Mô hình viện nghiên cứu tài chính đẳng cấp quốc tế của Giáo sư 31 tuổi
Trong số 500 kiều bào là các doanh nhân, trí thức tiêu biểu về dự Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài do Bộ Ngoại giao và UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức tại thành phố mang tên Bác, GS.TS Nguyễn Xuân Hải là một trong những người trẻ tuổi nhất.
Từ giấc mơ giảng đường …
Chàng trai Nguyễn Xuân Hải sinh năm 1985 tại Hà Nội, hiện đang giữ vị trí Giáo sư dự khuyết tại Đại học Trung Hoa của Hong Kong (Trung Quốc). Trở về Việt Nam lần này, không chỉ để chứng kiến sự đổi thay của đất nước, mà cậu học trò của trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam năm xưa còn mang theo một giấc mơ lớn là góp phần đưa Việt Nam sớm trở thành một trung tâm tài chính mới của thế giới.
GS.TS Nguyễn Xuân Hải trong một buổi trao đổi về chủ đề "Phân tích cải cách luật tài chính Mỹ: Lịch sử từ góc nhìn của lý thuyết trò chơi", do Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright tổ chức. |
Từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Hải đã sớm định hướng theo con đường nghiên cứu khoa học trong môi trường học thuật chuyên nghiệp. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, Hải giành được học bổng toàn phần chương trình đại học tại Đại học Tennessee, bang Tennessee, Mỹ. Đây là nơi chàng trai trẻ gặt hái được những thành công đầu tiên và nhen nhóm khát vọng kiến tạo những giá trị xã hội lớn lao.
Với tấm bằng cử nhân loại ưu chuyên ngành toán và kinh tế, Nguyễn Xuân Hải tiếp tục theo đuổi chương trình Tiến sĩ Kinh tế tại Đại học danh tiếng thế giới Johns Hopkins (Mỹ). Trong quá trình nghiên cứu thực hiện luận án tiến sĩ, Hải đồng thời hoàn thành chương trình Thạc sĩ Khoa học chuyên ngành Toán tại Đại học Tennesse và tham gia giảng dạy tại cả hai trường trên trong vai trò giảng viên (lecturer).
Lĩnh vực nghiên cứu chính của TS Hải bao gồm ngân hàng, tài chính và các vấn đề liên quan đến luật và chính sách ngân hàng, tài chính. Các nghiên cứu của Hải vận dụng lý thuyết trò chơi, lý thuyết hợp đồng và các lý thuyết liên quan, để phân tích các thất bại thị trường và đưa ra những chính sách hợp lý nhằm xử lý và hạn chế những thất bại đó.
Sau khi bảo vệ thành công luận văn tiến sĩ, chàng trai người Hà Nội đã được Đại học Trung Hoa nổi tiếng của Hong Kong (Trung Quốc) mời về giảng dạy và bổ nhiệm vị trí Giáo sư dự khuyết. Ngoài công việc giảng dạy, nghiên cứu tại trường hiện tại, tiến sĩ Hải luôn chủ động xây dựng quan hệ với các trường và viện tài chính nổi tiếng trên thế giới, bao gồm cả ở Mỹ, Australia, Nhật Bản và Hong Kong (Trung Quốc), để làm cầu nối đưa về Việt Nam những mô hình quản lý giáo dục tiên tiến, phù hợp với điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội nước nhà. Mặt khác, tận dụng những kỳ nghỉ, Nguyễn Xuân Hải cũng thường xuyên trở về quê hương để tìm hiểu và trải nghiệm một Việt Nam đang không ngừng đổi mới.
…. Đến hình hài Viện nghiên cứu tài chính đẳng cấp quốc tế
Với hơn 10 năm học tập, nghiên cứu và làm việc trong những môi trường học thuật hàng đầu thế giới, TS Hải đã dần định hình được hoài bão mơ hồ năm xưa, xây dựng thành một đề án về một học viện nghiên cứu tài chính đẳng cấp quốc tế được mở tại Việt Nam.
Học viện được xây dựng nhằm thực hiện ba nhiệm vụ trọng tâm. Thứ nhất: Phát triển một môi trường hiệu quả cho hoạt động kiến tạo và phổ biến tri thức về tài chính. Thứ hai: Thực hiện phân tích các chính sách về tài chính dựa trên các nghiên cứu sẵn có, và/hoặc các nghiên cứu lý thuyết, thực nghiệm với tiêu chuẩn quốc tế. Thứ ba: Cung cấp các hoạt động đào tạo sau đại học và các lớp học với trọng tâm về tài chính và các chủ đề có liên quan đến tài chính.
