Facebook Twitter youtube Tiktok

Lấy ý kiến nhân dân tham gia vào Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XX

Chính trị
Thực hiện chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, Thainguyentv.vn đăng tải toàn văn bản dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XIX trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025 để xin ý kiến nhân dân trong tỉnh.
aa

Nội dung đóng góp tập trung vào các vấn đề: Chủ đề Đại hội; đánh giá tổng quát 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015-2020; mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp, các đột phá phát triển trong nhiệm kỳ 2020-2025…

Thời gian lấy ý kiến góp ý của nhân dân: Từ ngày 02/4/2020 đến ngày 28/4/2020. Nội dung góp ý xin gửi trực tiếp về Đài PT-TH Thái Nguyên - Số 226, Bến Oánh, TP Thái Nguyên, hoặc qua Email: truyenhinhthainguyen@gmail.com

Dưới đây là toàn văn Dự thảo:

BÁO CÁO CHÍNH TRỊ

của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XIX trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XX

CHỦ ĐỀ ĐẠI HỘI

Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; phát huy dân chủ, đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo; giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, xây dựng tỉnh Thái Nguyên phát triển nhanh và bền vững.

Phần thứ nhất:

ĐÁNH GIÁ TỔNG QUÁT 5 NĂM THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU ĐẢNG BỘ TỈNH LẦN THỨ XIX

I. KẾT QUẢ THỰC HIỆN CÁC MỤC TIÊU, CHỈ TIÊU CHỦ YẾU

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015-2020, tất cả các mục tiêu, chỉ tiêu đều đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết đề ra, cụ thể:

(1) Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân 11,1%/năm (Mục tiêu: Tăng 10%/năm).

(2) Cơ cấu kinh tế năm 2020 là: Công nghiệp và xây dựng 59%, dịch vụ 31% và nông, lâm nghiệp, thủy sản 10% (Mục tiêu: Công nghiệp và xây dựng 53%; dịch vụ 36%; nông, lâm nghiệp, thủy sản 11%).

(3) Giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 16,3%/năm (Mục tiêu: Tăng 15%/năm).

(4) Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng bình quân 4,5%/năm (Mục tiêu: Tăng 4%/năm).

(5) Giá trị xuất khẩu trên địa bàn tăng bình quân 13,1%/năm (Mục tiêu: Tăng 9%/năm).

(6) Thu ngân sách nhà nước trong cân đối (không bao gồm thu tiền sử dụng đất) tăng bình quân 16,3%/năm (Mục tiêu: Tăng 16%/năm).

(7) GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 90 triệu đồng (Mục tiêu: Đạt 86 triệu đồng).

(8) Năm 2020 có 72% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (Mục tiêu: 70%).

(9) Củng cố vững chắc kết quả phổ cập giáo dục các bậc học; năm 2020 có 84,04% số trường đạt chuẩn quốc gia (Mục tiêu: 80%); 8% học sinh dân tộc thiểu số được học tại các trường dân tộc nội trú (Mục tiêu: 8%).

(10) Năm 2020, có 90% gia đình văn hóa; 78% làng, xóm, tổ dân phố văn hóa; 90% cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa, đạt mục tiêu Nghị quyết.

(11) Năm 2020 có 97,2% số xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế (Mục tiêu: 80%); tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng năm 2020 giảm xuống dưới 10%, đạt mục tiêu Nghị quyết.

(12) Hằng năm tạo việc làm tăng thêm bình quân 21.521 lao động (Mục tiêu: 15.000 lao động). Tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2020 đạt 70% (Mục tiêu: 70%).

(13) Giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 2,06%/năm (Mục tiêu: 2%/năm).

(14) Năm 2020 tỷ lệ che phủ rừng đạt 53% (Mục tiêu: Trên 50%); có 95% người dân ở nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh (Mục tiêu: 95%).

(15) Bình quân hằng năm, kết nạp đảng viên đạt 3,8% so với tổng số đảng viên trong toàn Đảng bộ (Mục tiêu: 3,5%); 93,35% số tổ chức cơ sở đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ (Mục tiêu: trên 80%); 88,88% đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ (Mục tiêu: trên 80%).

II. KẾT QUẢ THỰC HIỆN CỤ THỂ TRÊN CÁC LĨNH VỰC

1. Về lĩnh vực kinh tế

1.1. Việc cụ thể hóa, triển khai cơ chế, chính sách để huy động các nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội

Đảng bộ tỉnh đã quán triệt và chỉ đạo triển khai thực hiện, cụ thể hóa đầy đủ chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, huy động các nguồn lực phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội. Hoạt động thu hút đầu tư được đẩy mạnh, môi trường đầu tư ngày càng thông thoáng, các dự án đầu tư trọng điểm, có sức lan tỏa cao đi vào hoạt động góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Huy động nguồn lực đầu tư toàn xã hội tăng cao, giai đoạn 2016-2020, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đã thực hiện trên địa bàn tỉnh đạt 238 nghìn tỷ đồng. Thu hút đầu tư nước ngoài đạt trên 90 dự án. Khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước tiếp tục phát triển, tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới bình quân mỗi năm khoảng 350 doanh nghiệp.

Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được cải thiện, năng lực sản xuất tăng nhanh, tạo tiền đề thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.

1.2. Về tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế

Kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng cao, trong đó khu vực công nghiệp - xây dựng có bước tăng bứt phá, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, đây là điểm nhấn quan trọng trong phát triển kinh tế của tỉnh Thái Nguyên nhiệm kỳ 2015-2020. Tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP bình quân đạt 11,1%/năm, trong đó công nghiệp - xây dựng tăng 14,5%/năm; dịch vụ tăng 7,3%/năm; nông - lâm - thủy sản tăng 3,8%/năm.

Cơ cấu kinh tế đã có bước chuyển dịch tích cực, tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng tăng nhanh, giảm tỷ trọng nông, lâm nghiệp, thủy sản trong tổng GRDP của tỉnh. Năm 2020, cơ cấu kinh tế là: Công nghiệp - xây dựng 59%; dịch vụ 31%; nông - lâm nghiệp - thủy sản 10%.

Quy mô và năng lực sản xuất các ngành kinh tế đều đạt được sự tăng trưởng. Đến năm 2020, quy mô tổng sản phẩm trong tỉnh (tính theo giá hiện hành) ước đạt 120.830 tỷ đồng([1]) (tương đương 5,1 tỷ USD), gấp 1,9 lần so với năm 2015.

GRDP bình quân đầu người tăng từ 51 triệu đồng/người năm 2015 lên 90 triệu đồng/người năm 2020 (gấp 1,76 lần so với năm 2015).

Năng suất lao động bình quân chung các ngành kinh tế của tỉnh năm 2020 đạt trên 140 triệu đồng/lao động, gấp 1,5 lần so với năm 2015.

1.2.1. Trong lĩnh vực công nghiệp

Phát triển công nghiệp đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng thu ngân sách, giải quyết việc làm cho người lao động, tăng năng suất và nâng cao đời sống nhân dân.

Tốc độ tăng bình quân giá trị sản xuất ngành công nghiệp đạt 16,3%/năm. Trong đó, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tăng 16,5%/năm; công nghiệp địa phương tăng 15,4%/năm; công nghiệp Trung ương đạt mức tăng bình quân 12,4%/năm.

Quy mô giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn năm 2020 đạt 803 nghìn tỷ đồng, đứng thứ tư về quy mô giá trị sản xuất công nghiệp của cả nước. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có tỷ trọng lớn nhất, chiếm 99% tổng giá trị sản xuất ngành công nghiệp.

1.2.2. Trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch

Kết cấu hạ tầng dịch vụ thương mại được quy hoạch và tổ chức quản lý hiệu quả. Thị trường phát triển theo hướng ổn định, hàng hóa phong phú, tiện lợi. Hoạt động xúc tiến thương mại đã đạt kết quả tích cực, tạo được nhiều thị trường mới trong và ngoài nước cho các doanh nghiệp mở rộng phạm vi hoạt động; đặc biệt quan tâm chú trọng các chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, “Đưa hàng Việt về nông thôn”...

* Thương mại, dịch vụ trong nước

Giai đoạn 2016-2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội đạt 166,5 nghìn tỷ đồng; trong đó, năm 2020 đạt khoảng 42 nghìn tỷ đồng, gấp 1,8 lần so với năm 2015, tăng bình quân 12,8%/năm; sức mua xã hội đạt mức tăng 10,5%/năm.

Tổng số doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh thương mại dịch vụ có 66 nghìn cơ sở, tăng bình quân 6,5%/năm.

* Hoạt động xuất nhập khẩu:

Tốc độ tăng bình quân giá trị xuất khẩu đạt 13,1%/năm. Trong đó, xuất khẩu địa phương tăng bình quân 20%/năm; xuất khẩu khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 12,9%/năm, chiếm 98,2% tổng giá trị xuất khẩu.

Giá trị nhập khẩu tăng 7,9%/năm, trong đó khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 8,4%/năm và chiếm 97,9% tổng giá trị nhập khẩu. Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là nguyên, nhiên liệu phục vụ sản xuất.

* Hoạt động vận tải, viễn thông, du lịch:

Hoạt động vận tải đáp ứng kịp thời nhu cầu cho sản xuất và đi lại của nhân dân. Sản lượng hàng hoá, hành khách vận chuyển và luân chuyển tăng bình quân hằng năm trên 8%.

