Nhiều bà mẹ mắc chứng nghiện xem camera nhà trẻ
Hiện nay khá nhiều nhà trẻ, trường mẫu giáo ở TP.HCM đều được lắp đặt camera quan sát… Hình ảnh từ camera được kết nối với điện thoại thông minh hay máy tính của phụ huynh giúp họ có thể theo dõi hoạt động của con em mọi lúc, mọi nơi. Nhiều phụ huynh xem camera với suy nghĩ chỉ bảo vệ con mình. Thế nhưng xem lâu, xem nhiều với sự lo lắng mơ hồ nào đó dễ dẫn đến nghiện mà không hề hay biết.
“Vợ tôi thường mê sảng, co giật”
Đầu tháng 1, chị HTTT, ngụ quận 10, TP.HCM, nhập BV Tâm thần TP.HCM trong tình trạng mê sảng. Miệng chị liên tục yêu cầu người nhà mở máy tính xem con gái đang đi học như thế nào.
Ngồi bên giường bệnh chăm sóc vợ, anh Phạm Hồng Thái, chồng chị T., cho biết trước đó một tuần, chị hay nói mê trong giấc ngủ. “Tôi tưởng cô ấy mệt mỏi vì chăm con, lo quá nhiều công việc nên không để ý. Dạo gần đây vợ tôi hay nổi nóng, quát mắng người khác vô cớ. Có hôm về nhà, dù con ở ngay bên cạnh vợ tôi cũng đòi mở máy tính lên xem con đã ngủ chưa, ở trường có bị ai đánh không. Rơi vào trạng thái đó một tuần thì cô ấy rơi vào tình trạng thường mê sảng, co giật khi đêm ngủ”.
Quá lo lắng, anh Thái quyết định đưa vợ đến BV khám. Bác sĩ cho biết vợ anh bị rối loạn tâm thần vận động do ám ảnh. Nhìn chị T. ngồi bó gối trên giường với gương mặt ủ rũ, chúng tôi không khỏi ái ngại.
Theo ThS-BS Trần Vĩnh Trung, BV Tâm thần TP.HCM, người điều trị trực tiếp cho chị T., bệnh nhân khởi phát bệnh hơn một tháng nay. Kể từ khi gửi con đến nhà trẻ, chị T. có thói quen quan sát camera kết nối ở nhà trẻ để theo dõi con mình làm gì, ăn gì, chơi gì… Ban đầu bệnh nhân T. dành một, hai giờ mỗi ngày để xem, sau tăng dần lên năm, sáu giờ, thậm chí liên tục suốt tám tiếng ở cơ quan. Đây được xem là một trong những nguyên nhân gây rối loạn tâm thần, khiến bệnh nhân lúc nào cũng muốn quan sát camera vì sợ con bỏ ăn, bị đánh đập...
Một bà mẹ mắc hội chứng nghiện xem camera nhà trẻ đang được điều trị tại BV Tâm thần TP.HCM. Ảnh: HÀ PHƯỢNG |
Tăng dần số bà mẹ nghiện
Nhà giữ trẻ với quy mô chưa đến 12 bé của cô Lê Thị Thanh Thảo, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức được lắp đặt camera quan sát theo yêu cầu của phụ huynh. Theo cô Thảo, tâm lý phụ huynh gửi con hay lo lắng, muốn quan sát con em họ, trong đó có không ít người chú ý quá mức cần thiết. “Có một phụ huynh gửi con năm tuổi, nơi làm việc của chị cách nhà trẻ hơn 10 km nhưng cứ mỗi lần bé khóc trong lúc chơi đùa với bạn là chị gọi điện thoại đến hỏi ngay. Có lần bé biếng ăn, cô giáo đang dỗ dành thì 20 phút sau mẹ bé đã có mặt ở nhà trẻ. Có ngày chị ấy chạy đi chạy về cả ba, bốn lần chỉ để xem con mình ăn uống ra sao” - cô Thảo cho biết.
Qua phân tích nhiều trường hợp, ThS-BS Trần Vĩnh Trung, BV Tâm thần TP.HCM, khẳng định xem camera nhà trẻ của các bà mẹ được liệt vào hội chứng nghiện giống như nghiện game, nghiện Facebook, nghiện mạng xã hội... Theo BS Trung, số lượng bệnh nhân nhập viện với tình trạng này đang có dấu hiệu tăng dần thời gian gần đây.
Ở góc độ tâm lý, BS Trung cho rằng với những người nghiện camera này, nhẹ nhất bệnh nhân sẽ luôn bị ám ảnh chuyện con cái ở trường, giảm trí nhớ. Nặng hơn có thể dẫn đến trầm cảm, lo âu, rối loạn hành vi dẫn đến bệnh rối loạn ám ảnh cưỡng chế. Đây là biểu hiện của hội chứng nghiện khiến việc giao tiếp trở nên khó khăn. Nhiều trường hợp nặng có thể chuyển sang rối loạn tâm thần, thể hiện qua việc hoang tưởng, có cảm giác mình vô dụng hoặc tội lỗi khi không chăm sóc được con. Nặng hơn có thể dẫn đến hành vi tự sát.
“Phụ huynh nên biết tiết chế, yêu thương con hiệu quả. Đừng vô tình rơi vào trạng thái nghiện khiến việc yêu con trở thành hành vi hại bản thân” - BS Trung khuyên.
Đối với các trường hợp nghiện quan sát camera ở mức độ nhẹ, bệnh nhân cần được cách xa với máy tính, các thiết bị kết nối camera. Gia đình, bạn bè nên thường xuyên tương tác với bệnh nhân để giúp bệnh nhân vượt qua cảm giác thèm muốn được quan sát.
Trong trường hợp bệnh nhân nặng, rơi vào các biến chứng trầm cảm, rối loạn tâm lý cần đưa đến cơ sở nội trú tâm thần để được theo dõi và hướng dẫn điều trị của thầy thuốc. Tránh điều trị tại nhà vì dễ đưa bệnh nhân vào trạng thái rối loạn tâm thần nặng.
ThS-BS TRẦN VĨNH TRUNG, BV Tâm thần TP.HCM