Mặt Trăng 'già' hơn 100 triệu năm so với suy đoán của con người
Vụ va chạm giữa Trái Đất và Theia. Ảnh: Universe Today.
Nhóm nghiên cứu ở Viện Địa lý và Khoáng vật học thuộc Đại học Cologne, Đức, đối chiếu kết quả phân tích hóa học mẫu vật đá mặt trăng do phi thuyền Apollo 11 thu thập 50 năm trước với các thí nghiệm và phát hiện Mặt Trăng có niên đại lâu hơn 100 năm so với ước tính từ giả thuyết trước.
Theo giả thuyết về quá trình hình thành Mặt Trăng, khoảng 150 triệu năm sau khi hệ Mặt Trời ra đời, hành tinh Theia có kích thước bằng sao Hỏa va chạm với Trái Đất. Vụ va chạm khiến Theia và một phần của Trái Đất tan chảy, quay quanh Trái Đất đến khi nguội đi và hợp thành Mặt Trăng. Thời điểm diễn ra vụ va chạm vẫn còn gây tranh cãi trong cộng đồng khoa học.
Trong nghiên cứu công bố hôm 29/7, các nhà khoa học tập trung xem xét khác biệt về hàm lượng giữa hai nguyên tố hiếm là hafnium (HF) và tungsten (W) có trong đá mặt trăng ở nhiều thời điểm khác nhau. Theo thời gian, đồng vị phóng xạ của hafnium là Hf-182 sẽ phân rã thành W-182. Sự phân rã này chỉ tồn tại trong 70 triệu năm đầu tiên của hệ Mặt Trời.
"Thông tin này cho thấy bất kỳ vụ va chạm nào từng xảy ra cũng phải diễn ra trước thời điểm đó, giúp trả lời câu hỏi gây tranh cãi mạnh mẽ trong cộng cồng khoa học về thời điểm Mặt Trăng hình thành", giáo sư Carsten Munker, đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết.
Việc xác định độ tuổi của Mặt Trăng có ý nghĩa quan trọng bởi thông tin này giúp chúng ta tìm hiểu độ tuổi của chính Trái Đất. Nghiên cứu này chỉ có thể thực hiện với đá Mặt Trăng bởi chúng gần như không thay đổi kể từ thời điểm hình thành. Trong khi đó, đá trên Trái Đất đã trải qua hàng loạt quá trình địa chất trong hàng tỷ năm, không còn lưu giữ những thông tin hữu ích cho nghiên cứu.