Nghiên cứu ứng dụng hệ thống thông tin địa lý
Tại hội thảo, các nhà khoa học quốc tế cùng trao đổi, chia sẻ những kết quả nghiên cứu ứng dụng Hệ thống thông tin địa lý (GIS), viễn thám trong các lĩnh vực: Biến đổi khí hậu và quản lý tài nguyên bền vững; Phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững; Phát triển đô thị và công nghiệp; Công nghệ GIS…. Đồng thời, thảo luận về sự hợp tác nghiên cứu và phát triển trong thời gian tới; nâng cao năng lực ứng dụng GIS, GPS và Viễn thám trong nghiên cứu khoa học, quản lý nhà nước, giảng dạy tại Việt Nam.
Ban Tổ chức trao cờ luân lưu cho Đại học Quy Nhơn tổ chức hội thảo "Ứng dụng GIS toàn quốc 2017". Ảnh: Tường Vi/TTXVN |
Các đại biểu cũng tập trung vào các vấn đề đáng chú ý như: Ứng dụng công nghệ viễn thám trong theo dõi, đánh giá nhanh diễn biến khô hạn, thí điểm tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên; Ứng dụng Gis và phương trình Usle trong đánh giá xói mòn đất ở tỉnh Kon Tum; Sử dụng dữ liệu mở (opendata) trong ứng phó thiên tai, ngập lụt; Ứng dụng viễn thám và Gis đánh giá xu thế đô thị hóa ở TP Hồ Chí Minh; Xây dựng hải đồ điện tử nâng cao phục vụ cho quản lý các hoạt động của tàu trong cảng; Mtool, VCoord, Psearch bộ ứng dụng di động Androi phục vụ công tác đo đạc bản đồ... Ông Phan Ngọc Thọ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, từ năm 2005, Thừa Thiên - Huế đã bắt đầu khởi động dự án xây dựng hệ thống thông tin địa lý GISHue. Đến nay, hệ thống GISHue đã trở thanh một hệ thống tập trung nhằm quản lý, cập nhật nhằm khai thác dữ liệu địa lý của tất cả các lĩnh vực, ứng dụng liên quan. Hiện tại trên hệ thống này đã tích hợp hơn 180 bản đồ của 14 sở, ngành của tỉnh với hơn 322 lớp dữ liệu, đã tích hợp 8 bản đồ quy hoạch đô thị, 8 đồ án quy hoạch ngành, lĩnh vực và các kết quả từ đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ liên quan đến GISHue. Hệ thống GISHue đã dần tiến tới trở thành công cụ thẩm định quy hoạch và cấp phép trực tuyến. Hệ thống thông tin địa lý (GIS - Geographic Information System) hình thành từ những năm 60 của thế kỷ trước và cho đến nay, GIS đang được ứng dụng ngày càng rộng rãi trên toàn thế giới. Để hỗ trợ việc ra quyết định trong các vấn đề phát sinh liên quan đến quy chiếu địa lý quy mô địa phương đến toàn cầu, GIS đã trở thành nền tảng công nghệ đặc biệt hữu dụng.
GIS là công cụ để tích hợp và quản lý thông tin đa ngành trong các lĩnh vực như: Chính phủ điện tử, quản lý các dịch vụ xã hội, phòng chống dịch bệnh, chống khủng bố, bảo tồn đa dạng sinh học, dịch vụ sinh thái môi trường, ứng phó với biển đổi khí hậu và quản lý thảm họa, quản lý tài nguyên và môi trường, bảo vệ quốc phòng an ninh biển đảo…chính xác và kịp thời. Trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, việc nắm bắt và xử lý thông tin sớm nhất, nhanh và chính xác nhất góp phần quan trọng vào thành công của mỗi tổ chức cá nhân trong đó GIS là công cụ đắc lực.