Nam sinh giành “cú đúp” HCV Vật lý Quốc tế ước mơ vào trường số 1 Mỹ
Thương mẹ, quyết tâm học hành thành tài
Tối 24/7, trở về từ Indonesia sau những ngày thi đấu căng thẳng, Quỳnh cười hiền tâm sự: “Cảm xúc của em là có phần may mắn và nhẹ nhõm hơn rất nhiều vì đã mang được vinh quang về cho đất nước, không phụ sự kỳ vọng của thầy cô, bạn bè”. Lần thứ hai này, chàng trai Quảng Bình mang về tấm huy chương vàng (HCV) Olympic Vật lý Quốc tế cho đoàn Việt Nam với số điểm 29,95.
Em Nguyễn Thế Quỳnh - HCV Olympic Vật lý quốc tế 2016 và 2017. |
Năm Quỳnh học lớp 9, gia đình gặp biến cố lớn khi bố em mắc bạo bệnh qua đời. Thấy cảnh mẹ một mình vất vả nuôi hai anh em ăn học, nam sinh Quảng Bình càng thêm thương mẹ và tự dặn lòng quyết tâm học hành nên người.
Hết lớp 9, Quỳnh thi đậu vào lớp chuyên Lý, trường THPT chuyên Võ Nguyên Giáp của tỉnh và liên tục khẳng định bản thân ở các kỳ thi học sinh giỏi của tỉnh, quốc gia và sau đó là khu vực và quốc tế.
Nguyễn Thế Quỳnh (thứ 3, từ trái sang) giành “cú đúp” HCV Olympic Vật lý Quốc tế hai năm liên tiếp 2016 và 2017. |
Năm lớp 11, Nguyễn Thế Quỳnh là một trong hai thí sinh giành được huy chương vàng Olympic Vật lý Quốc tế. Không chỉ vậy, cũng năm đó, trong kì thi Olympic Vật lí châu Á, Quỳnh còn từng giành được tấm huy chương Bạc và cũng là người có 1 bài thi lí thuyết đạt điểm tuyệt đối 20/20. Ngoài ra, em còn đạt huy chương vàng giải Toán trên mạng cấp Quốc gia.
Quỳnh cho biết, em “bén duyên” với môn Vật lý cũng là một sự tình cờ, bởi trước đó em thích học Toán hơn.
“Cuối năm lớp 8 em có đi học thêm Lý để thi vào đội tuyển học sinh giỏi thành phố. Lần đó đội tuyển chọn 40 thí sinh, em xếp đúng thứ 40. Sau cuộc thử sức đầu tiên với Vật Lý và xếp thứ hạng “cao nhất từ dưới lên” em trở nên yêu thích môn học này từ lúc nào không hay”, Quỳnh hóm hỉnh chia sẻ.
Quỳnh cho biết, thực ra em không có bí quyết gì nhiều trong học tập. Em chỉ học những thứ mình thích, phân phối thời gian hợp lý và không tạo cho mình áp lực nào cả. Đặc biệt, những lúc nào có hứng và đầu óc minh mẫn thì em tập trung học tối đa.
Theo chủ nhân 2 HCV Olympic Vật lý Quốc tế, quan trọng nhất là học phải hiểu và hiểu sâu vấn đề đó, không học qua loa đại khái hay mơ hồ. Khi chưa nắm chắc vấn đề thì cần phải tập trung nghiên cứu, nếu nghiên cứu không ra hay vẫn không hiểu thì có thể trao đổi với bạn bè, thầy cô. Đặc biệt, Quỳnh áp dụng phương pháp học nhóm. Đó cũng là kỹ năng em cảm thấy quan trọng và một phần dẫn đến thành công trong các cuộc thi của em. Sau mỗi giờ giảng của thầy mà cảm thấy có phần nào chưa ổn hoặc chưa hiểu thì Quỳnh và nhóm bạn ngồi tranh luận ngay
Mẹ của Quỳnh cũng “tiết lộ”, thời gian học của Quỳnh không nhiều vì con còn ham mê đọc Doremon và chơi thể thao. Mỗi ngày Quỳnh thường dành khoảng 2 tiếng để học tập.
Nam sinh Quảng Bình giành “cú đúp” HCV Olympic Vật lý Quốc tế |
"Trong cái khổ cũng có cái sướng"
Sung sướng, hạnh phúc vỡ òa, chị Trần Thị Vy Hạnh (mẹ Quỳnh) tâm sự, chị làm nghề buôn bán thịt lợn. Sau khi chồng mất, chị một mình nuôi hai con trai ăn học. Hạnh phúc lớn nhất của bà mẹ này là cả hai con đều tự giác, quyết tâm học tập.
