Ngưỡng mộ “bà Thanh khuyến học” trở thành công dân ưu tú Thủ đô
Ở tuổi xế chiều, bà Tạ Thị Ngọc Thanh, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học phường Dịch Vọng Hậu vẫn nhiệt huyết, hết minh với công tác khuyến học. |
“Bà Thanh từ thiện”, “bà Thanh khuyến học”…
Chúng tôi tìm được nhà riêng của bà Thanh dù không biết địa chỉ cụ thể bởi người dân ở phố Phạm Tuấn Tài cũng như phường Dịch Vọng Hậu không mấy ai không biết đến bà. Họ gọi người giáo già nhiệt huyết ấy là “bà Thanh từ thiện”, “bà Thanh khuyến học”… bởi lẽ những hoạt động từ thiện và khuyến học của bà có sức lan tỏa thực sự trong cộng đồng dân cư.
Ở tuổi xế chiều, bà giáo già mang nụ cười hiền hậu, dáng người nhỏ bé toát lên vẻ nhanh nhẹn, khỏe khoắn. Bà luôn tâm niệm phải giữ gìn sức khỏe, vì có sức khỏe mới tiếp tục bám sát được công tác khuyến học của phường.
Đến với nghề giáo ngay sau khi tốt nghiệp, bà Thanh công tác trong ngành giáo dục trước khi trở thành Giám đốc đầu tiên của Làng trẻ SOS trên địa bàn thành phố Hà Nội.
10 năm sau, bà nghỉ hưu, bấy giờ dù hoàn cảnh gia đình còn khó khăn, chồng bị tàn phế nhưng bà vẫn tiếp tục đem hết sức mình, tận tụy tham gia công tác khuyến học ở phường Dịch Vọng Hậu và trở thành tấm gương sáng đầy nhiệt huyết để cán bộ, Đảng viên và nhân dân cùng học tập noi theo.
Ở tuổi 75, bà Thanh không chịu nghỉ ngơi an dưỡng tuổi già. Khi chúng tôi hỏi lí do gì khiến bà giữ vững ngọn lửa nhiệt huyết đến vậy, bà nở nụ cười thanh thản đáp “làm sao mà bỏ được”.
Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, năm 2 tuổi rưỡi bà Thanh mồ côi mẹ, 11 tuổi mồ côi cha. Lớn lên nhờ họ hàng chở che cùng với sự nỗ lực không ngừng của bản thân, bà Thanh quá thấu hiểu và thông cảm với những đứa trẻ thiếu thốn điểm tựa mẹ - cha. Tâm niệm rằng “nếu không được học hành, bản thân cũng không có ngày hôm nay” nên bằng mọi giá, bà Thanh muốn góp sức mình cho công tác khuyến học, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của học tập và tu dưỡng đạo đức trong cộng đồng.
Sau khi tốt nghiệp phổ thông năm 1962, bà vào Sư phạm 7+2 rồi tình nguyện ra ngoại thành Hà Nội dạy học, sau đó về công tác tại Phòng Giáo dục huyện Thanh Trì năm 1968. Năm 1969, bà được cử đi học chuyên ngành Tâm lý giáo dục tại trường Đại học sư phạm Gersen Leningrat (Liên Xô cũ). Tốt nghiệp đại học loại xuất sắc năm 1974, bà về nước công tác tại Ban Tâm lý Viện Khoa học giáo dục, rồi được bổ nhiệm làm Phó ban Nghiên cứu cải cách mầm non, thuộc Bộ Giáo dục.
Năm 1987, sau khi làng trẻ SOS Hà Nội được xây dựng, bà được bổ nhiệm làm Giám đốc Làng trẻ SOS. Những ngày đầu đảm nhiệm trọng trách ở Làng trẻ SOS, vị nữ Giám đốc vừa trông coi việc xây dựng làng trẻ vừa tổ chức công việc tìm kiếm và đào tạo cán bộ lại vừa khảo sát và tiếp nhận trẻ…
Hết mình với công tác từ thiện 10 năm tại Làng trẻ, khi về hưu, bà giáo già lại say mê nhen nhóm ngọn lửa khuyến học tại địa phương cũng với mong muốn thế hệ trẻ, đặc biệt là các cháu có hoàn cảnh đặc biệt được đến trường và tự viết nên tương lai của chúng.
17 năm liền (từ 1998 - 2015) bà được chi bộ tín nhiệm bầu làm Bí thư chi bộ số 1B nay là chi bộ số 2 phường Dịch Vọng Hậu Phó chủ tịch Hội Khuyến học phường Dịch Vọng Hậu.
Chi bộ 1B do bà làm Bí thư nhiều năm đạt danh hiệu chi bộ trong sạch vững mạnh tiêu biểu. Bà còn được tổ dân phố số 7 (nay là tổ dân phố số 2) bầu làm Tổ trưởng tổ dân phố. Tính nhân văn trong bà luôn tỏa sáng mọi lúc mọi nơi. Nhà của bà trở thành địa điểm họp của Chi bộ, các đoàn thể quần chúng, tổ dân phố.
