/2017 quy định chặt chẽ về xe nhập khẩu như: Yêu cầu có giấy chứng nhận về xuất xứ, kiểu loại được chứng nhận bởi cơ quan nước ngoài; thứ hai các lô hàng về phải kiểm định với từng lô xe được nhập khẩu về Việt Nam; thứ ba kiểm tra các kiểu loại về khí thải và an toàn giao thông theo quy định; sở hữu hoặc thuê đường thử có tổng chiều dài lên tới 800m…
Chiếu theo những quy định này thì nhiều doanh nghiệp đang lắp ráp hay nhập khẩu xe tại Việt Nam khó có thể đáp ứng. Chỉ có những doanh nghiệp đầu tư lâu dài, bài bản… mới có thể tiếp tục việc kinh doanh, nhập khẩu ô tô.
Nhiều doanh nghiệp cho rằng không thể đáp ứng một số quy định mới của Nghị định 116 như việc sở hữu hoặc thuê đường thử có tổng chiều dài lên tới 800m. (Ảnh minh họa). |
Trước những khó khăn về việc khó có thể đáp ứng được những quy định của Nghị định 116, các doanh nghiệp kiện kinh doanh, nhập khẩu ô tô đã liên tục có những kiến nghị lên Chính phủ, các Bộ ngành liên quan.
Mới đây, Bộ GTVT cũng đã tổ chức cuộc họp lấy ý kiến các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu ô tô về dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 116 quy định về điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô.
Tại cuộc họp, ông Trần Quang Hà, Phó Vụ trưởng Vụ KHCN, Bộ Giao thông và Vận tải (GT&VT) cho biết, Nghị định 116 có hai nội dung cần hướng dẫn gồm: Những quy định đối với ô tô sản xuất lắp ráp và quy định về ô tô nhập khẩu.
Theo ông Trần Quang Hà, Bộ GT&VT đang tích cực tiếp thu để xây dựng dự thảo Thông tư trên tinh thần làm rõ các quy định tại Nghị định. Việc xây dựng thông tư sẽ bám sát các nội dung đã được quy định. Trong trường hợp có gì vướng mắc, vượt thẩm quyền, Bộ sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét tháo gỡ, trước khi ban hành. Thông tư hướng dẫn sẽ được ban hành trước ngày 1/1/2018.
Về phía các doanh nghiệp, các đại diện đã đưa ra một số vấn đề từng được thảo luận tại cuộc đối thoại giữa Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản với Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng ngày 13/12 như: Đề nghị cho phép lùi thời gian thực hiện Nghị định 116; Có nên quy định cho phép doanh nghiệp tự chứng nhận kiểu loại? và đề xuất việc kiểm định xe theo lô có giá trị trong vòng 6 tháng.
Còn đại diện Suzuki Việt Nam cũng nêu ra khó khăn của nhiều doanh nghiệp phía Nam hiện nay là việc vận chuyển xe ra Hà Nội để kiểm định sẽ mất thời gian khoảng 1 tháng trong khi cơ quan hải quan cũng chỉ cho thời hạn 1 tháng để hoàn tất hồ sơ thủ tục thông quan, trong đó có Giấy chứng nhận từ đăng kiểm. Sau thời hạn một tháng sẽ bị phạt. Nếu áp dụng quy định này sẽ gây khó khăn cho các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô ở phía Nam...
Theo đại diện Bộ GT&VT, công tác kiểm tra, kiểm định xe nhập khẩu theo quy định mới sẽ minh bạch hơn. |
Trả lời những vấn đề này, ông Trần Quang Hà - đại diện Ban soạn thảo Thông tư hướng dẫn cho biết, mặc dù ông cũng tham dự cuộc họp ngày 13/12 và cũng biết những nội dung này, nhưng, những vấn đề được nêu ra ở trên đến nay chưa có ý kiến chính thức từ Chính phủ. Tuy nhiên, Ban soạn thảo sẽ tiếp tục thảo luận, xin ý kiến Chính phủ trước khi trình lãnh đạo Bộ GT&VT xem xét, ban hành.
Cùng với đó, đại diện Ford Việt Nam bày tỏ quan ngại về quy định "Cơ quan kiểm tra lấy ngẫu nhiên xe mẫu đại diện cho từng kiểu loại ô tô trong lô xe nhập khẩu". Vị đại diện này đề nghị nên diễn giải theo hướng, doanh nghiệp nhập khẩu tự lấy mẫu xe và đưa đến cơ sở thử nghiệm mà không cần cơ quan kiểm tra phải chọn ngẫu nhiên.
"Ví dụ trong lô xe có một chiếc màu độc, được khách hàng đặt riêng nhưng nếu lấy ngẫu nhiên, cơ quan kiểm tra lấy đúng phải chiếc xe đó ra làm xe mẫu. Khi kiểm định xong, xe đã chạy vài nghìn km thì khách hàng không chấp nhận" - đại diện Ford Việt Nam bày tỏ.
Tuy nhiên, ông Đặng Việt Hà, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cho rằng, phải lấy mẫu ngẫu nhiên mới đảm bảo sự khách quan. Ông Hà cũng cam kết, công tác kiểm tra, kiểm định sẽ minh bạch hơn.
ÔngTrần Quang Hà cho biết thêm, tất cả các ý kiến tại cuộc họp sẽ được tiếp thu, xem xét đặc biệt là những vấn đề liên quan đến thẩm quyền của Bộ GT&VT. Đối với những vấn đề vượt thẩm quyền của Bộ GT&VT sẽ được báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ.
Kết thúc hội thảo, đề xuất nhận được nhiều sự đồng thuận nhất cả từ các doanh nghiệp lẫn Ban soạn thảo là quy định cho phép kết quả thử nghiệm theo lô sẽ có giá trị trong vòng 6 tháng đối với những mẫu xe giống nhau để tránh việc kiểm định theo từng lô như cách hiểu hiện nay./.