Hoạt động viễn thông phát triển nhanh. Số thuê bao sử dụng dịch vụ viễn thông tăng cao ở cả khu vực thành thị và nông thôn. Năm 2020 trên địa bàn tỉnh có 178,3 nghìn thuê bao internet, gấp 2,3 lần so với năm 2015, đạt tốc độ tăng 18,1%/năm. Có khoảng 1,2 triệu thuê bao điện thoại di động và gần 23 nghìn thuê bao điện thoại cố định.

Số khách du lịch là 3,6 triệu lượt/năm, tăng bình quân 13,1%/năm[2], trong đó chủ yếu là khách nội địa; doanh thu du lịch năm 2020 đạt 460 tỷ đồng, gấp 1,6 lần so với năm 2015. Cơ sở vật chất phục vụ du lịch cơ bản đáp ứng nhu cầu lưu trú của khách du lịch.

1.2.3. Trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản

Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt tốc độ tăng trưởng khá; giá trị sản xuất tăng bình quân 4,5%/năm. Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao gắn với các lợi thế của tỉnh; thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa; ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, an toàn thực phẩm. Hình thành các vùng sản xuất sản phẩm nông nghiệp hàng hóa tập trung, chuyên canh, quy mô lớn, với những giống mới có năng suất, chất lượng cao; trong đó, cây chè tiếp tục khẳng định là cây trồng thế mạnh, phát triển nhanh cả về sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, trở thành địa phương có diện tích, sản lượng lớn nhất cả nước; năm 2020, diện tích chè toàn tỉnh đạt 22.500 ha, sản lượng đạt 239.000 tấn. Giá trị sản phẩm trên 1 ha đất trồng trọt năm 2020 đạt 103 triệu đồng, bình quân tăng khoảng 4%/năm.

Chăn nuôi, thủy sản phát triển nhanh theo hướng chăn nuôi tập trung, trang trại, chăn nuôi an toàn sinh học, bảo đảm an toàn thực phẩm.

Công tác bảo vệ và phát triển rừng được tăng cường; trong 5 năm đã trồng mới được 30.905 ha rừng, tỷ lệ che phủ rừng đạt 53%. Hiệu quả kinh tế rừng được nâng cao.

1.3. Về kết quả thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới

Năm 2020, toàn tỉnh có 103 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 3/9 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 09 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu, vượt 06 xã so với mục tiêu.

Hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông nghiệp, nông thôn được đầu tư, phát triển. Hệ thống đường giao thông nông thôn, thủy lợi, điện,... đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu sản xuất và dân sinh. Kinh tế tập thể, hợp tác, liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và nông hộ trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm được hình thành, củng cố và phát triển.

1.4. Về công tác quản lý tài chính, ngân hàng và hoạt động tín dụng

* Công tác quản lý tài chính:

Công tác quản lý thu, chi ngân sách nhà nước được thực hiện chủ động, tích cực; kỷ luật, kỷ cương tài chính được bảo đảm đúng quy định, cơ bản đáp ứng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh tăng từ 7.484 tỷ đồng năm 2015 lên 15.555 tỷ đồng năm 2020 (gấp 2,1 lần so với năm 2015). Tổng thu trong cân đối ngân sách (không bao gồm thu tiền sử dụng đất) tăng bình quân 16,3%/năm. Trong đó, thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 25,1%/năm; thu từ khu vực công, thương nghiệp ngoài quốc doanh tăng 8,5%/năm; thu từ doanh nghiệp Nhà nước tăng 6,5%/năm; thu hải quan tăng 17,6%/năm.

* Công tác quản lý ngân hàng và hoạt động tín dụng:

Triển khai có hiệu quả các chính sách tiền tệ, quản lý ngoại hối và vàng trên địa bàn góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy kinh tế phát triển. Trên địa bàn hiện có 34 chi nhánh cấp 1 của tổ chức tín dụng. Năm 2020, tổng nguồn vốn huy động của các chi nhánh tổ chức tín dụng đạt 77.000 tỷ đồng. Giai đoạn 2016-2020, nguồn vốn huy động tăng trưởng bình quân 19,02%/năm. Dư nợ cho vay đối với nền kinh tế năm 2020 đạt 65.000 tỷ đồng. Tính chung giai đoạn, dư nợ cho vay tăng trưởng bình quân 14,36%/năm. Nợ xấu thường xuyên được kiểm soát ở mức khoảng 1%.

