Mẹ già lao lực vì nuôi hai con bệnh tật và hai cháu khờ dại
Theo đơn “cầu cứu” của bà Hồ Thị Mai (74 tuổi) ngụ ấp Đông Giang, xã Đông Bình, huyện Thới Lai, TP. Cần Thơ gửi đến báo Dân trí, chúng tôi đến UBND xã Đông Bình để tìm hiểu. Khi đến đây, chúng tôi được gặp ngay ông Ngô Văn Đức – Phó Chủ tịch UBND xã Đông Bình. Vừa gặp chúng tôi, ông Đức cho biết: “Hoàn cảnh gia đình bà Mai đúng như đơn đã gửi đến quý báo và địa phương xét thấy hoàn cảnh này rất cần bạn đọc Dân trí tiếp giúp. Vì địa phương chúng tôi chỉ có thể vận động đôi lần hoặc lo gạo cho hộ bà Mai ăn trong vài tháng. Nhưng về lâu dài hơn nữa và nhất là việc điều trị bệnh cho em Huỳnh Văn Nhiều là hết sức cần thiết, vì Nhiều là lao động chính trong nhà.”
Cũng qua trò chuyện với ông Đức chúng tôi được biết, trước đây gia đình bà Mai là một hộ đủ ăn, đủ mặc ở địa phương. Nhưng từ khi chồng bà Mai phát bệnh ung thu phổi, gia đình bà Mai lần lượt bán hết 8 công đất chữa trị cho ông, nhưng đến năm 2010 chồng bà Mai không qua khỏi. Cũng tại thời điểm này, đứa con thứ là anh Huỳnh Văn Nhiều (32 tuổi) bỗng dưng phát bệnh. Anh Nhiều bị sốt kéo dài và tứ chi đau nhức, sau đó gia đình đưa đến Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ được các bác sĩ chẩn đoán là bị viêm tủy.
Trong lúc anh Nhiều phát bệnh, đứa con gái lớn của bà Mai là chị Huỳnh Thị Út phát bệnh tâm thần, gia đình chị Út tan rã nên bà Mai phải nuôi thêm hai đứa cháu ngoại, một cháu được 4 tuổi và cháu 6 tuổi. Biết cảnh khó của gia đình trong những ngày tháng tới, bà Mai quyết định đi vay hỏi tiền (số nợ lên đến 25 triệu đồng, có lãi) để chữa trị cho anh Nhiều. Qua thời gian điều trị, mạng sống của anh Nhiều được giữ lại, tuy nhiên hai chân của anh bị liệt, bệnh viện yêu cầu tiếp tục điều trị và kết hợp với tập vật lý trị liệu, nhưng đến tháng 1/2014, gia đình bà Mai không còn khả năng lo liệu viện phí nên xin đưa anh Nhiều về nhà cho đến nay.
Sau khi trao đổi nhanh, chúng tôi theo chân anh Liêu Văn Giàu – Phó Chủ tịch Hội Chữ Thập Đỏ xã và các đồng chí công tác ở UBMTTQ xã và ấp cùng đến thăm gia đình bà Mai. Đến nơi, chúng tôi thấy bé Dương Ngọc Trinh (6 tuổi) – đứa con lớn của chị Huỳnh Thị Út đang ngồi trước hiên nhà, tập đánh vần mấy chữ cái đầu tiên do một chị lớp 5 gần nhà vừa dạy cho bé Trinh.
Gặp chúng tôi, anh Nhiều xúc động chia sẻ: “Mấy tháng nay những cơn đau nhức trong xương cốt thật tình có làm em khổ thật nhưng mỗi lần nhìn mẹ phải còng lưng phơi nắng, phơi mưa đi làm cỏ, cắt lúa… kiếm tiền nuôi tụi em là không chịu nổi. Đôi lúc, bệnh tình đau lắm nhưng em cũng cố chịu, vì nói ra, mẹ gắng sức đi làm hoặc hỏi vay tiền mua thuốc cho em thì mẹ càng vất vả và khổ tâm hơn.”
Như một thói quen, gặp một thanh niên đứng tuổi như anh Nhiều chúng tôi hỏi chuyện vợ con, anh Nhiều cuối mặt rồi bật khóc. Anh trưởng ấp nói nhỏ cho chúng tôi biết, khi anh Nhiều phát bệnh, người vợ trẻ mà bà Mai tổ chức cưới hỏi cho anh Nhiều đàng hoàng đã đang tâm mang đứa con đầu lòng mới một hai tuổi đầu bỏ đi biệt tích cho đến nay.
Ngồi bên cạnh anh Nhiều, người thanh niên với gương mặt trẻ nhỏ Huỳnh Văn Tiền (25 tuổi, anh Tiền bị bệnh down từ nhỏ) lặng lẽ ngồi nhìn chúng tôi với ánh mắt ngây dại. Có lúc, anh Tiền lại cười một mình, nhưng khi thấy anh Nhiều khóc, Tiền vỗ vai anh Nhiều la hét. Chúng tôi thầm nghĩ, có thể đây là cách dỗ dành của một đứa em bị hội chứng down đối với người anh chịu nhiều bất hạnh của mình.
Quá trưa, bà Mai mới về nhà với vẻ mặt phờ phệch và bộ đồ lắm lem bùn đất. Tuy nhiên, khi gặp chúng tôi, bà Mai vui ra mặt, niềm vui đó chúng tôi cảm nhận được như người sắp chết đuối vớ được chiếc phao. Bà Mai nói: “Năm nay tôi thấy sức khỏe mình yếu rồi, nhổ cỏ mới hơn nửa buổi nhưng thấy mệt quá. Bởi vậy, tôi chỉ mong có ít tiền đưa thằng Nhiều chữa bệnh, vì các bác sĩ nói nếu được chữa trị đúng cách thằng Nhiều có thể đi lại và lao động bình thường. Nếu được như thế tôi mừng lắm, vì lỡ mình có theo ông theo bà, thằng Nhiều thay tôi chăm sóc cho em nó và hai đứa cháu ăn học, khôn lớn với người ta khi cha mẹ chúng không còn chăm sóc được hai cháu.”
Chúng tôi ra về, bà Mai tiếp tục khoác chiếc áo nâu sờn vai, đội cái nón lá rách bươm lên đầu rồi tiếp tục ra đồng nhổ cỏ thuê cho người ta. Theo bà Mai, một ngày công của bà cũng đông được 5 - 6 ký gạo và mua được ít mắm, muối…
Theo Dân trí