Cá nhân bà Thanh nhiều năm liền được UBND quận Cầu Giấy tặng Giấy khen, tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt” cấp quận. 03 lần đạt danh hiệu “Người tốt, việc tốt” tiêu biểu cấp Thành phố (1996, 2014, 2015); 2 lần được Bộ Lao động thương và Xã hội tặng Bằng khen (năm 1992, 1993); Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tặng Bằng khen năm 2007, 2016; năm 1995 bà Thanh được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; nhận kỷ niệm chương Khuyến học…
Bà giáo già Tạ Thị Ngọc Thanh vinh dự là một trong 9 gương mặt vừa được Hà Nội vinh danh “Công dân ưu tú Thủ Đô năm 2016” ngày (10/10).
Phó Chủ tịch Hội Khuyến học phường Dịch Vọng Hậu vừa được vinh danh là Công dân Thủ đô ưu tú 2016. |
“Quỹ khuyến học bà Thanh”
Gia đình bà Thanh là gia đình “tứ đại đồng đường” hiện có 6 thành viên sống trong cùng một mái nhà. “Con trai và con dâu tôi cũng công tác trong ngành giáo dục. Tôi già rồi thì làm khuyến học”, bà cười nói.
Bà giáo già tâm sự, cái khó nhất trong công tác làm khuyến học tại địa phương là vận động gây quỹ vì không có quỹ thì không thể khen thưởng các cháu. Dù sống bằng lương hưu và tiền phụ cấp ít ỏi song bà Thanh vẫn dành dụm quỹ riêng để “đỡ đầu” các cháu học sinh mồ côi cha mẹ. Mỗi năm, bà mua xe đạp, quần áo, sách vở tặng cho các cháu học sinh nghèo có thành tích học tập trị giá trên dưới 20 triệu đồng.
“Những đứa trẻ gợi cho tôi phần kí ức khó khăn của thời thơ ấu khi mới 5-7 tuổi, cha mẹ đã lần lượt qua đời. Dù được người thân cưu mang, song nhiều việc tôi vẫn phải tự mình vật lộn, nhất là cảm giác cô đơn, buồn tủi, chẳng dễ gì vượt qua”, bà chia sẻ.
Thương các cháu, bền bỉ hơn 20 năm qua, bà giáo già tự nguyện gom góp, dành dụm, để từng tháng, từng năm có chút quà gửi tặng nhằm giúp trẻ vợi bớt những thiệt thòi, thiếu thốn. Cân đối số tiền gom góp, mỗi năm, Phó chủ tịch hội khuyến hội phường nhận đỡ đầu khoảng 14-15 trẻ nhỏ có hoàn cảnh khó khăn cho tới khi các cháu tròn 18 tuổi. Khi đó, khoản trợ cấp này lại tiếp tục được dành cho em nhỏ khác. Từ khoản trợ cấp ban đầu là 500-600 nghìn đồng/cháu/năm, hiện giờ số tiền của “Quỹ khuyến học bà Thanh” dần tăng lên.
“Mấy tháng nay tôi đang nhẩm tính cố sao để năm tới, mỗi trẻ sẽ được nhận khoản tiền là 1,5 triệu đồng. Dù không nhiều nhặn gì nhưng tôi mong số tiền ấy sẽ mang lại những ý nghĩa lớn hơn giá trị vật chất, giúp các cháu cảm nhận được tình cảm ấm áp, sự quan tâm tôi dành cho các cháu”, bà tâm sự.
Làm khuyến học là tâm huyết, là niềm vui của bà Thanh |
Đối với bà giáo già này, sự tận tụy đó không phải vì những tấm bằng khen, giấy khen, kỷ niệm chương mà xuất phát từ sự từ tâm và mong muốn đóng góp cho sự học của cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Với sự động viên kịp thời đó, “Quỹ khuyến học bà Thanh” đã góp phần nảy nở những “trái ngọt” thơm mát. Nhiều trẻ em nghèo đã viết tiếp được giấc mơ học hành có nguy cơ bị dở dang. Không ít em đã học giỏi vươn lên, xuất sắc thi đỗ vào các trường đại học trong nước, nhận học bổng du học toàn phần nước ngoài, hoàn thành bằng tiến sĩ…
Ngay trong năm học mới này, bà giáo già cùng lúc nhận hai tin vui khi có hai em nhiều năm được nhận trợ cấp khuyến học của bà xuất sắc giành học bổng đi du học tại Anh và Tây Ban Nha. “Đó là phần thưởng lớn nhất, to nhất, không gì sánh bằng rồi!”, bà Thanh xúc động cười mãn nguyện.