Một doanh nghiệp du lịch vi phạm Luật Cạnh tranh
Theo Đơn khiếu nại của Công ty AB Tours (trụ sở tại 21, khu Biệt thự 86B Trần Phú, Phường Lộc Thọ, Thành phố Nha Trang, Tỉnh Khánh Hòa gửi Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương) với nội dung: Công ty Ánh Dương (có trụ sở tại Số 42, Lô E, 40 Đường Bà Huyện Thanh Quan, Phường 6, Quận 3, TP HCM) là đối tác của tập đoàn Pegas Touristik (có trụ sở tại số 21 Phố Hannover, TP London, Vương quốc Anh) đã ký hợp đồng độc quyền sử dụng phòng với các khách sạn ở Nha Trang, Phan Thiết, Phan Rang và đảo Phú Quốc, phục vụ du khách du lịch Nga đến Việt Nam, điều này làm hạn chế cạnh tranh đối với Công ty AB Tours.
Cụ thể, Công ty Ánh Dương đã ký kết và thực hiện hợp đồng với khách hàng trong đó có quy định: Các khách sạn tại các thành phố chỉ được nhận khách du lịch từ Nga, Ukraine và các nước khác thuộc khối CIS do Ánh Dương cung cấp.
Du khách Nga trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, TP Nha Trang. (Ảnh: Báo Tuổi trẻ) |
Do đó, nhiều khách sạn đã từ chối khách do Công ty AB Tours và các công ty Du lịch lữ hành khác đưa đến mặc dù còn trống phòng. Trong hợp đồng ký giữa Ánh Dương với 43 khách sạn trên địa bàn Khánh Hòa còn có những nội dung mang tính chất hạn chế cạnh tranh.
Sau khi tiếp nhận hồ sơ và kết luận điều tra của Cục trưởng Cục Quản lý Cạnh tranh, ngày 31/3/2016, Chủ tịch Hội đồng cạnh tranh đã ban hành Quyết định thành lập Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh để xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh và đã có kết luận chính thức.
Theo đó, Công ty Ánh Dương có vị trí thống lĩnh trên thị trường dịch vụ lữ hành đối với khách Nga, Ukraine và các nước khác trong khối CIS vào Việt Nam tại tất cả các điểm du lịch trên toàn quốc.
Công ty Ánh Dương đã có hành vi buộc doanh nghiệp khác chấp nhận các nghĩa vụ không liên quan trực tiếp đến đối tượng của hợp đồng; buộc các khách sạn phải chấp nhận những nghĩa vụ không liên quan trực tiếp đến đối tượng của hợp đồng bởi đối tượng của hợp đồng cung cấp phòng chính là dịch vụ lưu trú được thực hiện thông qua việc thuê phòng khách sạn.
Đặc biệt, Công ty Ánh Dương đã có hành vi ngăn cản việc tham gia thị trường của những đối thủ cạnh tranh mới, thông qua việc yêu cầu các khách sạn chỉ được nhận đặt phòng cho du khách Nga, Ukraine và các nước trong khối CIS bay bằng chuyên cơ/chuyến bay thuê bao riêng của Công ty Ánh Dương đến Cam Ranh, Đà Nẵng - Việt Nam, khách sạn không được phép kí kết hợp đồng với các công ty đối thủ của Pegas cung cấp dịch vụ bay từ Nga tới cảng Cam Ranh.
Ngoài ra, Công ty Ánh Dương đã ngăn cản việc gia nhập thị trường của doanh nghiệp khác, bao gồm cả các đối thủ cạnh tranh mới. Đây là hành vi quy định tại khoản 1 Điều 31, Nghị định số 116/2005/NĐ-CP, bị cấm tại khoản 6 Điều 13 Luật Cạnh tranh.
Trên cơ sở Công ty Ánh Dương đã tự nguyện chấm dứt hành vi và loại bỏ các điều khoản vi phạm trong các hợp đồng bị khiếu nại và bên khiếu nại tự nguyện rút đơn khiếu nại vụ việc cạnh tranh gửi Hội đồng Cạnh tranh và Cục Quản lý cạnh tranh; ngày 30/12/2016, Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh đã ban hành Quyết định số 10/QĐ-HĐCT giải quyết vụ việc cạnh tranh theo điểm b khoản 1, Điều 101, Luật cạnh tranh.
Sau thời hạn 30 ngày kể từ ngày ký Quyết định, không có bên nào khiếu nại Quyết định của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh. Công ty Ánh Dương đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp tiền vào Ngân sách Nhà nước.
Quyết định xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh trong lĩnh vực du lịch này của Hội đồng Cạnh tranh có ý nghĩa rất lớn đối với hoạt động du lịch lữ hành đón khách quốc tế nói riêng và hoạt động xuất khẩu dịch vụ của Việt Nam nói chung, góp phần nâng cao nhận thức về pháp luật cạnh tranh của các doanh nghiệp./.