Nguy cơ và khả năng phòng chống các loại ung thư
Chế độ dinh dưỡng hợp lý góp phần làm giảm nguy cơ mắc các loại bệnh ung thư |
Chế độ ăn uống khoa học là một trong những biện pháp có thể sử dụng để tăng cường khả năng phòng chống các loại bệnh ung thư.
Theo TS. Phạm Quang Trung, Khoa Xạ trị - Xạ phẫu, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, thực phẩm vừa đóng vai trò phòng ngừa, bảo vệ vừa là nguy cơ của các loại ung thư.
Yếu tố bảo vệ: Chất dinh dưỡng và thực phẩm có vai trò bảo vệ chống loại một số loại ung thư nhất định, như chất xơ có trong ngũ cốc, hạt, rau củ quả.
Yếu tố nguy cơ: Thực phẩm khi sử dụng quá mức nó sẽ thúc đẩy sự phát triển của một số loại ung thư ví dụ như thức uống có cồn, thịt đỏ, thịt nguội và muối.
Không có một thực phẩm kỳ diệu nào giúp phòng chống các loại bệnh ung thư. Việc cân bằng quá trình tiêu thụ các loại thực phẩm nhằm là một cách bảo vệ giảm thiểu những nguy cơ sự xuất hiện của bệnh ung thư. Chế độ ăn uống cân bằng giúp làm giảm nguy cơ béo phì thừa cân.
Trái cây và rau quả
Ăn trái cây và rau quả thường xuyên sẽ giảm thiểu nguy cơ mắc nhiều loại bệnh ung thư, bao gồm ung thư khoang miệng, ung thư thanh quản, ung thư vòm họng, ung thư thực quản, ung thư dạ dày và ung thư phổi.
Những loại thực phẩm này đóng vai trò bảo vệ cơ thể nhờ chất xơ, vitamin và khoáng chất cao. Ngoài ra lượng ca-lo có trong trai cây và rau quả thấp, còn giúp giảm nguy cơ béo phì thừa cân. Với thành phần đa dạng của các loại trái cây và rau củ quả đều rất quan trọng cho sức khoẻ, nó cho phép chúng ta đa dạng hoá chế độ ăn uống mà vẫn cung cấp tất cả và đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể.
Bạn nên ăn ít nhất 5 loại rau quả trai cây khác nhau một ngày (ví dụ 3 loại hoa quả, trái cây và 2 loại rau; hoặc 4 loại rau và một loại hoa quả) tương đương với 400g một ngày, tốt nhất là hoa quả tươi, hoặc hoa quả đóng hộp. Trái cây thường được dùng như: táo, cà chua, mơ hoặc nước ép trái cây (không thêm đường)…
Thực phẩm chứa chất xơ
Một số thực phẩm như bánh mỳ, trái cây và rau quả có chứa chất xơ. Thực phẩm ngũ cốc nguyên chất (bánh mỳ, mỳ ống, gạo…) rất phong phú để chúng ta lựa chọn.
Nên ăn thường xuyên hàng ngày những thực phẩm có chứa chất xơ như thực phẩm ngũ cốc nguyên hạt, trái cây và rau cải, đậu…
Thực phẩm từ sữa
Những thực phẩm có nguồn gốc từ sữa rất tốt cho sức khoẻ như: đồ uống có nguồn gốc từ sữa, sữa chua, các loại pho-mát… không bao gồm những sản phẩm từ sữa có nhiều chất béo (bơ, kem hoặc đường).
Sử dụng hàng ngày những sản phẩm có nguồn gốc từ sữa là một yếu tố thuận lợi trong việc phòng ngừa bệnh ung thư trực tràng. Ngoài tác dụng trực tiếp có lợi trong việc giảm gia tăng tế bào ung thư ở ruột kết và trực tràng, canxi trong sữa cũng có tác dụng gián tiếp lên việc bảo vệ thành ruột.
Thịt đỏ và thịt nguội
Thịt đỏ bao gồm thịt bò, lợn, bê, cừu và ngựa. Thịt nguội là những sản phẩm từ thịt được sấy khô hoặc ướp muối (ví dụ như là thịt jambon, lardons…).
Các loại thịt là thực phẩm có lợi cho sức khoẻ (chứa nhiều protein, sắt, kẽm và vitamin). Tuy nhiên, nếu sử dụng nhiều thịt nguội và thịt đỏ sẽ làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng. Do đó, bạn nên hạn chế tiêu thụ thịt đỏ dưới 500g một tuần. Bạn có thể thay thế sử dụng thịt đỏ bằng các loại thịt gia cầm, cá và trứng.
Muối và thức ăn mặn
Lượng muối mà chúng ta tiêu thụ hàng ngày đến từ nhiều nguồn gốc: muối ăn được thêm vào trong quá trình nấu ăn, trong bữa ăn, hoặc muối tự nhiên trong quá trình chế biến. Sử dụng lượng muối quá mức có thể làm thay đổi trực tiếp niêm mạc dạ dày và cũng thúc đẩy các yếu tố nguy cơ khác. Do đó sử dụng lượng muối nhiều có thể là nguy cơ của ung thư dạ dày.
Thực phẩm bổ sung beta-carotene
Beta-carotene là tiền chất của vitamin A, giúp cơ thể phòng tránh được tình trạng thiếu hụt vitamin A, ngăn chặn mù lòa, làm hệ miễn dịch khỏe mạnh...
Thực phẩm bổ sung là thực phẩm có mục đích bổ sung cho chế độ ăn uống bình thường. Chúng bao gồm một hoặc nhiều hợp chất trong đó có thể là vitamin, khoáng chất, chiết xuất từ thực vật, axit amin hoặc axit béo. Chúng thường ở dạng viên nang, viên nén.
Nhiều loại trái cây và rau củ quả có chứa beta-carotene (cà rốt, cải xanh, mơ…). Một chế độ ăn uống đa dạng và cân bằng đầy đủ sẽ đáp ứng được nhu cầu dinh dưỡng trong vấn đề này.
Sử dụng thực phẩm bổ sung có thể cung cấp lượng beta-carotene cao. Sử dụng lượng beta-carotene cao không chỉ là vô ích đối với việc phòng ngừa ung thư mà còn là một yếu tố nguy cơ cho ung thư phổi và dạ dày, đặc biệt với những người hút thuốc lá. Trên thực tế, việc tiêu thụ beta-carotene ở liều lượng cao làm tăng tác dụng gây ung thư của thuốc lá và thúc đẩy sự sản sinh ra các gốc tự do.
Do đó, ngoài trừ trường hợp đặc biệt phải sử dụng thêm thực phẩm bổ sung dưới hướng dẫn của bác sỹ, không nên tự ý sử dụng thực phẩm bổ sung.