Muốn có hộ khẩu ở TP HCM, mỗi người phải ở trên 20m2 nhà
Sở Xây dựng TP HCM vừa đưa ra dự thảo diện tích nhà bình quân tối thiểu để nhập hộ khẩu vào nhà do thuê, ở nhờ, mượn của người khác trên địa bàn là 20m2/người (so với mức cũ là 5m2/người) nhằm phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của thành phố theo từng thời kỳ.
Tuy nhiên, nhiều người cho rằng mức quy định của dự thảo này là yêu cầu quá cao so với điều kiện sống của đa số người dân nhập cư trên địa bàn thành phố hiện nay. Đồng thời sẽ phát sinh nhiều hệ lụy.
Nhiều căn phòng trọ tại TPHCM chỉ có diện tích hơn 10m2. |
Gia đình chị Nguyễn Thị Hiếu (quê ở Bến Tre) có 4 người hiện đang thuê phòng trọ rộng khoảng 20m2 trên đường Lũy Bán Bích, quận Tân Phú, TP HCM với giá 2,5 triệu đồng/tháng. Căn phòng vừa đủ để hai vợ chồng và hai đứa con nhỏ của chị Hiếu sinh hoạt phù hợp với tổng thu nhập hơn 10 triệu đồng/tháng.
Vợ chồng chị Hiếu dự định đăng ký hộ khẩu thường trú để tiện cho con đi học. Với điều kiện hiện tại thì gia đình chị đủ khả năng, nhưng theo quy định của dự thảo mới của Sở Xây dựng đòi hỏi phải có diện tích chỗ ở bình quân 20m2/người thì chị Hiếu không thể đáp ứng được. Điều này ít nhiều sẽ gây khó khăn cho cuộc sống của gia đình chị Hiếu.
"Lương của gia đình tôi có 4 người chỉ hơn 10 triệu/tháng. Theo điều kiện như thế gia đình chúng tôi không có đủ điều kiện đăng ký thường trú ở đây để cho mấy đứa nhỏ đi học. Như vậy, chúng tôi cũng rất khó khăn trong việc sinh sống ở TP.HCM", chị Hiếu than thở.
Theo Sở Xây dựng TP HCM, quy định diện tích tối thiểu bình quân 20m2/người đã được Sở Tư pháp, Sở Xây dựng và Công an thành phố thống nhất lựa chọn, lấy từ tiêu chí phấn đấu được đặt ra trong nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP HCM lần thứ 10: Đến năm 2020, tổng diện tích nhà ở xây dựng mới đạt 40 triệu m2 và diện tích nhà ở bình quân đầu người đạt 19,8m2/người.
Đây cũng là chỉ tiêu diện tích bình quân nhà ở trên đầu người vào năm 2020 theo dự thảo chương trình phát triển nhà ở của thành phố giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến 2025.
Vì vậy, việc ban hành quy định diện tích bình quân tối thiểu để nhập hộ khẩu vào thành phố là cần thiết, bảo đảm quyền cư trú của công dân và bảo đảm chất lượng sống tối thiểu ở TP HCM.
Đồng thời đáp ứng yêu cầu từng bước phát triển đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và nhà ở phù hợp với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, nâng cao hiệu quả công tác quản lý cư trú, an ninh trật tự, góp phần nâng cao chất lượng đời sống của người dân.
Tuy nhiên, theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật Gia TP HCM, việc tăng diện tích chỗ ở bình quân đầu người trong dự thảo của Sở Xây dựng rất khó thực hiện trong thực tế. Bởi, người dân nhập cư đến thành phố không phải vì muốn được đăng ký hộ khẩu thường trú mà vì họ muốn tìm được việc làm, tìm được cơ hội khởi nghiệp phát triển.
Họ chỉ đăng ký hộ khẩu thường trú vì những mục đích khác như để con đi học thuận tiện hơn hoặc để được vay tiền ngân hàng...
Luật sư Nguyễn Văn Hậu. |
Việc tăng điều kiện được đăng ký hộ khẩu vào thành phố không hẳn ngăn được dòng người nhập cư từ các tỉnh. Do vậy, việc đặt ra tiêu chuẩn quá cao để đăng ký hộ khẩu thường trú không những không ngăn được nhập cư mà còn làm cho người nhập cư muốn có hộ khẩu thành phố phải lách luật.
Người dân có thể thuê nhà rộng để ở đủ thời gian đăng ký hộ khẩu, rồi sau đó thuê lại nhà nhỏ hơn, hoặc sau khi đăng ký vào chỗ cho ở nhờ, người có hộ khẩu sẽ chuyển đi chỗ khác. Điều này sẽ làm việc quản lý trật tự xã hội thêm khó khăn.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho biết: “Chúng tôi thấy rằng tiêu chí đặt ra là đúng nhưng tôi băn khoăn với biện pháp này đưa ra trong thực tế vẫn còn nhiều vấn đề bất cập. Chúng ta nên có biện pháp khác, đó là chúng ta có mã số định danh thì nó mới phù hợp với cuộc sống hiện nay của người dân”.
Theo khảo sát hiện nay, hầu hết các dãy trọ, nhất là tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn TP có diện tích sàn phòng trọ chỉ khoảng 15 đến 20m2.
Mỗi phòng trọ thường có từ 2 người độc thân hoặc gia đình từ 3-4 người cùng ở.
Nếu quy định mức diện tích bình quân 20m2/người sẽ gây khó khăn cho người dân muốn đăng ký thường trú tại thành phố. Đồng thời sẽ làm rối thêm công việc của xã hội, cơ quan Nhà nước phải tiến hành thêm việc xác nhận diện tích nhà ở cho người dân.../.