Mẹ ốm yếu, con đần độn vì... thuốc cam
Chăm sóc cho bệnh nhân bị nhiễm độc chì tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Võ Thu |
Hàm lượng chì trong máu cao gấp 70 lần cho phép
Chị Phạm Thị N (30 tuổi, ở Xuân Trường, Nam Định) bị nhiệt miệng, đau lưỡi từ nhiều năm nay. Cách đây hơn 4 - 5 năm, chị thường bị đau vùng miệng nên đã mua một vài gói thuốc cam của người cùng xã về dùng. Mỗi năm chị dùng vài đợt, mỗi đợt vài ngày. Khi dùng thuốc cam được 2 năm, chị N có thai. Đến nay, cháu bé đã được hơn 2 tuổi.
Tháng 7- 8 vừa qua, chị thấy cơn đau tăng nên dùng thuốc nhiều hơn. Đầu tháng 9, chị cảm thấy buồn nôn, mệt mỏi, đau bụng. Nghi đau dạ dày nên đi khám tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định. Chị làm xét nghiệm máu và được biết trong thành phần máu có vấn đề, thiếu máu. Chị lại tiếp tục đi khám tại 3 nơi khác, nhưng các chẩn đoán dừng lại ở nghi ngờ chị bị thiếu máu, thiểu năng tuần hoàn não.
Đến khi tới Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) ngày 9/10 vừa qua, sau khi được xét nghiệm nồng độ chì trong máu, chị mới được biết, hàm lượng chì trong máu của chị cao gấp hơn 70 lần so với mức cho phép (72mcg/ml). Nguyên nhân là do chị đã sử dụng thuốc cam chứa chì trong thời gian rất dài. Chị N than thở: “Thật sự tôi không ngờ khi nghe bác sĩ nói hàm lượng chì trong máu của tôi quá cao. Ở quê tôi, nhiều người vẫn mua loại thuốc cam này về dùng, nhưng chẳng mấy ai nghe thông tin là nó có chứa chì cả...”.
Hiện chị N đang dùng thuốc giải độc tại Trung tâm Chống độc. Các bác sĩ cho biết, nếu không có tai biến thì có thể vài ngày nữa chị N sẽ được ra viện. “Hiện nay, thuốc điều trị thải độc chì được BHYT chi trả. Nhưng quan trọng nhất là việc điều trị rất mất thời gian, công sức, kéo dài hàng năm trời. Người bệnh phải liên tục, định kỳ đến viện để xét nghiệm, kiểm tra…”, ThS Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc cho biết.
Trẻ bị ảnh hưởng trí tuệ với cam chứa chì
Giữa tháng 9 vừa qua, Trung tâm Chống độc đã điều trị cho cháu bé 9 tuổi (ở Vĩnh Phúc) và cháu bé 7 tuổi (ở Hải Dương) cũng nhập viện vì các triệu chứng: Nôn, đau bụng, xanh xao… với nồng độ chì kiểm tra được gấp 100 lần mức cho phép. Kết quả xét nghiệm thuốc cam có 11,5% là chì.
Về trường hợp con trai bệnh nhân N có bị nhiễm độc chì từ mẹ, ThS Nguyễn Trung Nguyên cho biết: Khả năng cao là cháu bé được sinh ra trong khi cơ thể mẹ đã bị nhiễm độc chì. Các bác sĩ đã khuyên gia đình sớm đưa cháu bé đến Trung tâm Chống độc để xét nghiệm các chỉ số cần thiết.
ThS Nguyễn Trung Nguyên cảnh báo: Nếu trẻ em bị nhiễm độc chì mà không được thải độc sớm thì khả năng bị tổn thương não, teo não, ảnh hưởng trí tuệ rất cao. Ngoài ra, nếu trẻ bị nhiễm độc chì có thể có những tổn thương cơ quan khác, gây thiếu máu, tim mạch, phát triển vận động, tiêu hóa… “Dù hàm lượng chì ít thôi, cũng có thể ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ, giảm chỉ số thông minh của trẻ”, ThS Nguyễn Trung Nguyên nói.