2. Về đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế kỹ thuật

2.1. Về đầu tư

Tỉnh đã đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thu hút các nguồn lực cho phát triển. Tổng vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2016-2020 đạt 238 nghìn tỷ đồng, tăng 18% so với giai đoạn 2011-2015 và vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội đề ra (Mục tiêu là 128 nghìn tỷ đồng). Trong đó, khu vực kinh tế nhà nước 26 nghìn tỷ đồng (chiếm 11%); khu vực ngoài nhà nước 97 nghìn tỷ đồng (chiếm 41%); khu vực có vốn đầu tư nước ngoài 115 nghìn tỷ đồng (chiếm 48%).

2.2. Về phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế kỹ thuật

* Hạ tầng giao thông vận tải:

Hệ thống giao thông đối ngoại, đối nội, giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh ngày càng được nâng cấp và hoàn thiện. Sự kết nối các quốc lộ đi qua tỉnh với các tuyến đường địa phương đã tạo thành hệ thống đường giao thông rộng khắp, liên kết Thái Nguyên với các tỉnh phía Nam và vùng Trung du, Miền núi phía Bắc, cơ bản đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và các địa phương trong khu vực. Đường giao thông nông thôn được quan tâm đầu tư xây dựng theo quy hoạch[3].

* Hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp:

Các khu, cụm công nghiệp được quan tâm đầu tư, phát triển. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 5/6 khu công nghiệp được đầu tư hạ tầng, tỷ lệ lấp đầy đạt 59,8%; 23/35 cụm công nghiệp được hình thành, tỷ lệ lấp đầy đạt 41,73%.

* Hạ tầng kỹ thuật lĩnh vực điện, nước, thủy lợi:

Hệ thống điện được chú trọng đầu tư, hoàn thiện, cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng. Đã xây dựng điện lưới quốc gia cho 35 xóm, bản hoàn toàn chưa có điện lưới quốc gia. Tỷ lệ dân số được sử dụng điện lưới quốc gia đạt 99,83%; 100% xóm, bản có điện lưới quốc gia.

Hệ thống cấp nước, mạng lưới thủy lợi tiếp tục được cải tạo và nâng cấp, đến nay đã cơ bản đáp ứng nhu cầu của người dân và sản xuất nông nghiệp. Tỷ lệ dân cư đô thị được cung cấp nước sạch là 97%. Tỷ lệ người dân ở nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh là 95%.

* Hạ tầng đô thị:

Hoàn thành quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Thái Nguyên đến năm 2035; Chương trình phát triển đô thị tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2035; chương trình phát triển nhà ở toàn tỉnh; năm 2019, thị xã Phổ Yên trở thành đô thị loại III, thị trấn Hùng Sơn huyện Đại Từ trở thành đô thị loại IV; năm 2020 thành phố Sông Công trở thành đô thị loại II.

Năm 2020 có 01 đô thị loại I, 01 đô thị loại II, 01 đô thị loại III, 01 đô thị loại IV và 08 đô thị loại V. Tỷ lệ đô thị hóa (tỷ lệ dân số khu vực thành thị) đạt trên 32%, diện tích sàn nhà ở bình quân trên 26m2/người, tỷ lệ nhà ở kiên cố và bán kiên cố trên 95,8%. Các dự án khu dân cư, khu đô thị đã góp phần làm thay đổi diện mạo các đô thị trên địa bàn tỉnh.

* Hạ tầng thương mại - dịch vụ:

Hạ tầng thương mại, dịch vụ được đẩy mạnh theo hướng xã hội hóa. Năm 2020 có 140 chợ (trong đó: Chợ hạng I là 04 chợ, hạng II là 10 chợ, hạng III là 126 chợ); 08 trung tâm thương mại, 30 siêu thị và hệ thống các cửa hàng tiện ích đã đóng góp tích cực, hiệu quả cho phát triển thương mại, dịch vụ trên địa bàn.

3. Quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng, tránh thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu

Tỉnh đã cụ thể hóa các văn bản quy phạm pháp luật về tài nguyên và môi trường theo đúng quy định và phù hợp tình hình thực tế của tỉnh. Việc lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các cấp được triển khai đồng bộ. Công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai được triển khai thực hiện trên địa bàn toàn tỉnh theo đúng kế hoạch. Công tác quản lý nhà nước về hoạt động khoáng sản được tăng cường, bảo đảm đúng quy định pháp luật.

Công tác bảo vệ môi trường có nhiều chuyển biến tích cực. Cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường từng bước được hoàn thiện. Hoạt động kiểm soát ô nhiễm môi trường được tăng cường, nhiều vấn đề bức xúc về môi trường đã được quan tâm giải quyết.

Công tác ứng phó với biến đổi khí hậu được quan tâm, triển khai thực hiện theo các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước, bảo đảm phù hợp với quy hoạch phát triển của các ngành, lĩnh vực, góp phần giảm thiểu thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra.