Lý giải cho ý tưởng của mình, chàng tiến sĩ trẻ chia sẻ “Để Việt Nam khẳng định được mình trong lĩnh vực nghiên cứu tài chính và đặt nền tảng xây dựng những trung tâm tài chính tầm khu vực và quốc tế, chúng ta cần một mô hình Học viện tài chính tiên tiến và theo chuẩn quốc tế. Các nước phát triển đều đã sớm chú trọng tạo điều kiện phát triển cho các trường, viện nghiên cứu tài chính, nhằm nắm bắt được cơ chế vận hành của tiền tệ, các phương thức và mô hình đầu tư tiên tiến trong một thế giới luôn luôn thay đổi. Các nước đang phát triển, bao gồm cả các nước trong khu vực, cũng đã nhận ra và nhanh chóng đón đầu xu thế này. Ví dụ như ở thành phố Thượng Hải (Trung Quốc), Học viện Tài chính Cao cấp Thượng Hải vừa được xúc tiến đưa vào hoạt động vào năm 2008, nay đã trở thành một trong những viện tài chính hàng đầu trên thế giới và trong khu vực, thu hút các giáo sư tiến sĩ hàng đầu đến tham gia nghiên cứu và đào tạo nhân sự cho chính nền tài chính Thượng Hải. Mong muốn của tôi là tham gia xây dựng một trong những viện tài chính đẳng cấp quốc tế đầu tiên như vậy tại Việt Nam, tạo tiền đề cho nhiều trường, viện khác về sau”.
Mô hình mà Hải và các cộng sự đang cố gắng xây dựng, về cơ bản, không phải là mô hình mới trong loại hình tổ chức này trên trường quốc tế. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng mô hình, Hải sẽ hướng tới việc xác định và kết hợp những yếu tố thành công từ các học viện khác, điều chỉnh chúng cho phù hợp với điều kiện chính trị, xã hội và kinh tế của Việt Nam. Cụ thể, học viện sẽ được xây dựng trên cơ sở đảm bảo các nguyên tắc sau:
Một là bảo đảm lợi ích cho tất cả các bên tham gia, bao gồm cả chính quyền, nhà đầu tư, đối tác nước ngoài, đội ngũ học giả trong nước và quốc tế, và cả những người tham gia các khoá đào tạo chuyên ngành;
Hai là xây dựng mô hình phi lợi nhuận, chú trọng kiểm soát chất lượng khoa học, nhưng sẽ được điều hành như một mô hình kinh doanh;
Ba là bảo đảm dòng chảy thông tin và quan hệ mật thiết giữa Viện và chính quyền thành phố, Viện và giới khoa học, và Viện và giới tài chính ngân hàng;
“Và cuối cùng là phải bảo đảm chất lượng khoa học cấp quốc tế, chất lượng, chất lượng và chất lượng”, TS Nguyễn Xuân Hải khẳng định.
Để xây dựng được một Học viện Tài chính cấp quốc tế như mong muốn, Nguyễn Xuân Hải hiểu chắc chắn rằng mình và các cộng sự còn cần phát triển và bổ sung đề án nhiều hơn nữa. Hải cho biết anh đã liên tục chỉnh sửa và phát triển mô hình này qua việc tham vấn ý kiến nhiều vị giáo sư tiến sĩ tài chính ở trong nước và nước ngoài, nhiều vị lãnh đạo các viện tài chính khác nhau trên thế giới, cũng như những góp ý tích cực từ nhiều cán bộ các ban ngành, các cấp khác nhau tại Việt Nam.
“Tôi tin rằng mô hình đang đi đúng hướng và có tính khả thi cuối cùng rất cao”, Hải khẳng định.
Song, Học viện tài chính này sẽ lấy nguồn kinh phí từ đâu trong khi đất nước vẫn còn nhiều khó khăn?! Bàn về vấn đề này, TS Hải cho biết sẽ huy động kinh phí theo hai giai đoạn: ngắn đến trung hạn, và dài hạn. Sự thành công ban đầu của dự án sẽ phụ thuộc vào việc tụ họp được bốn yếu tố: sự bảo trợ của chính quyền thành phố, sự cộng tác của một Học viện Tài chính cao cấp danh tiếng trên trường quốc tế, sự hợp tác của một trường đại học của Việt Nam và sự hỗ trợ của một doanh nghiệp đối tác. Mỗi yếu tố sẽ có những đóng góp khác nhau về nguồn kinh phí ban đầu để đưa Viện tài chính này vào hoạt động.
Chàng tiến sĩ trẻ bật mí: “Hiện tại, một số viện tài chính nổi tiếng trên thế giới đã thể hiện sự quan tâm rõ ràng vào dự án này, ví dụ như Viện Tài chính Quốc tế của trường Đại học New South Wales của Australia. Tôi và các cộng sự cũng đang đàm phán với một số đối tác kinh doanh, và một số trường đại học của Việt Nam. Chúng tôi đang tiếp tục tìm hiểu và huy động sự ủng hộ của chính quyền thành phố”.
Về lâu dài, Viện sẽ được quản lý như một mô hình kinh doanh. Nói cách khác, nó sẽ phải nuôi chính nó qua việc đào tạo đội ngũ nhân sự cao cấp cho ngành tài chính, tránh việc phải gây khó khăn về tài chính cho chính quyền địa phương và các bên liên quan.
TS Nguyễn Xuân Hải tự tin khẳng định: “Trong quá trình áp dụng và vận hành, tôi tin chắc sẽ có những khó khăn mà tôi chưa lường hết được. Tuy nhiên, tôi tin rằng với sự ủng hộ của các cấp chính quyền, với những đối thoại liên tục, cởi mở giữa các bên tham gia, dự án sẽ dần dần hình thành như mong muốn, đóng góp vào việc phát triển ngành giáo dục đào tạo, ngành tài chính trong nước, và sự phát triển của Việt Nam nói chung”./.