Lương tăng 7,5% vẫn chưa đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu
Tham gia ý kiến về việc đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội năm 2016 và 4 tháng đầu năm 2017, UB Các vấn đề xã hội của Quốc hội nêu nhiều con số về vấn đề lao động, việc làm, tiền lương.
Theo thống kê, tổng số lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc trong nền kinh tế ước tính là 53,3 triệu người, tăng 451.000 người so với năm 2015. Trong đó, lao động trong khu vực nông nghiệp chiếm gần 42%; khu vực công nghiệp chiếm 24,7%; khu vực dịch vụ chiếm 33,4%.
Số lao động đang làm việc ở khu vực thành thị chiếm 31,9% (năm 2015 là 31%) và khu vực nông thôn chiếm 68,1% (năm 2015 là 69%). UB Các vấn đề xã hội đánh giá, việc chuyển dịch cơ cấu lao động chưa đẩy mạnh, chưa tạo ra sự chuyển biến rõ rệt quá trình chuyển dịch lao động sang các ngành kinh tế có giá trị gia tăng cao.
Năm 2016, có 126.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, vượt kế hoạch đặt ra. Số lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam là hơn 83.500 người.
Một số chính sách tiền lương có hiệu lực từ 1/1/2017 (Đồ họa: Vũ Toản) |
Tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động ước tính lần lượt tương ứng là 2,30% và 1,64%. Trong đó, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị là hơn 3%.
Vấn đề quan tâm là tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (từ 15 - 24 tuổi) có xu hướng tăng, ước tính năm 2016 là 7,34% (năm 2015: 7,03%; năm 2014: 6,26%).
Năng suất lao động xã hội năm 2016 ước đạt 84,5 triệu đồng/lao động, tăng 5,3% so với năm 2015. Con số này được đánh giá là tiếp tục có sự cải thiện đáng kể, tăng đều qua các năm nhưng vẫn còn ở mức thấp so với năng suất lao động của các nước ASEAN .
Ngược lại với những con số tích cực này, chỉ tiêu về tiền lương, bảo hiểm với người lao động khiến UB Các vấn đề xã hội lo ngại.
Cụ thể, tính đến hết 31/12/2016, tổng số đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) mới đạt 24,5% lực lượng lao động và bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đạt 20,75%, là thách thức đối với mục tiêu mở rộng đối tượng vào năm 2020.
Theo cơ quan báo cáo, vấn đề cần quan tâm là số lượng doanh nghiệp nợ BHXH, BHTN, BHYT còn cao, đặc biệt tình trạng chủ sở hữu doanh nghiệp chiếm dụng tiền đóng BHXH, tiền lương của người lao động đã bỏ trốn nên quyền lợi về an sinh xã hội của người lao động chưa được đảm bảo.
Tiền lương bình quân của năm 2016 ước đạt là 5,71 triệu đồng/tháng, tăng 7,5% so với năm 2015 (5,28 triệu đồng/tháng).
Nguyên nhân tăng chủ yếu là do việc điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu vùng năm 2016. Tuy nhiên, UB Các vấn đề xã hội cho rằng, tiền lương vẫn chưa đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ. Đây sẽ là thách thức đối với tăng trưởng kinh tế, tăng năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và bảo vệ việc làm cho người lao động.
Trong quý I/2017, các chỉ tiêu về lĩnh vực lao động-việc làm và năng suất lao động vẫn ở mức ổn định; lao động các khu công nghiệp, khu chế xuất và đô thị có xu hướng tăng cao so với cùng kỳ năm 2016; số người tham gia BHXH bắt buộc tăng 7,4%, BHTN tăng 7,7%, BHXH tự nguyện tăng 17,6% so với cùng kỳ năm 2016.
UB Các vấn đề xã hội nêu một số vấn đề đáng quan tâm như tình trạng thất nghiệp và thiếu việc làm đối với lao động trẻ, có chuyên môn kỹ thuật vẫn có xu hướng tăng lên; thâm dụng lao động trong các ngành dệt may, da giày và thất nghiệp ở độ tuổi 35 – 40 còn phổ biến.
Nợ BHXH cũng chưa được kìm chế có hiệu quả, đến hết 31/3/2017 là hơn 14.000 tỷ đồng. Số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng 17% so với cùng kỳ năm trước là dấu hiệu không tốt. Xu hướng hưởng BHXH một lần gia tăng, có tình trạng người lao động muốn về hưu sớm hoặc về hưu trước năm 2018 để tránh giảm sút vềlương hưu do quy định mới của Luật BHXH.
Về lĩnh vực y tế, dân số, UB Các vấn đề xã hội khái quát, tổng tỷ suất sinh ước đạt 2,09 con/phụ nữ, tiếp tục duy trì mức sinh thay thế, song tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở mức cao (112,2 nam/100 nữ); các giải pháp giảm tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh chưa đồng đều, chưa đạt hiệu quả như mong muốn.
Việt Nam được đánh giá là một trong 10 nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới và đã bước đầu có những động thái nhằm thích ứng với tình trạng này. Tuổi thọ trung bình ước là 73,4 năm (nam là 70,8 năm, nữ là 76,1 năm) nhưng tuổi thọ khỏe mạnh chỉ đạt 66 tuổi.
UB Các vấn đề xã hội cũng chỉ rõ, còn nhiều vụ bạo lực gia đình chỉ được phát hiện khi đã xảy ra hậu quả rất nghiêm trọng do gặp nhiều khó khăn trong việc nắm bắt thông tin và tiến hành các biện pháp hỗ trợ, xử lý kịp thời. Số liệu thống kê các hình thức bạo lực và đánh giá cụ thể nguyên nhân của bạo lực gia đình còn thiếu. Việc thực hiện chế độ báo cáo hằng năm theo khoản 5 Điều 35 Luật phòng, chống bạo lực gia đình tại các địa phương chưa nghiêm túc.