Nghệ sĩ Phạm Bằng giấu bệnh không cho ai biết
Diễn viên Trung Hiếu và Xuân Bắc chia sẻ những cảm xúc và kỷ niệm khó quên với Nghệ sỹ Phạm Bằng khi biết tin ông vừa qua đời vào tối 31/10.
NSND Trung Hiếu: Chú làm việc đến hơi thở cuối cùngNSƯT Phạm Bằng (1931 - 2016) |
Thực sự bây giờ tôi và anh em trong giới nghệ sỹ rất sốc vì nghe tin chú mất quá đột ngột. Chú bị bệnh nhưng giấu, không ai được biết cả.
Tôi còn nhớ, mình gặp chú cách đây mấy tháng. Hôm đó chúng tôi tới dự buổi gặp mặt giữa mấy anh em quân đội. Trong buổi giao lưu, chú vẫn trò chuyện với mọi người vui vẻ, còn đọc thơ mà không có biểu hiện gì cả, chú rất khỏe mạnh. Chú còn trêu tôi: “Hiếu ơi! chú cũng Thái Bình cùng quê với Hiếu đấy”, khi ấy tôi mới biết chú là đồng hương với mình. Sau rồi, chúng tôi nói chuyện đùa vui, chơi với anh em, chú vẫn rất hài hước, hỏm hỉnh và sảng khoái. Từ lần đó tôi cũng không gặp chú một thời gian. Đến hôm nghe tin chú mất thì thực sự cảm thấy bàng hoàng, ngỡ ngàng và mất mát lắm.
Chú Bằng cùng với Hữu Độ, Lê Mai là những người đặt nền móng đầu tiên cho Nhà hát kịch Hà Nội và nền kịch nghệ Việt Nam. Chú tài hoa và giỏi lắm! Cùng với cụ Trịnh Thịnh, cụ Dương Quảng và cụ Trịnh Mai, chú Phạm Bằng là một trong 4 diễn viên hài nổi tiếng làng hài Việt Nam ngày xưa.
Bản thân tôi khi được làm nghề, được tiếp xúc cùng thì lúc ấy chú Phạm Bằng đã là cây đại thụ trong nghề rồi. Với tôi, chú Bằng là một nghệ sỹ lao động chân chính, hết mình. Một con người vô cùng đáng trân trọng. Tôi có cảm giác chú làm việc đến hơi thở cuối cùng. Càng về sau, càng già chú càng nổi và càng làm càng sung sức hơn. Trên sân khấu, sàn diễn, trong công việc chú rất nghiêm túc thậm chí là nghiêm khắc với chính mình và các đồng nghiệp nhưng ra ngoài đời lại rất hóm hỉnh vô tư và nhân ái, yêu thương mọi người.
Đó là những kỷ niệm và ấn tượng của tôi về chú mà có lẽ tôi suốt cả cuộc đời này tôi không thể nào quên được.
NSƯT Xuân Bắc: Chúng tôi vẫn hay gọi nghệ sỹ Phạm Bằng là 'Bố'- xưng 'Con'NS Phạm Bằng, Trà My và Trung Hiếu |
Lần gần đây nhất tôi gặp bố Phạm Bằng là trên một chuyến máy bay, tôi đi ghi hình về và thấy Bố Bằng phải ngồi xe lăn: bố gầy và hơi yếu. Lúc đó tôi phải đổi vé để được ngồi cùng bố.
Đến sân bay, con của bố đến đón, bố bảo: “Cứ đưa thằng Bắc về đến nơi tới chốn, tao thế nào cũng được”. Tôi bảo: "Bố bây giờ lo cho cho tụi con làm gì, tụi con có thể còn non kém nhưng cũng không phải 'ăn chưa biết no, co chưa biết ấm đâu'".
Bố luôn là người như vậy, dù có trong hoàn cảnh nào cũng lo lắng và quan tâm đến người khác. Tôi, Công Lý hay Quang Thắng khi nào có chuyện gì hay vấn đề gì, bố cũng bảo: “Này mày, xem lại cái đấy đi, liệu có được không…?". Chúng tôi vẫn hay gọi nghệ sỹ Phạm Bằng là 'Bố'- xưng 'Con', nhưng với ông chỉ có một cách xưng hô duy nhất “đứng không đổi, ngồi không dời” là "Mày – Tao”.
Với tôi, bố Bằng là người nghệ sỹ say nghề, dám cống hiến nhưng hơn ai hết ông là người có tư duy hiện đại, dám đón nhận tất cả những thay đổi của cuộc sống và những đổi mới trong nghề. Ông đã sống qua các thời kỳ: từ hồi kháng chiến đến bao cấp và cho đến hôm nay đất nước đổi mới nhưng tư duy làm việc và tính cách của ông vẫn không lạc hậu. 70 tuổi, bố vẫn đi quay phim, vẫn đóng hài và vẫn mang lại tiếng cười cho mọi người. Bố có một tầm nhìn và quan sát rất mở. Tính rất thanh niên, rất vui tươi. Hồi bố còn sống tôi vẫn bảo: "Đến tuổi bố, con chỉ mong được nửa của Bố, cụ lại cười bảo 'Chuyện…tao còn chiến đấu tốt'.
Cụ mất đi để lại rất nhiều niềm tiếc nuối, đau xót cho bạn bè, anh em, đồng nghiệp trong nghề. Chúng tôi đang lo toan để tổ chức chu đáo nhất cho lễ tang và hậu sự của bố với tất cả lòng thành kính và trân trọng đối với người nghệ sỹ thuộc thế hệ đầu tiên của Nhà Hát Kịch Việt Nam.
Nghệ sĩ Xuân Bắc |