“Nghị quyết Trung ương 6 chưa nói đến vấn đề sáp nhập tỉnh“
Trả lời báo chí bên hàng lang Quốc hội sáng 1/11, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, tới đây sẽ xây dựng chương trình hành động để thực hiện các nội dung mà Nghị quyết Trung ương 6 đề ra. Việc sáp nhập các bộ hay địa phương cũng phải đi từ Nghị quyết Trung ương 6.
“Có những nội dung áp dụng làm ngay, cũng có những lĩnh vực nghiên cứu định hướng làm thí điểm, cũng có những cái chuẩn bị cho Đại hội XIII”, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân |
Theo đó, cái có thể làm ngay được là sắp xếp lại cơ cấu tổ chức bên trong các bộ ngành, địa phương. Rà soát lại lại chức năng nhiệm vụ của các cơ quan để không bị chồng lấn; sắp xếp lại các bộ ngành, kể cả các đơn vị trực thuộc, để đảm bảo làm sao đơn vị sự nghiệp công trong mỗi một cơ quan chuyên môn cấp tỉnh chỉ còn lại một đơn vị.
Còn lại cơ quan chuyên môn của các ngành như y tế cũng phải sắp xếp lại cho phù hợp. Một số nhiệm vụ có thể chuyển giao phân cấp giữa Trung ương cho cấp tỉnh, cấp tỉnh cho cấp huyện để giảm bớt đầu mối.
Bộ Nội vụ được Thủ tướng giao 2 chương trình hành động: Thực hiện sắp xếp lại bộ máy của cơ quan hành chính nhà nước và sắp xếp lại các đơn vị theo Nghị quyết Trung ương 6. “Cái này cũng bám vào nội dung Nghị quyết để xây dựng lộ trình các bước thực hiện”, ông Lê Vĩnh Tân nói.
Trước đề xuất của đại biểu Quốc hội về sáp nhập các tỉnh có quy mô dân số nhỏ, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho rằng, vấn đề này phải tổng kết, đánh giá lại, bởi vì mỗi quy mô một tỉnh lại phù hợp với điều kiện đặc điểm đồng bằng, miền núi, hải đảo hay đô thị khác nhau nên phải có tổng kết mới đánh giá được.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cũng cho biết, Nghị quyết Trung ương 6 chỉ đề cập đến các cơ quan chồng lấn, có chức năng nhiệm vụ tương đồng thì rà soát lại. “Trong Nghị quyết Trung ương 6 chưa nói đến vấn đề sáp nhập tỉnh”, Bộ trưởng Bộ Nội vụ khẳng định.
Còn về sáp nhập các bộ, theo ông Lê Vĩnh Tân, chủ trương này thuộc đối tượng thứ 3 là “tiếp tục nghiên cứu”.
Trước đó, trao đổi với báo chí đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, với những tỉnh có dân số dưới 800.000 người thì có thể tính toán sáp nhập lại với nhau để tinh giản biên chế, giảm chi thường xuyên, tiết kiệm trong sử dụng tài sản công.
Theo tính toán của đại biểu, sau khi sáp nhập thì có thể giảm được khoảng 10 tỉnh có quy mô dân số thấp, và giảm 3-4 bộ có nhiệm vụ, chức năng tương đồng./.