4. Về văn hoá - xã hội

4.1. Giáo dục và đào tạo đạt kết quả toàn diện, đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực trong giai đoạn mới

Hệ thống giáo dục và đào tạo có bước phát triển; đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục được quan tâm về chất lượng (100% đạt chuẩn trở lên). Công tác phổ cập giáo dục các cấp học tiếp tục được duy trì và từng bước nâng cao. Chất lượng giáo dục đại trà, giáo dục mũi nhọn, giáo dục thường xuyên được nâng lên. Phát triển giáo dục đào tạo vùng dân tộc thiểu số, miền núi được quan tâm, đã xóa toàn bộ phòng học tạm trên địa bàn tỉnh. Xã hội hóa giáo dục được đẩy mạnh; phong trào xây dựng xã hội học tập được triển khai sâu rộng. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học từng bước được đầu tư; đã bước đầu hình thành các cơ sở giáo dục ngoài công lập theo hướng chất lượng cao.

Hệ thống các trường đại học, cao đẳng, trung cấp và giáo dục nghề nghiệp tiếp tục có nhiều đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo gắn với nhu cầu của thị trường và xã hội. Hoạt động liên kết đào tạo quốc tế được mở rộng.

4.2. Kết quả thực hiện các chính sách xã hội; giải quyết việc làm, giảm nghèo và nâng cao đời sống nhân dân

Các chính sách an sinh, phúc lợi xã hội được chỉ đạo triển khai đồng bộ, kịp thời đạt hiệu quả thiết thực, nhất là các chính sách đối với người có công với cách mạng, đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn và miền núi.

Tập trung thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững gắn với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đã tạo điều kiện để hộ nghèo tiếp cận tốt hơn các dịch vụ xã hội cơ bản; cơ sở hạ tầng của các xã khó khăn và đặc biệt khó khăn được tăng cường; đời sống người nghèo được cải thiện. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh bình quân giảm 2,06%/năm, năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo còn 3,1%; phong trào thi đua “Thái Nguyên chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau” được các cấp, ngành, cộng đồng và nhân dân tích cực hưởng ứng.

Các chính sách bảo trợ xã hội, bảo vệ chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới được quan tâm thực hiện. Giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh trợ cấp xã hội hằng tháng khoảng 194 nghìn lượt đối tượng; năm 2020 có trên 90% số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được quan tâm chăm sóc; 75% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn xã/phường/thị trấn phù hợp với trẻ em[4]; trẻ em ngày càng được hưởng đầy đủ hơn các quyền cơ bản của mình.

Đào tạo lao động, giải quyết việc làm, an toàn vệ sinh lao động được quan tâm chú trọng; tích cực chuyển dịch cơ cấu lao động đáp ứng cung - cầu, thị trường lao động, giảm tỷ lệ lao động thất nghiệp[5].

4.3. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân

Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân; công tác giám sát, phòng chống dịch, bệnh được coi trọng và có nhiều tiến bộ. Hệ thống y tế công lập từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục được sắp xếp tinh gọn, gắn với việc đổi mới phong cách, thái độ phục vụ, nâng cao y đức của đội ngũ thầy thuốc hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Quan tâm, khuyến khích phát triển hệ thống y tế ngoài công lập.

Cơ sở vật chất khám, chữa bệnh được quan tâm đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại. Tập trung phát triển y tế chuyên sâu, nhiều kỹ thuật mới trong khám, chữa bệnh được triển khai thành công đã góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh chăm sóc sức khỏe nhân dân và giảm tải cho tuyến trên[6].

4.4. Phát triển văn hoá, thể dục thể thao, thông tin và truyền thông

Hoạt động văn hóa, báo chí, thông tin, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đã bám sát nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ tỉnh, có nhiều đổi mới đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tinh thần của nhân dân; đã tuyên truyền kịp thời và toàn diện các mặt đời sống xã hội góp phần ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, thiết chế văn hóa, thể thao; công tác quản lý, bảo vệ, tu bổ và khai thác, phát huy giá trị văn hóa trên địa bàn được tăng cường. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” được triển khai sâu rộng, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Hoạt động thể dục thể thao quần chúng được tăng cường; thể thao thành tích cao được quan tâm, đầu tư.

4.5. Phát triển khoa học và công nghệ

Hoạt động khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh tiếp tục có chuyển biến tích cực. Việc thực hiện các chương trình nghiên cứu, việc ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất và đời sống được chú trọng. Triển khai Chương trình hợp tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh, thế mạnh của Đại học Thái Nguyên. Nhiều đề tài, dự án nghiên cứu, mô hình sản xuất được ứng dụng và nhân rộng có kết quả trong sản xuất và đời sống, góp phần khai thác hiệu quả các tiềm năng lợi thế của tỉnh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao đời sống của nhân dân.

