Lợi ích từ việc đa dạng hoá sản phẩm chè
Diện tích chè Trung du truyền thống ở xã Tân Cương (T.P Thái Nguyên) bị thu hẹp do các giống chè mới cho giá trị kinh tế cao hơn. |
Theo thống kế của ngành Nông nghiệp và PTNT, ngoài giống chè trung du truyền thống, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều giống chè được đưa vào trồng phổ biến, như: LDP1, TRI 777, Kim Tuyên, Phúc Vân Tiên, Bát Tiên, Keo Am tích... và có thêm giống chè LDP2 để hỗ trợ hoạt động sản xuất sản phẩm chè đen xuất khẩu. Nhiều giống chè mới được đưa vào trồng theo các chương trình dự án có vốn hỗ trợ của Nhà nước, cùng đó là người trồng chè trong tỉnh thấy hiệu quả kinh tế nên tự bỏ kinh phí để chủ động mở rộng diện tích chè giống mới.
Do vậy, thị trường chè trong tỉnh đang rất đa dạng về chủng loại, mẫu mã sản phẩm và giá thành dao động từ vài chục nghìn đồng/kg đến 2-3 triệu đồng/kg. Sản phẩm chè xanh xuất xứ từ Thái Nguyên vẫn chủ yếu phục vụ nhu cầu nội tiêu trong nước (lượng chè xuất khẩu luôn dưới 20% sản lượng và chủ yếu là sản phẩm chè đen). Bà Nguyễn Thị Ngà, Chủ tịch Hội chè tỉnh cho rằng: Việc có nhiều loại sản phẩm chè với phẩm cấp khác nhau đã tạo cơ hội để người tiêu dùng thoả sức lựa chọn theo khả năng tài chính và sở thích. Giá các loại sản phẩm chè giống mới cao hơn chè trung du từ 3 tới 5 lần (1ha chè giống mới cho thu nhập từ 90 triệu đồng đến 100 triệu đồng/năm trong khi chè trung du chỉ ở mức từ 40 triệu đồng đến 68 triệu đồng/năm) nên người trồng chè ở nhiều vùng trong tỉnh đang trào lưu chuyển đổi diện tích chè truyền thống (chủ yếu ở những vùng đất có độ dốc thấp) sang trồng chè giống mới nhằm tăng hiệu quả kinh tế, dễ tiêu thụ sản phẩm.
Việc đưa các giống chè mới vào trồng đại trà đã có những lợi thế nhất định và càng củng cố vị trí số 1 về chất lượng sản phầm chè xanh của Thái Nguyên đối với người tiêu dùng trong nước. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng việc người trồng chè trong tỉnh phát triển tự phát các giống chè mới không theo quy hoạch chung của tỉnh đã, đang dẫn tới sự manh mún, nhỏ lẻ về nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến quy mô lớn. Chuyện một gia đình chỉ canh tác vài sào chè nhưng có nhiều giống khác nhau đang phổ biển. Hệ quả của điều này là 8/9 địa phương trong tỉnh đều có nhiều giống chè chất lượng cho sản phẩm tốt nhưng không thể sản xuất theo quy mô lớn vì phẩm cấp, đặc tính từng giống chè có sự khác biệt nhất định, không thể trộn lẫn khi chế biến. Còn người trồng chè lại coi đây là việc bình thường vì sản xuất, chế biến theo quy mô hộ gia đình nên không cần sản lượng quá lớn, nhiều loại sản phẩm nên dễ tiêu thụ tại các điểm chợ quê.
Vẫn theo bà Nguyễn Thị Ngà thì Đề án quy hoạch phát triển cây chè của tỉnh đã có, song triển khai chậm hơn so với tốc độ phát triển cây chè giống mới. Đặc biệt, chính quyền 9 huyện, thành, thị nên bám sát vào Đề án quy hoạch phát triển cây chè của tỉnh để đưa ra nhưng chủ trương, chiến lược phù hợp. Đội ngũ cán bộ khuyến nông cơ sở nên thường xuyên gần gũi với người trồng chè trong tỉnh để tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, tiến tới thực hiện thành công việc phân định các vùng chè nguyên liệu dựa trên lợi thế đã được nghiên cứu, đánh giá. Chỉ có như vậy mới vừa đảm bảo được sự đa dạng về sản phẩm chè xanh của tỉnh nhưng vẫn có những vùng chè nguyên liệu chất lượng cao, đủ để sản xuất theo quy mô lớn.
Theo Báo Thái Nguyên