Mùa Đông ở miền Bắc có biến mất trong vài năm tới?
Mùa Đông ở miền Bắc sẽ không biến mất ít nhất là 50-100 năm tới (Ảnh minh họa: Hữu Nghị). |
Liên quan đến nội dung trên, phóng viên Dân trí đã có cuộc trao đổi trực tiếp với các chuyên gia khí tượng của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương.
Theo ông Hoàng Phúc Lâm, Trưởng phòng Dự báo khí tượng hạn vừa và hạn dài cho biết, mùa Đông năm 2016 được đánh giá là ấm hơn trung bình nhiều năm (TBNN), riêng tháng 12/2016 nhiệt độ tăng khoảng 3 độ C so với TBNN.
Theo ông Lâm, sở dĩ mùa Đông 2016 người dân cảm thấy không lạnh là do các đợt không khí lạnh (KKL) tăng cường thường xuống khá sâu, do đó, thời tiết miền Bắc chỉ rét về đêm, còn ban ngày trời quang mây và nắng. Đến thời điểm hiện tại (tính đến ngày 13/1/2017), miền Bắc mới chỉ xuất hiện rét đậm trong đêm và ngày 12/1, do có mưa kết hợp với KKL tăng cường nên nhiệt độ ban ngày, ban đêm đều xuống thấp.
“Chúng ta không phải lo lắng liệu mùa Đông ở miền Bắc có biến mất hay không. Như chúng ta đã biết, đầu năm 2016 thời tiết ở miền Bắc khá dị thường, băng tuyết xuất hiện ở nhiều nơi; do đó, sẽ có năm thế này, năm thế khác và mùa Đông năm 2017 vẫn cảm thấy lạnh bình thường” – ông Lâm nhận định.
Cũng liên quan đến nội dung trên, ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, khẳng định: Mùa Đông ở miền Bắc sẽ không biến mất ít nhất trong vòng 50-100 năm tới. Do biến đổi khí hậu, thời gian tới nhiệt độ có tăng lên, nhưng thực tế thường mùa Đông sẽ vẫn lạnh hơn các mùa trong năm.
Vẫn theo ông Cường, trong năm 2016, KKL ở miền Bắc xuất hiện khá nhiều đợt so với các năm trước. Tuy nhiên, đặc điểm của KKL năm 2016 hơi yếu so với các năm gần đây, lại đi lệch về phía Đông một chút và đi sâu xuống phía Nam; do đó đã xảy mưa liên tiếp ở các tỉnh dọc miền Trung nước ta, kéo dài suốt từ tháng 10 đến tháng 12/2016. KKL tác động đến miền Bắc ít hơn, do đó người dân cảm thấy mùa Đông năm 2016 khá ấm áp, nhưng không hẳn năm nào cũng giống nhau.