Công tác quản lý nhà nước về khoa học, công nghệ; tiêu chuẩn, đo lường chất lượng, chống hàng giả, hàng kém chất lượng, bảo vệ người tiêu dùng, bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ và quyền sở hữu công nghiệp được tăng cường.

5. Công tác quốc phòng, an ninh, nội chính, đối ngoại

5.1. Công tác quốc phòng, quân sự địa phương

Thực hiện hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương về công tác quốc phòng, quân sự địa phương. Đã chú trọng xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện; xây dựng, củng cố “thế trận lòng dân” gắn với thế trận quốc phòng, an ninh; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc, nhất là tại các địa bàn trọng điểm, sẵn sàng đối phó với mọi tình huống xảy ra.

Lực lượng vũ trang địa phương được quan tâm xây dựng, chất lượng tổng hợp và khả năng sẵn sàng chiến đấu được nâng lên. Công tác động viên quân dự bị, tuyển quân bảo đảm 100% chỉ tiêu. Duy trì nghiêm chế độ sẵn sàng chiến đấu, cứu hộ, cứu nạn, phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai. Tổ chức huấn luyện, diễn tập khu vực phòng thủ cấp tỉnh, cấp huyện, diễn tập phòng thủ cấp xã bảo đảm hiệu quả, an toàn[7]. Công tác tuyên truyền, giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho cán bộ, đảng viên và nhân dân được tăng cường; đẩy mạnh tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo nhằm nâng cao ý thức cảnh giác cách mạng cho toàn dân, phòng, chống có hiệu quả chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội.

Công tác quản lý nhà nước về quốc phòng được thực hiện chặt chẽ. Kết hợp giữa phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng, an ninh; thường xuyên rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội gắn với quy hoạch tổng thể bố trí quốc phòng. Thực hiện có hiệu quả Đề án xây dựng thế trận quân sự trong khu vực phòng thủ tỉnh giai đoạn 2017-2025, tầm nhìn đến 2035; đầu tư xây dựng các công trình quân sự trong căn cứ chiến đấu, thao trường, phục vụ huấn luyện, diễn tập và tác chiến lâu dài. Công tác quản lý, bảo vệ các công trình quốc phòng và công trình phòng thủ dân sự được tăng cường. Kịp thời tiếp nhận, thu gom, phân loại, vận chuyển và hủy nổ bom, mìn, vật liệu nổ các loại theo quy định, bảo đảm an toàn tuyệt đối.

5.2. Công tác bảo đảm an ninh, trật tự

An ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh được giữ vững và ổn định. Bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu trọng điểm, các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa lớn và hoạt động của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đoàn khách quốc tế đến thăm và làm việc tại địa phương. Công tác nắm, dự báo tình hình, bảo đảm an ninh, trật tự trên các lĩnh vực được quan tâm; kịp thời phát hiện, đấu tranh ngăn chặn, giải quyết có hiệu quả những vấn đề phức tạp, không để xảy ra “điểm nóng” về an ninh, trật tự, không có xung đột về dân tộc, tôn giáo; chủ động phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với số đối tượng cực đoan, cầm đầu chống đối chính trị. Thực hiện tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ; thường xuyên kiểm tra, chấn chỉnh và nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ bí mật nhà nước.

Đã huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội. Điều tra khám phá, xử lý kịp thời, nghiêm minh các loại tội phạm (tỷ lệ điều tra, khám phá án về trật tự xã hội đạt 84,8%, trong đó án đặc biệt nghiêm trọng đạt 94,5%). Công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, phòng, chống cháy nổ, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn được tăng cường; trật tự, an toàn giao thông có chuyển biến tích cực, tai nạn giao thông hằng năm giảm cả 03 tiêu chí (số vụ, số người chết và bị thương). Thực hiện tốt công tác quản lý, thu hồi vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ[8]. Phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” thu hút sự tham gia, hưởng ứng thực hiện của các tầng lớp nhân dân.

