Nếu robot này được bán tại Việt Nam, nhiều nông dân sẽ mất việc?
Con người đã làm nông nghiệp từ khoảng 10.000 năm và đây cũng là một trong những nghề lâu đời nhất từng được ghi nhận. Trong suốt phần lớn quãng thời gian đó, loài người sử dụng các loài động vật khỏe mạnh và có sức kéo tốt như trâu, bò,... để hỗ trợ các công việc cày cấy, thu hoạch.
Tuy nhiên trong thế kỷ này, chúng ta đang đứng trước một sự thay đổi lớn khi thực hiện chuyển đổi từ động vật sang sức mạnh máy móc, đóng vai trò là cuộc cách mạng hiệu quả, mở rộng quy mô sản xuất.
Kể từ vài năm trước, nhiều nông trại đã tiến hành sử dụng máy bay không người lái và các hệ thống lái tự động để làm thay công việc tưới tiêu cho người nông dân. Giờ đây, các nhà nghiên cứu tại trường Đại học Harper Adams đã đưa ra một quy trình hoàn thiện khi loại bỏ hoàn toàn nhân lực khỏi công việc đồng áng.
Robot sẽ sớm thay thế con người
Dự án "Hands Free Hectare" cho thấy tiềm năng lớn của việc robot có thể thay thế con người làm nông nghiệp. |
Dự án mang tên "Hands Free Hectare" được đưa ra nhằm quán triệt toàn bộ các công việc như trồng trọt cho tới tưới tiêu, chăm sóc, thu hoạch nông sản mà hoàn toàn không cần có bàn tay can thiệu từ con người. Nhóm nghiên cứu đã bước đầu thử nghiệm thành công tại 1 hecta ruộng lúa mạch ở vùng nông thôn nước Anh. Tất cả công việc đều được thực hiện hoàn hảo bởi những "người nông dân robot".
Jonathan Gill, một trong những nhà nghiên cứu tham gia vào dự án cho biết, "Trong những năm gần đây, chúng tôi tập trung vào làm việc tối ưu hóa hiệu suất khi làm nông nghiệp, nhưng các máy móc cỡ lớn với con người điều khiển đã không còn tương thích với phương pháp này".
"Nếu như phương pháp này được triển khai rộng rãi, người nông dân sẽ thu được hiệu suất cao đáng kể dù là trên một diện tích đất nông nghiệp bị hạn chế. Mọi giai đoạn trồng lúa, thu hoạch lúa sẽ chính xác gần như tuyệt đối, và họ cũng chỉ cần mua những cỗ máy với kích thước nhỏ hơn", Jonathan cho biết.
Trong số các nhiệm vụ được giao dành cho các "robot nông dân" tự vận hành, ấn tượng nhất phải kể tới việc chúng đã đào tới độ sâu chính xác và tối ưu để một hạt lúa mạch có thể được trồng và lớn lên hoàn hảo. Lượng thuốc diệt nấm, diệt cỏ và phân bón cũng được sử dụng chuẩn "như sách giáo khoa"; và cuối cùng thu hoạch lúa một khi chúng đã sẵn sàng.
"Dự án này được triển khai nhằm chứng minh rằng không có lý do nào để công nghệ không nên thay thế con người để làm những công việc cần sức lực và sự chính xác ngay từ bây giờ", Martin Abell, đại diện của Precision Decisions cho biết. "Chúng tôi đã trao cơ hội cho các robot nông dân, và chúng hoàn toàn có thể hoạt động trên một cánh đồng lúa mà không cần sự trợ giúp của con người. Đây là một thành công lớn của dự án."
Thay đổi này liệu có ảnh hưởng tới những quốc gia nông nghiệp, trong đó bao gồm Việt Nam?
Qua dự án kể trên, có thể thấy trước một tương lai nơi mà rất nhiều ngành nghề của con người sẽ bị thay thế bởi robot và công nghệ tự động hóa. Những ngành theo báo giới phân tích rằng sẽ bị ảnh hưởng trước hết đó là giáo viên, công nhân, trực tổng đài, nghề lái taxi, và nay là nghề làm nông.
Câu hỏi "Liệu cuộc cách mạng robot có ảnh hưởng tới lao động Việt" cũng từng được đề cập tới khá nhiều trước đây, trong bối cảnh đất nước và khu vực đang bước vào cuộc Cách mạng 4.0 với công nghệ tự động hóa được đặt lên làm tiêu chí số 1. Việt Nam cũng đã sớm ứng dụng công nghệ robot, tuy nhiên mới chỉ hạn chế trong một vài ngành nghề thủ công.
Những ảnh hưởng là hoàn toàn rõ rệt, nhưng không phải tất cả đều là tiêu cực. Cụ thể như trước sức ép đơn hàng giảm khoảng 10% bởi giá nguyên liệu đầu vào và chi phí lao động tăng cao, nhiều doanh nghiệp ở Tp. Hồ Chí Minh trong thời gian qua đã mạnh dạn đầu tư các dây chuyền sản xuất với công nghệ hiện đại.
Nhiều công ty sản xuất mỹ nghệ, nơi mà có 90% công nhân đã phải nghỉ việc vì tự động hóa. Theo đó, chỉ cần vỏn vẹn 5 robot là đã thay thế được hơn 100 công nhân ở khâu tạo hình sản phẩm.
Tại Việt Nam, robot cũng sớm được áp dụng nhưng trong các ngành nghề thủ công. |
Không những thế, năng suất mà robot mang lại cao gấp nhiều lần so với trước đây. Trung bình cứ mỗi tiếng, 1 robot được lập trình cho ra 500 sản phẩm, đặc biệt độ chính xác của từng sản phẩm lên tới từng mi-li-mét. Đây cũng chính là lý do mà nhiều công ty đã bỏ ra vài trăm nghìn USD để đầu tư cho hệ thống này.
Đa số các trường hợp đều ghi nhận mặc dù chi phí ban đầu bỏ ra khá cao, nhưng khi tính toán lại giá thành và trừ khấu hao thì cuối cùng lợi nhuận của doanh nghiệp nhận được lại cao hơn sản xuất thủ công. Như vậy, điều tương tự hoàn toàn có thể xảy đến nếu chúng ta áp dụng phương pháp "nông nghiệp tự động hóa", giúp những người xưa là nông dân và nay sẽ là những ông chủ của một trang trại rộng lớn.
Mô hình mới sẽ biến những người nông dân thành chủ trang trại, và thay vì quản lý nguồn nhân lực, họ sẽ quản lý các robot thông qua mệnh lệnh được lập trình sẵn. |
Cần nói thêm rằng đây cũng là xu thế được diễn ra trên toàn thế giới, với sự tham gia của nhiều quốc gia phát triển như Mỹ, Anh, Đức, Nhật Bản,... chứ không riêng gì những quốc gia đang bắt nhịp vào xu thế IT như Việt Nam hay các quốc gia trong cùng khu vực.
Nguyễn Nguyễn