Một bộ phận người dân còn chủ quan trong phòng, chống dịch COVID-19
Rất dễ bắt gặp trên đường phố những hình ảnh cho thấy sự chủ quan của một bộ phận người dân trong phòng, chống dịch COVID-19.
Những người bán hàng rong, người bán vé số, thậm chí là những người bán hàng nước ven đường…, mỗi ngày đều tiếp xúc với rất nhiều khách hàng. Thế nhưng, dường như không ai quan tâm tới việc đeo khẩu trang phòng dịch. Nhiều thanh thiếu niên tập trung ngồi uống trà đá vỉa hè ở cự ly rất gần..., nhưng cũng không mảy may quan tâm tới việc đeo khẩu trang... Đây đều là những hình ảnh rất dễ bắt gặp ngay trong những ngày toàn quốc đang tập trung cao độ ứng phó với những diễn biến trong làn sóng thứ 2 của đại dịch COVID-19 và nguồn lây trong cộng đồng được đánh giá là rất phức tạp.
Ông Nguyễn Văn Trường, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Nguyên cho biết: “Sự biến chủng của COVID-19 đang rất phức tạp. Trong các nghiên cứu trước đây, quy luật chung của phát triển virus ủ bệnh trong vòng khoảng 14 ngày, nhưng hiện nay, thực tế đã có những bệnh nhân trên 14 ngày, tới tận 24-25 ngày vẫn có thể phát bệnh và nhiều trường hợp xét nghiệm nhiều lần mới phát hiện ra virus. Đồng thời, cũng có nhiều nghiên cứu, người ta cũng đã phát hiện ra rằng, tỷ lệ người lành mang chủng, tức là mang mầm bệnh virus nhưng không phát hiện thể hiện ra bệnh thì chiếm khoảng độ 6-18%. Do vậy, những người như này phát tán virus ra cộng đồng rất là nguy hiểm. Một trong những nghiên cứu khác, người ta cũng thấy rằng là khi một người nhiễm virus, khi ho, khi hắt hơi một lần có thể bắn ra môi trường xung quanh khoảng độ 3.000 giọt bắn li ti, những giọt bắn đó đều chứa virus COVID-19. Những giọt bắn lớn có thể rơi xuống bề mặt, mặt sàn, những giọt nhỏ li ti có thể lơ lửng trong không khí trong vài giờ đồng hồ. Và người ta cũng phát hiện ra, các phòng ở khách sạn, nhà hàng, quán ăn…, khi có những người mang COVID-19 hắt hơi, thì trong không khí đều có những giọt bắn lơ lửng mang virus”.
Trước tình hình này, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Thái Nguyên đã yêu cầu người dân khi ra khỏi nhà, đến chỗ đông người, nơi công cộng phải đeo khẩu trang. Ghi nhận tại các siêu thị, bến xe, nơi tập trung đông người, phần lớn người dân đã chủ động thực hiện các biện pháp sát khuẩn và đeo khẩu trang để phòng dịch. Song bên cạnh đó, vẫn còn một bộ phận người dân còn lơ là, chủ quan trong thực hiện phòng dịch. Theo đại diện các cơ quan y tế, việc đeo khẩu trang đóng vai trò to lớn việc hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Ông Nguyễn Văn Trường, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Nguyên nhấn mạnh: “Đeo khẩu trang có tác dụng rất lớn. Với những người mang mầm bệnh, nó hạn chế khi mà nói chuyện, khi mà ho, hắt hơi, ngắn phát tán virus ra môi trường xung quanh. Và những người lành khi đeo khẩu trang thì cũng giảm thiểu rất nhiều nguy cơ hít phải những giọt bắn có chứa virus COVID-19. Do vậy, ngành y tế Thái Nguyên cũng khuyến cáo với mọi người dân là nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh, nên đeo khẩu trang khi đi ra khỏi nhà, khi đến nơi công cộng, trên các phương tiện công cộng, nhà hàng, khách sạn, những nơi tập trung đông người”.
Mọi hành vi vi phạm các quy định về phòng chống dịch, trong đó có việc không chấp hành đeo khẩu trang nơi công cộng theo yêu cầu công tác phòng chống dịch sẽ bị xử lý theo quy định. Đeo khẩu trang nơi công cộng - một việc làm đơn giản, nhưng lại có hiệu quả tích cực trong việc phòng chống đại dịch COVID-19. Bảo vệ mình trong lúc này cũng chính là bảo vệ gia đình và toàn cộng đồng./.