Lực lượng Công an được quan tâm xây dựng chính quy, từng bước hiện đại, hướng về cơ sở, phát huy tốt vai trò nòng cốt trong công tác bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

5.3. Công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng

Công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng có những chuyển biến tích cực. Vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương trong phòng, chống tham nhũng được nâng lên. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về phòng, chống tham nhũng được tăng cường. Thực hiện nghiêm các biện pháp phòng ngừa tham nhũng; vai trò, trách nhiệm của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, báo chí và nhân dân trong công tác phòng, chống tham nhũng được phát huy. Các cơ quan, đơn vị có chức năng phát hiện, xử lý tham nhũng được quan tâm củng cố, kiện toàn. Hoạt động thanh tra, kiểm tra về phòng, chống tham nhũng được tăng cường; thực hiện tốt việc rà soát các cuộc thanh tra kinh tế - xã hội và việc thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước trên địa bàn tỉnh. Công tác phối hợp giữa các cơ quan nội chính, kiểm tra, giám sát của Đảng với cơ quan thanh tra, kiểm tra, điều tra trong việc phát hiện, xử lý tham nhũng được thực hiện thường xuyên. Qua rà soát đã kịp thời phát hiện và chuyển cơ quan điều tra các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng. Các vụ án tham nhũng được điều tra, truy tố, xét xử kịp thời, nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật, thu hồi tối đa tài sản đã bị chiếm đoạt[9].

5.4. Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo

Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được tăng cường. Nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được nâng lên; tổ chức nhiều cuộc tiếp xúc, đối thoại với nhân dân để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, kịp thời giải đáp kiến nghị, phản ánh của nhân dân, nhất là đối với những vụ việc phức tạp hoặc tại các địa bàn chuẩn bị triển khai dự án phát triển kinh tế - xã hội. Các vụ việc khiếu nại, tố cáo được quan tâm giải quyết, tỷ lệ giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của các cơ quan hành chính các cấp bình quân hằng năm đạt trên 90%. Thường xuyên kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài để tập trung xử lý, giải quyết dứt điểm.

5.5. Công tác dân tộc, tôn giáo

Công tác dân tộc được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm thực hiện. Nhiều chương trình, dự án đầu tư tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi phát huy hiệu quả; thực hiện đầy đủ chính sách dân tộc, chuyển dần từ các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho từng hộ sang hỗ trợ cộng đồng, nhóm hộ, hỗ trợ người dân vươn lên thoát nghèo. Cơ sở hạ tầng từng bước được đầu tư; diện mạo vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã có sự thay đổi theo hướng tích cực; tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh; đời sống vật chất và tinh thần của người dân vùng dân tộc thiểu số, miền núi được cải thiện. Hệ thống chính trị cơ sở ở vùng dân tộc thiểu số được quan tâm xây dựng và củng cố; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; niềm tin của đồng bào dân tộc thiểu số đối với các cấp ủy Đảng, chính quyền được nâng lên.

Công tác quản lý nhà nước về tôn giáo được tăng cường; triển khai hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về tôn giáo; quan tâm, kịp thời giải quyết, cơ bản đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng chính đáng, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân. Hoạt động của các tôn giáo cơ bản tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật, tin tưởng vào đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Cộng đồng các tôn giáo trên địa bàn đoàn kết cùng nhau xây dựng tỉnh phát triển.

5.6. Hoạt động đối ngoại

Hoạt động đối ngoại được mở rộng; củng cố, tăng cường quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực giữa tỉnh với các địa phương trong và ngoài nước. Hoạt động kinh tế đối ngoại không ngừng được đẩy mạnh, góp phần quan trọng vào thành tựu tăng trưởng kinh tế - xã hội của tỉnh. Công tác văn hóa đối ngoại và thông tin đối ngoại được triển khai thực hiện tích cực và chủ động. An ninh đối ngoại của tỉnh cơ bản được bảo đảm. Vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài tiếp tục được duy trì, đẩy mạnh và có hiệu quả.

6. Xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị

6.1. Công tác chính trị, tư tưởng

Các cấp ủy đảng đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác tuyên truyền chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bồi dưỡng về lý luận chính trị, góp phần nâng cao nhận thức chính trị tư tưởng, củng cố khối đại đoàn kết, thống nhất ý chí, hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Hoạt động chống “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa đạt được những kết quả tích cực, bảo đảm ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Công tác tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đã được đổi mới về phương thức, bảo đảm đầy đủ, kịp thời, nghiêm túc, thiết thực, phù hợp điều kiện thực tiễn và gắn với nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị.

Đã tập trung công tác lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng hoạt động báo chí trên địa bàn tỉnh. Các cơ quan báo chí, truyền thông, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp thực hiện tốt công tác thông tin thời sự đến cán bộ, đảng viên và nhân dân. Công tác nắm bắt, phân tích, xử lý, định hướng dư luận xã hội được đổi mới về nội dung, hình thức hoạt động, góp phần giải quyết kịp thời vấn đề phức tạp, nhạy cảm mới phát sinh, định hướng tư tưởng cho nhân dân, tạo sự đồng thuận trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị.

Triển khai thực hiện có hiệu quả việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và các quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; các giải pháp để đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, tạo chuyển biến tích cực về ý thức tu dưỡng rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, chấn chỉnh lề lối, tác phong làm việc của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, góp phần tăng cường xây dựng Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong sạch, vững mạnh.