Chồng mất, chị Trần Thị Vy Hạnh (mẹ Quỳnh) một mình mưu sinh nuôi hai con trai ăn học. |
“Ngoài học tập, con cũng rất thương mẹ, nhiều lúc tôi đi làm về vất vả thì các công việc trong gia đình Quỳnh giúp mẹ một phần những lúc mệt mỏi, nhọc nhằn. Đời tôi không mong gì hơn. Một tay nuôi các con nhưng đúng là trong cái khổ cũng có cái sướng”, chị Hạnh cười hạnh phúc.
Chị Vy Hạnh chia sẻ, con trai có ước mơ du học Mỹ: “Quỳnh bảo con muốn ước mơ vào trường khoa học kỹ thuật số 1 của Mỹ. Cô cũng không biết trường gì. Chắc Quỳnh ước mơ cũng thành sự thật”, người mẹ tin tưởng và hi vọng.
Trước mắt, Quỳnh nhập học vào trường Đại học khoa học tự nhiên. Đồng thời học tiếng Anh để chuẩn bị cho kỳ thi TOEFL và SAT. Trong quá trình học tiếng Anh em c dần dần hoàn thành hồ sơ để tìm học bổng đi du học. Và tất nhiên, “chàng trai vàng Olympic Vật lý quốc tế” vẫn sẽ tiếp tục theo đuổi đam mê Vật lý đến cùng.
Đại diện nhà trường và Sở GD-ĐT Quảng Bình ra sân bay Nội Bài đón “chàng trai vàng Vật lý” Nguyễn Thế Quỳnh. |
Khiêm tốn khi nói về những kết quả đạt được, Quỳnh tâm sự đó chỉ là những thành tích bước đầu. Chia sẻ với PV Dân trí, Quỳnh “tiết lộ”, ngôi trường đại học em mơ ước đặt chân đến để viết tiếp đam mê Vật lý là Viện công nghệ kỹ thuật số 1 thế giới MIT (Massachusetts Institute of Technology). Đây là trường đại học chiếm giữ ngôi quán quân trong danh sách các trường kỹ thuật tốt nhất nước Mỹ, nổi tiếng về nghiên cứu đào tạo các ngành Khoa học Vật lý nói riêng và kỹ thuật nói chung; đồng thời nơi sản sinh ra rất nhiều chủ nhân giải Nobel.
Học trò “hiếm” của trường, của tỉnh
Thầy Hoàng Thanh Cảnh, Hiệu trưởng trường THPT Chuyên Võ Nguyên Giáp (Quảng Bình) nhận xét: "Quỳnh rất ngoan, chăm học nhưng cũng đặc biệt là em không đặt áp lực nặng nề, học mà chơi chơi mà học. Chúng tôi vô cùng vui mừng, phấn khởi, tự hào vì quê hương rất nghèo khó có học sinh đạt HCV ở đấu trường trí tuệ quốc tế. Trong lĩnh vực Vật lý nhà trường có 3 giải tầm cỡ quốc tế và khu vực. Và 2 HCV Olympic Vật lý quốc tế đều do em Quỳnh mang về, năm ngoái thi tại Thụy Sĩ Quỳnh cũng xuất sắc đạt HCV".
Thầy Nguyễn Phượng Hoàng, giáo viên chủ nhiệm lớp 12 Chuyên Lý - Trưởng Bộ môn Vật lý trường THPT Chuyên Võ Nguyên Giáp (Quảng Bình) cho rằng, Quỳnh là học trò “hiếm” mang về kỳ tích cho nhà trường nói riêng và tỉnh nhà nói chung: "Tôi là chủ nhiệm em Quỳnh từ năm lớp 10 đến lớp 12. Đầu năm lớp 10 khi học khoảng 2 tháng thì thầy cô nhận thấy tố chất của em Quỳnh thông minh và khả năng vận dụng giải bài toán Vật lý rất tốt. Nhà trường từ đó có hướng bồi dưỡng cho Quỳnh, khi hướng dẫn các chuyên đề em cũng hoàn thành tốt. Càng vào những bài khó em càng hoàn thành tốt hơn.
Ngoài học tập thì Quỳnh là cậu học trò nhanh nhạy, vui vẻ và có những nét nghịch ngợm, hài hước rất đúng tuổi học trò. Đáng quý là em phát triển rất tự nhiên, không gò ép hay cố đặt mục tiêu thành tích. Quỳnh vừa học vừa chơi, vừa tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa. Công tác ở trường 18 năm, có nhiều em học sinh giỏi nhưng để được tố chất như em Quỳnh thì tôi cho rằng, cực kì hiếm", thầy Hoàng nhấn mạnh.