Mua bản quyền sách nước ngoài Cuộc đua của các đơn vị xuất bản
Để sở hữu những đầu sách hay, hấp dẫn, đặc biệt là sách của các tác giả nước ngoài đang được độc giả mong đợi thì cuộc đua giữa các nhà xuất bản, công ty sách trong việc tìm, mua bản quyền được xem là những bước đi âm thầm và quyết liệt. Đó cũng là hành trình để hướng tới sự chuyên nghiệp và được xem là công đoạn quan trọng bậc nhất của hoạt động xuất bản.
Gặp gỡ, trao đổi bản quyền sách nước ngoài tại Hội sách Hà Nội 2016. |
Tháng 10/2015, khi nhà văn Svetlana Alexievich nhận giải Nobel văn học thì trước đó một tháng, Công ty sách Tao Đàn đã mua trọn bản quyền xuất bản trong 7 năm để giới thiệu cuốn sách "Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ" tại Việt Nam với giá 700 USD. Nếu chọn sai thời điểm chắc chắn số tiền bỏ ra mua bản quyền có thể gấp đôi, gấp ba so với hiện tại. Điều đó cho thấy sự nhạy bén của các đơn vị làm sách trong việc nắm bắt thời cơ, chọn ấn phẩm tốt và chọn thời điểm phát hành.
Các đơn vị làm sách, nhà xuất bản đều có đội ngũ khai thác bản quyền, chuyên tìm kiếm nguồn sách ở các nước có ngành xuất bản phát triển. Họ theo dõi các giải thưởng hàng năm như giải Nobel Văn học, giải Pulitzer hay các tác giả đang gây chú ý với danh mục sách bán chạy trên thế giới, từ đó liên hệ với đối tác để thương lượng mua bản quyền. Hàng tốt thường đông người muốn mua! Thách thức ban đầu mà các đối tác nước ngoài đặt ra là uy tín, số lượng đầu sách phát hành hàng năm và khả năng kiểm soát ấn bản trên thị trường...
Bà Trần Hải Ngọc, Phó Giám đốc Công ty Văn hóa Đinh Tị cho biết: "
Thời gian đầu, công ty nào cũng khó khăn cả. Chúng tôi cũng không ngoại lệ. Chúng tôi cũng phải có nhiều cách, phải chờ đợi, đi qua những đại lý, người trung gian. May thì 1-2 tuần, còn 1-2 tháng là chuyện bình thường. Thực ra không cố định ở một nước nào cả. Chúng tôi thường tìm đến các thị trường như Anh, Pháp, Mỹ Nhật. Các đơn vị xuất bản Việt Nam đã mở rộng sang những nền xuất bản mới như Hàn Quốc, Thái Lan".
Khai thác bản quyền sách nước ngoài là hành trình không chỉ đem lại lợi ích kinh doanh trước mắt mà đòi hỏi phải có cái nhìn xa cho thị trường xuất bản Việt Nam. Sau khi mua bản quyền từ Nhà xuất bản PlayBac (Pháp) bộ sách "Em thích giỏi toán" dành cho học sinh mẫu giáo và tiểu học, Công ty sách Long Minh đã Việt hóa thành công ấn phẩm này đồng thời kí hợp đồng bán bản quyền 3 quyển sách toán tiếng Anh cho nhà xuất bản Clever Media (Liên bang Nga) và mang đi giới thiệu tại Hội sách quốc tế Frankfut, Đức. Như vậy, từ việc khai thác một bộ sách bản quyền nước ngoài, Công ty sách Long Minh đã tạo nên sức ảnh hưởng và hi vọng bước đầu về con đường xuất khẩu sách Việt ra thế giới.
Bộ sách "Dép thông minh" thuộc bộ sách "Em thích giỏi toán" là kết quả hợp tác của Công ty sách Long Minh với nhà xuất bản Play Bac (Pháp). |
Ông Đỗ Hoàng Sơn, Giám đốc Công ty cho biết: Thành công này cũng chứng minh quá trình tìm kiếm và khai thác có hiệu quả sách bản quyền nước ngoài, để không chỉ nhập khẩu sách một cách cơ học: "
Khảo sát để đưa ra quyết định xuất bản một cuốn sách nước ngoài có rất nhiều rào cản. Thị trường xuất bản trên thế giới rất rộng mở, là thị trường của 7 tỷ dân nên sự lựa chọn phong phú, đa dạng vô cùng. Nhìn chung những nước bán bản quyền là những nước lớn. Khi chúng tôi làm việc này, nhiều người nghĩ đó là việc ảo tưởng. Vì thế chúng tôi cố gắng xem việc đó như một việc khó và phải có một nhóm làm việc có tri thức, có hiểu biết tiếng Anh rất ngọn ngành".
Hàng năm, mỗi nhà xuất bản, công ty sách có thể cho ra mắt bạn đọc trong nước hàng trăm đầu sách được mua bản quyền từ nước ngoài. Trong môi trường cạnh tranh khốc liệt, những biên tập viên khai thác bản quyền được ví như những người thợ âm thầm. Việc hỗ trợ của các nhà quản lý xuất bản đối với lĩnh vực này mới dừng lại ở mức ban đầu, bằng cách mời các đơn vị xuất bản nước ngoài tham gia hội sách tại Việt Nam.
Tuy nhiên, công việc này còn nhiều hạn chế bởi chúng ta chưa thực sự có tiếng vang trên thị trường xuất bản thế giới. Đơn cử như tại Hội sách Hà Nội 2016 mới đây, với sự tham gia của 20 đơn vị xuất bản nước ngoài thì mới có 25 cuộc gặp gỡ, trao đổi bản quyền. Tuy nhiên đây không phải là những cuộc gặp gỡ trực tiếp mà phải thông qua 1 đại diện cho các nhà xuất bản nước ngoài để giao dịch.
Bà Phan Lan Tú, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cho rằng: Để có được con số khá khiêm tốn như vậy, việc mời các đối tác cũng không phải là chuyện dễ dàng.
Bà Tú cho biết: "Để mời họ tham gia hội sách thì công tác chuẩn bị phải rất lâu. Bên Sở Thông tin và Truyền thông cũng phải có đầu mối là các công ty chuyên phục vụ vấn đề giao dịch bản quyền. Qua đầu mối đó mới tiếp xúc được với các nhà sách. Thứ hai là phải thông qua các Hiệp hội xuất bản của các nước thì mới có thể tiếp cận được với các nhà sách. Thứ ba là cũng có một số nhà sách có đại diện tại Việt Nam. Thông qua văn phòng đại diện và hiệp hội xuất bản của Việt Nam để tiếp cận với họ".
Chuyện mua bản quyền không còn xa lạ với các nhà xuất bản nhưng để hướng tới sự chuyên nghiệp thì còn lắm gian nan. Làm sao để sở hữu những đầu sách hay, có bản quyền rõ ràng và giá sách không bị đẩy lên quá cao là vấn đề mà các đơn vị làm sách luôn phải đối mặt. Điều đó càng không dễ với những nhà làm sách có uy tín và không chỉ là sự cạnh tranh nội bộ mà còn được ví như canh bạc khi đối diện với nạn sách lậu đang hoành hành./.