Luận án tiến sĩ phải có tính học thuật mang tầm quốc tế
PGS.TS Lê Hữu Lập |
Trao đổi với PV Dân trí về chất lượng đào tạo tiến sĩ hiện nay, PGS.TS Lê Hữu Lập - Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông cho biết, hiện nay có một số ít cơ sở đào tạo tiến sĩ đang chạy theo số lượng mà chưa quan tâm đến chất lượng các công trình khoa học của nghiên cứu sinh và đương nhiên là số này ảnh hưởng rất lớn tới lòng tin của xã hội đối với tình tình đào đào tạo tiến sĩ chung của cả nước.
Chính vì điều đó, Bộ GD&ĐT đã đưa ra dự thảo Quy chế đào tạo tiến sĩ mới. Theo đó, dự thảo đòi hỏi nghiên cứu sinh phải chứng minh được năng lực ban đầu về nghiên cứu khoa học của mình thông qua những công trình đã công bố trong nước và quốc tế. Đây có lẽ là 1 biện pháp mạnh để nâng tầm tiến sĩ Việt lên, ông thấy thế nào?
PGS.TS Lê Hữu Lập: Quy chế đào tạo trình độ tiến sĩ ban hành từ 2009 và sửa đổi bổ sung năm 2012 đến nay không còn phù hợp về mặt pháp lý và thực tiễn.
Dự thảo Quy chế mới được điều chỉnh một số điều quy định nhằm năng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ, phù hợp với tinh thần đổi mới căn bản giáo dục và đào tạo Việt Nam.
Ngoài việc xác định kinh nghiệm nghiên cứu khoa học của ứng viên dự tuyển thông qua công trình khoa học đã công bố, thì trình độ ngoại ngữ phải đạt chuẩn bậc 4/6 theo khung năng lực 6 bậc dùng cho Việt Nam (cao hơn so với trước đây).
Nghiên cứu sinh trước khi bảo vệ phải công bố tối thiểu 2 bài báo, trong đó có 1 bài viết bằng tiếng nước ngoài trên các tạp chí khoa học chuyên ngành có phản biện…Rõ ràng đây là các yêu cầu cao hơn đối với nghiên cứu sinh
Được biết, trong dự thảo Quy chế tiến sĩ mới yêu cầu, người hướng dẫn và hội đồng bảo vệ luận án cấp trường/viện phải có trách nhiệm cùng nghiên cứu sinh về nội dung luận án khi có khiếu kiện về vi phạm bản quyền tác giả (đạo văn). Liệu quy định này có được sự đồng thuận của cơ sở đào tạo và người hướng dẫn?
PGS.TS Lê Hữu Lập: Tôi nghĩ các cơ sở đào tạo và người hướng dẫn rất ủng hộ yêu cầu này. Hiện nay công nghệ và kỹ thuật cũng cho phép kiểm chứng các luận án trong việc sao chép các tài liệu.
Theo thông tin từ Bộ GD&ĐT, chi phí cho đào tạo tiến sĩ VN hiện nay quá thấp, (bình quân khoảng 15 triệu đồng/năm), đây có phải là nguyên nhân dẫn đến tình trạng đào tạo kém chất lượng tiến sĩ của ta hiện nay?
PGS.TS Lê Hữu Lập: Kinh phí cho cho đào tạo hiện nay nhìn chung là rất thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Học phí chỉ đủ cho các hoạt động chi thường xuyên.
Còn việc đầu tư cơ sở vật chất, điều kiện nghiên cứu, thiết lập các phòng thí nghiệm chuyên sâu, kinh phí tham dự các hội nghị, hội thảo khoa học quốc tế là rất khó khăn… Đó cũng nguyên nhân dẫn đến chất lượng các công trình nghiên cứu của nghiên cứu sinh hạn chế.
Theo ông, chúng ta phải thay đổi như thế nào để có thể “sản xuất” được những vị tiến sĩ đóng góp được nhiều cho đất nước, cho khoa học?
PGS.TS Lê Hữu Lập: Chất lượng đào tạo tiến sĩ phụ thuộc rất nhiều vào công tác tổ chức đào tạo của các cơ sở đào tạo Tiến sĩ, vai trò trách nhiệm người hướng dẫn khoa học và đặc biệt là sự nỗ lực của các nghiên cứu sinh.
Đối với Nhà trường cần có môi trường nghiên cứu thuận lợi, cải thiện các điều kiện cơ sở vật chất cho nghiên cứu; Trong hoàn cảnh kinh tế của ta hiện nay, nhà trường cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế về nghiên cứu khoa học, trao đổi học viên
Nghiên cứu sinh phải được tiếp xúc giao lưu trong môi trường học thuật quốc tế, trên cơ sở các học bổng của Nhà nước (như đề án 911) cũng như học bổng của các tổ chức Quốc tế và đối tác. Ở đây tôi muốn nhấn mạnh tính học thuật mang tầm quốc tế thể hiện trong các luận án.
Xin trân trọng cám ơn ông!