Khi bị ngộ độc chì, bệnh nhân có biểu hiện nôn mửa, chán ăn, mệt mỏi, đau bụng, xanh xao, thiếu máu. Do các triệu chứng của bệnh kín đáo, nên hay nhầm lẫn với các loại bệnh khác. Bệnh nhân chủ quan, không khai với bác sĩ, nhân viên y tế về lịch sử sử dụng các loại thuốc nên không nghi ngờ và không tiến hành xét nghiệm nồng độ chì trong máu.
Trong khi đó, tại Trung tâm Chống độc, cùng với các triệu chứng này, các bác sĩ sẽ hỏi quá trình từng dùng thuốc cam hay không, môi trường tiếp xúc có nguy hiểm không và tiến hành kiểm tra hàm lượng chì trong máu. Theo quy định, nồng độ chì trong máu trên 10mcg/dl là nhiễm độc chì. Trong khi đó, tại Trung tâm Chống độc, phát hiện có trường hợp nồng độ chì trong máu gấp đến cả trăm lần nồng độ lý tưởng. Một số mẫu thuốc cam được xét nghiệm cho thấy, hàm lượng chì trong thuốc cam lên tới hơn 50%.
ThS Nguyễn Trung Nguyên cho hay: “Có rất nhiều ca bệnh bị bỏ qua vì người bệnh không hề nghĩ đến nguyên nhân mình bị ngộ độc chì. Những gì phát hiện được chỉ là “tảng băng nổi” mà thôi. Bởi một người bán thuốc cam ở địa phương bán cho không chỉ một bệnh nhân này mà còn rất nhiều người khác”. Thông thường, những loại khoáng vật thường được đưa vào trong thuốc cam, thuốc Nam như hồng đơn, hùng hoàng (chứa sunfu asen), hay chu sa (chứa thủy ngân)… Đây hầu như là những khoáng chất gây ngộ độc chì. Hiện thuốc cam có chứa các thành phần này được bán rất nhiều, thậm chí rất rẻ, không cần nhãn mác, cơ sở đăng ký.
ThS Trung Nguyên khuyến cáo, người dân tuyệt đối không dùng thuốc cam để chữa bất kỳ bệnh gì. Khi có bệnh phải đi khám ở cơ sở y tế, dù là Đông y hay Tây y, cần phải là nơi có đăng ký khám, chữa bệnh rõ ràng.
Một số nguồn gây nhiễm độc chì:
- Thực phẩm: Đồ hộp có chất hàn gắn hộp sử dụng chì, đồ nấu ăn bằng chì, các nguồn thực phẩm bị ô nhiễm từ môi trường do không được kiểm soát tốt.
- Các thuốc Nam: dùng uống, bôi được dân gian gọi là thuốc cam, thuốc tưa lưỡi… lưu hành bất hợp pháp có chì.
- Sơn có chì: Các loại sơn cũ, đồ chơi dùng sơn chì.
- Môi trường sống: Bụi từ sơn chì cũ, đất bị nhiễm sơn chì, ô nhiễm từ hoạt động công nghiệp có chì, dùng xăng có chì, nước từ đất ô nhiễm, hệ thống ống dẫn nước bằng chì (loại ống cũ), không khí từ các hoạt động công nghiệp có chì, khói do xăng dầu có chì.
- Nghề nghiệp có nguy cơ cao phơi nhiễm chì như: Sửa chữa bộ tản nhiệt động cơ, sản xuất thủy tinh, hướng dẫn tập bắn, thu gom đạn, nung, nấu chì, tinh chế chì, đúc, cắt chì, sơn, công nhân xây dựng (làm việc với sơn chì), sản xuất nhựa polyvinyl chloride, phá, dỡ tàu, sản xuất, sửa chữa và tái sử dụng ắc quy.
- Các nguồn có chì khác: Đồ dùng bằng gốm sứ thủ công có chì, mảnh đạn chì trên cơ thể, pin có chì, lưới đánh cá buộc chì.