Nguyện vọng của người dân gửi tới Đại hội XII của Đảng
Là Chủ tịch UBND xã Chiềng Bôm, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La, một xã vùng cao còn nhiều khó khăn, đồng chí Hà Văn Dũng gửi tới Đại hội những tâm tư, nguyện vọng của nhân dân trong xã với mong muốn thoát nghèo bền vững.
Cho biết về thực tế địa phương, đồng chí Hà Văn Dũng chia sẻ, Chiềng Bôm là một xã vùng cao đặc biệt khó khăn của tỉnh Sơn La với số hộ nghèo năm 2015 lên tới 40%, cùng với đó là số hộ cận nghèo cũng còn nhiều. Toàn xã có 30 bản với 4 dân tộc anh em cùng chung sống thì hiện nay vẫn còn 22/30 bản chưa có điện lưới quốc gia. Nhiều gia đình dù có điều kiện nhưng vẫn không thể mua sắm tivi, tủ lạnh, máy xay xát.
Đ/c Hà Văn Dũng - Chủ tịch UBND xã Chiềng Bôm, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La
Trước thềm Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, bà con nhân dân xã Chiềng Bôm mong muốn nhất là có điện, có đường to rộng và được cứng hóa thay thế những con đường cấp phối gập ghềnh khó khăn đi từ trung tâm xã về các bản.
Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, ngày 12/1 vừa qua, tại bản Pu Ca, xã Chiềng Bôm, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La, Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc đã khởi công dự án cung cấp điện lưới quốc gia cho các hộ dân tỉnh Sơn La hiện chưa có điện. Đây là niềm vui, niềm phấn khởi không chỉ của nhân dân trong xã mà là của cả tỉnh Sơn La.
Nhân dân xã Chiềng Bôm hy vọng, dự án cung cấp điện lưới sẽ mở ra những cơ hội mới cho phát triển toàn diện của xã, giúp nhân dân trong xã có điều kiện phát triển kinh tế tốt hơn, giảm hộ nghèo nhanh chóng. Đồng chí Hà Văn Dũng và nhân dân trong xã mong Đại hội lần này sẽ tiếp tục có những chính sách ưu tiên cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số xã Chiềng Bôm cũng như người dân trong cả nước nói chung.
Theo Chủ tịch xã Chiềng Bôm Hà Văn Dũng, “điều nhân dân trong xã cần nhất là những chính sách giúp phát triển cây, con giống, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để nâng cao thu nhập và đời sống cho nhân dân, khơi dậy ý chí làm giàu cho bà con để giúp cho Chiềng Bôm vươn lên xóa nghèo bền vững”.
Đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội miền núi
Ông Đàm Vương Long, bản Kháy Phầu, xã Quảng Đức, huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh phấn khởi cho biết, bà con dân bản chúng tôi rất biết ơn những chính sách đầu tư của Đảng, Nhà nước dành cho. Thông qua chương trình xây dựng nông thôn mới, bản đã được xây dựng đường bê tông, trường học, nhà văn hoá, nâng cấp hệ thống điện lưới quốc gia...
Ông Long cho biết, không chỉ ở bản Kháy Phầu mà cả xã Quảng Đức đã có sự đổi thay nhanh chóng. Nhờ được quan tâm, đầu tư, hướng dẫn cách làm ăn, số hộ khá giả tăng, số hộ nghèo trong bản giảm hẳn sau mỗi năm; nhiều tập tục lạc hậu được đẩy lùi; phong trào toàn dân xây dựng đời sống văn hoá mới ở khu dân cư thu được những thành công lớn. Bà con tin tưởng rằng, những năm tới, Đảng ta tiếp tục thực hiện có hiệu quả hơn các chính sách đầu tư cho khu vực vùng sâu, vùng xa, nhất là hỗ trợ bà con về kỹ thuật canh tác, phòng, trừ bệnh cho cây trồng, vật nuôi; đào tạo nghề cho lao động nông thôn, để đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội miền núi.
Cần thử thách cán bộ nhiều hơn nữa
Là người từng có 4 nhiệm kỳ liên tiếp trúng cử Ban chấp hành Đảng bộ huyện và cũng là người chứng kiến những đổi thay trong 30 năm đổi mới của Đảng ta, đồng chí Nguyễn Văn Thìn, nguyên Chủ tịch UBND xã Tượng Sơn, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh cho rằng, Đảng cần thử thách cán bộ nhiều hơn nữa để họ được rèn rũa và trưởng thành.
Thạch Hà, Hà Tĩnh
Phân tích vấn đề này, đồng chí Nguyễn Văn Thìn cho rằng, phong trào xây dựng nông thôn mới thực sự là một cao trào cách mạng mà trong cuộc cách mạng ấy thực sự là nơi thử nghiệm, nơi kiểm chứng, là thước đo đội ngũ cán bộ. Bởi cùng được giao nhiệm vụ nhưng có hoàn thành nhiệm vụ hay không lại là một chuyện khác. Cùng là xây dựng nông thôn mới, nhưng có nơi làm tốt, có nơi làm chưa tốt, có cán bộ tâm huyết, nhưng cũng có những cán bộ còn trông chờ, né tránh, rồi cũng có tình trạng lạm dụng nếu không muốn nói là tham nhũng.
“Theo tôi, Đảng cần giao nhiều việc hơn nữa để thử thách cán bộ, từ việc làm cụ thể sẽ có thước đo cụ thể để đánh giá cán bộ và nhân dân chính là “tai mắt” của Đảng và có sự đánh giá chính xác nhất”.
Nguyên Chủ tịch UBND xã Tượng Sơn cũng mong muốn Đại hội lần này tiếp tục thảo luận và đề ra nhiều giải pháp để xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo thực sự là “công bộc của dân”.
Tháo gỡ khó khăn cho các địa phương hoàn thành xây dựng nông thôn mới
Là Phó Chủ tịch UBND xã, đồng chí Phạm Văn Chiến, xã Đoàn Xá, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng mong muốn Đại hội Đảng lần này sẽ có những chính sách cụ thể hơn nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho các địa phương hoàn thành các mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
Theo đồng chí Chiến, hiện như Đoàn Xá, sau khi hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới thì còn một khoản nợ với các doanh nghiệp đã đầu tư cùng địa phương, việc tìm nguồn để trả nợ hiện nay đang còn gặp nhiều khó khăn khi địa phương không thể chỉ trông chờ vào các khoản thu hàng năm.
Khẳng định việc xây dựng xong các tuyến đường liên thôn, liên xã đã giúp đời sống nhân dân trong xã phát triển kinh tế nhanh chóng, dịch vụ phát triển mạnh, người dân đã được thụ hưởng trực tiếp từ những thành quả của phong trào xây dựng nông thôn mới, nhưng lãnh đạo xã Đoàn Xá cũng luôn băn khoăn trước khoản nợ hiện có.
Phó Chủ tịch UBND xã Đoàn Xá mong muốn và tin tưởng rằng, Đại hội lần này sẽ thảo luận và tiếp tục có những chủ trương, chính sách mới để hoàn thành công cuộc xây dựng nông thôn mới như Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã đề ra./.
Theo Báo điện tử ĐCSVN