Nâng cao giá trị kinh tế cho ngành sinh vật cảnh
Công ty TNHH Dũng Tân, TP Sông Công thu nhập từ nguồn sinh vật cảnh mỗi năm là từ 20 đến 50 tỷ đồng |
Phong trào trồng, phát triển, thưởng ngoạn và thu lợi từ sinh vật cảnh (SVC) ở các địa phương trong tỉnh đã và đang phát triển mạnh mẽ, đa dạng, từ các vườn cây nhỏ lẻ đến các trang trại sinh thái sinh vật cảnh. Không chỉ mua bán, trao đổi SVC mà hệ thống sinh thái gắn liền SVC cũng là trợ thủ đắc lực cho các mô hình du lịch tại Thái Nguyên, thu hút du khách và tạo công ăn việc làm ổn định cho nhiều lao động.
Ông Lê Văn Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Dũng Tân, TP Sông Công chia sẻ: "Sinh vật cảnh của riêng công ty tôi đến bây giờ đã giải quyết công ăn việc làm cho khoảng là 40 người lao động và hàng năm được thu về từ nguồn sinh vật cảnh là từ 20 đến 50 tỷ đồng".
Đến nay, 9/9 huyện, thành phố; 89 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh có tổ chức Hội, CLB sinh vật cảnh; 3 làng nghề SVC; 1 hợp tác xã hoa, cây cảnh; 3 câu lạc bộ chuyên ngành SVC với tổng số trên 3000 hội viên sinh hoạt. Các hội, CLB là môi trường thuận lợi để những người yêu SVC có thể giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trồng và chăm sóc SVC, từ đó có nhiều cơ hội phát triển kinh tế từ các mô hình này, đồng thời đóng góp vào các phong trào bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới tại các địa phương.
Ông Nguyễn Văn Trình, Phó Chủ nhiệm CLB Doanh nhân SVC tỉnh Thái Nguyên cho biết: "Đó là một cơ hội rất tốt để cho cán bộ và hội viên giao lưu với các nhà vườn, giao lưu với các doanh nghiệp sinh vật cảnh. Từ đó có sự học hỏi, trao đổi về kinh nghiệm, là cơ hội để mở rộng hoạt động kinh doanh sinh vật cảnh, xúc tiến đầu tư".
Ông Nguyễn Minh Tú, Chủ tịch UBND huyện Định Hoá thông tin: "Mấy năm trở lại đây khi phong trào cây cảnh của toàn quốc cũng như Thái Nguyên phát triển, lúc đầu chỉ là chơi thôi nhưng bây giờ đã trở thành hàng hóa, điều này cũng phù hợp với Định Hóa đang phát triển xây dựng nông thôn mới cũng như xây dựng đô thủ văn minh và đặc biệt nữa là đang xây dựng phong trào sáng xanh sạch đẹp của các cơ quan và đường làng ngó xóm".
Đến nay, 9/9 huyện, thành phố; 89 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh có tổ chức Hội, CLB sinh vật cảnh |
Với diện tích trồng và trưng bày SVC toàn tỉnh đạt trên 50ha, thu hút trên 3.000 lao động, Các doanh nhân, doanh nghiệp, hộ kinh doanh, nhà vườn SVC đã và đang duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định. Tổng doanh thu năm 2023 từ SVC ước đạt trên 130 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước hơn 900 triệu đồng.
Ông Dương Sơn Hà, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Thái Nguyên cho biết: "Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên đã ký quy chế phối hợp với Hội inh vật cảnh của tỉnh, trong đó tập trung phối hợp trong vấn đề chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hội viên và nông dân thuộc các hội sinh vật cảnh. Tham gia các chương trình, các dự án liên kết và kết nối và xúc tiến thương mại để tiêu thụ những sản phẩm sinh vật cảnh của tỉnh để nâng cao giá trị cho hội viên và bà con nông dân".
Thời gian tới, Hội sinh vật cảnh Thái Nguyên sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành chức năng tập trung quy hoạch vùng cho sản xuất sinh vật cảnh; Tăng cường hợp tác nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật và đào tạo lao động chuyên ngành sinh vật cảnh cùng với lồng ghép các chương trình khuyến nông để giúp các hội viên nâng cao tay nghề, phát triển mạnh nghề sản xuất kinh doanh sinh vật cảnh, đưa SVC trở thành một ngành kinh thế sinh thái có giá trị cao, đóng góp vào sự phát triển chung của địa phương./.