Lọc hóa dầu Bình Sơn kỳ vọng tạo làn gió mới khi…lên sàn
Theo dự kiến, tháng 11/2017, Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) sẽ phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO), bán khoảng 4% lượng vốn của nhà máy. Sau đó, trong vòng 12 tháng tiếp theo sẽ tiếp tục bán cổ phần cho các nhà đầu tư chiến lược.
Trung tâm điều hành tại BSR |
Thông tin Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn chuẩn bị phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO) đang thu hút sự chú ý của thị trường. BSR là công ty chủ quản của nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Sự chú ý của nhà đầu tư trên thị trường có phần do Công ty có quy mô vốn lớn, tỷ lệ thoái vốn cao và có thể coi là hàng hiếm trong ngành. Bởi lẽ, trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp dầu khí gặp khó khăn do tác động của giá dầu, BSR vẫn có được hiệu quả kinh doanh khả quan.
Ông Nguyễn Văn Hội, Phó Tổng Giám đốc BSR, cho biết ngày 31/5/2017 Bộ Công Thương đã phê duyệt giá trị doanh nghiệp BSR để cổ phần hóa. Theo đó, giá trị doanh nghiệp BSR để cổ phần hóa với giá trị thực tế là hơn 72.879 tỷ đồng, tăng14.854 tỷ đồng so với giá trị sổ sách. Giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp là hơn 44.934 tỷ đồng, tăng 13.929 tỷ đồng.
Về phương án cổ phần hóa, ông Hội cho biết thêm, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) đã có công văn số trình Bộ Công Thương phương án cổ phần hóa BSR. Tháng 8/2017, Bộ Công Thương đã trình Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt phương án cổ phần hóa BSR. Văn phòng Chính phủ đã có công văn lấy ý kiến các Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Lao động Thương binh Xã hội, Bộ Tư Pháp, Bộ Tài nguyên Môi trường về phương án cổ phần hóa BSR.
Sau hơn 7 năm đi vào hoạt động (từ năm 2010), BSR đạt tổng doanh thu trên 36 tỷ USD. Hiện BSR chiếm 30% thị phần xăng dầu trong nước. Công ty được tự tính giá thành sản phẩm theo hướng thu hút các đầu mối tiêu thụ trong nước.
Lãnh đạo BSR cho biết, BSR đang phối hợp chặt chẽ với tư vấn và các đơn vị liên quan để tiếp thu, giải trình ý kiến của các Bộ tiến tới phê duyệt phương án cổ phần hóa BSR.
Về công tác chuẩn bị chào bán cho các nhà đầu tư, theo Phó Tổng Giám đốc BSR Nguyễn Văn Hội, BSR đã ký các hợp đồng tư vấn chào bán IPO, tư vấn truyền thông, tư vấn xây dựng hồ sơ chào bán cho cổ đông chiến lược với đơn vị tư vấn uy tín. Hiện tại, BSR đang đẩy mạnh công tác truyền thông, xây dựng kế hoạch IPO, gửi thư mời nhà đầu tư tham gia mua cổ phần và đầu tư BSR đến các nhà đầu tư là các ngân hàng, các Quỹ đầu tư trong và ngoài nước.
“Nhìn chung, thông tin phản hồi từ các nhà đầu tư là rất tích cực. BSR sẽ làm việc chi tiết về đề xuất của các nhà đầu tư để hướng đến mục tiêu chào bán cổ phần lần đầu thành công và tiếp theo là bán cổ phần cho các nhà đầu tư chiến lược, trong đó đặc biệt là đối tác Petrolimex ngay sau khi phương án cổ phần hóa được Thủ tướng phê duyệt.
Nếu Petrolimex bắt tay với BSR thì sẽ rất thuận lợi cho nhà máy. Bởi khi đó, Petrolimex là nhà phân phối tiêu thụ sản phẩm sẽ tác động quan trọng để ổn định thị trường" - ông Hội nhấn mạnh.
Anh Lê Trọng Khải, Phó Ban An toàn Môi trường của BSR: “Luôn đoàn kết một lòng sản xuất tốt để hướng tới đợt IPO sắp tới, chúng tôi kỳ vọng BSR lên sàn sẽ tạo ra một làn gió mới trên thị trường. Trong bối cảnh giá dầu đi xuống, về nguyên tắc thì ngành chế biến sản phẩm dầu khí sẽ đi lên. Bởi vì giá thành dầu thô chiếm tỷ trọng rất cao trong cơ cấu lợi nhuận của nhà máy lọc dầu. Khi giá đầu vào đi xuống thì lợi nhuận sẽ đi lên. Lợi nhuận của BSR là lợi nhuận thực. Chúng tôi hy vọng nhà đầu tư nhìn thấy điều đó, đó là cơ hội.”./.
CTV Lan Lan/VOV.VN