6.2. Công tác tổ chức xây dựng Đảng

Phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng tiếp tục được đổi mới, hoàn thiện. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng có chuyển biến rõ rệt; số lượng, chất lượng đội ngũ đảng viên được nâng lên; việc đánh giá, xếp loại tổ chức đảng, đảng viên sát thực hơn. Phần lớn tổ chức cơ sở đảng giữ vững, phát huy vai trò hạt nhân chính trị ở cơ sở, lãnh đạo cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của các cơ quan trong hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ và tinh giản biên chế theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị được triển khai thực hiện với quyết tâm cao, tích cực, đồng bộ, bước đầu đạt được kết quả nhất định: Giảm số lượng đầu mối đơn vị trực thuộc[10], số lượng cán bộ lãnh đạo[11], số biên chế và số người hưởng lương ngân sách nhà nước so với nhiệm kỳ trước theo quy định nhưng vẫn bảo đảm hiệu quả hoạt động của cơ quan, đơn vị.

Công tác cán bộ có nhiều đổi mới, chủ động, bám sát yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị, các khâu trong công tác cán bộ được triển khai thực hiện đồng bộ theo kế hoạch, quy trình, quy định, quy chế cụ thể, bảo đảm nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, đúng quy định của pháp luật. Trong đó, công tác đánh giá cán bộ được thực hiện đa chiều, bám sát vào tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá đối với từng chức danh cán bộ, gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ của cán bộ; công tác quy hoạch cán bộ được thực hiện nền nếp, bảo đảm phương châm “động và mở”; công tác luân chuyển, điều động, bổ nhiệm cán bộ được thực hiện kịp thời, gắn với việc sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đồng thời chú trọng xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số, bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định, chủ động không để xảy ra tình trạng thiếu hụt cán bộ. Công tác bảo vệ Đảng, bảo vệ chính trị nội bộ được chú trọng, gắn với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; chính sách cán bộ được bảo đảm, thực hiện đầy đủ.

6.3. Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng

Công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng được các cấp ủy đảng quan tâm chỉ đạo, chất lượng, hiệu quả được nâng lên; thường xuyên tổ chức các cuộc kiểm tra, giám sát theo quy định của Điều lệ Đảng, chương trình kiểm tra, giám sát của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các ban Đảng của Trung ương và của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Công tác giám sát đã được mở rộng, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, kết hợp kiểm tra, giám sát theo định kỳ tập trung vào các vấn đề nổi cộm, phức tạp trên địa bàn để phát hiện, xử lý, uốn nắn kịp thời những vi phạm.

Trong nhiệm kỳ, các cấp ủy đảng đã tiến hành kiểm tra, giám sát đối với 7.388 tổ chức đảng và 5.353 đảng viên. Trong đó, đã phát hiện và thi hành kỷ luật đối với 17 tổ chức đảng bằng hình thức khiển trách (cấp huyện và tương đương 16 tổ chức; cấp cơ sở 01 tổ chức) và 462 đảng viên (Khiển trách 299; Cảnh cáo 141; cách chức 10; khai trừ 12). Bên cạnh đó, giám sát chuyên đề đối với 921 tổ chức đảng và 298 đảng viên, qua giám sát đã phát hiện và chuyển sang kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 07 tổ chức, 07 đảng viên theo quy trình. Ủy ban kiểm tra các cấp đã kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 124 tổ chức đảng và 207 đảng viên, qua kiểm tra đã kết luận có 16 tổ chức đảng vi phạm, trong đó có 8 tổ chức vi phạm đến mức phải thi hành kỷ luật; 139 đảng viên có vi phạm, vi phạm đến mức phải thi hành kỷ luật là 39 trường hợp.

Qua kiểm tra, giám sát đã chủ động giáo dục, phòng ngừa, đấu tranh nhằm ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm kỷ luật đảng; giúp cấp ủy đánh giá đúng những ưu điểm, khuyết điểm của tổ chức đảng và đảng viên trong lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.

Đã phối hợp chặt chẽ giữa công tác kiểm tra, giám sát của Đảng với công tác thanh tra, kiểm toán của Nhà nước, hoạt động của các cơ quan tư pháp, giám sát, phản biện của các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân góp phần nâng cao chất lượng công tác tham mưu, tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật trong Đảng.

6.4. Công tác dân vận

Công tác dân vận đạt được nhiều kết quả quan trọng, chất lượng và hiệu quả thực hiện được nâng lên. Nhận thức về vai trò, vị trí, trách nhiệm, nhiệm vụ công tác dân vận, công tác vận động quần chúng của các tổ chức trong hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền có sự chuyển biến tích cực. Nội dung, phương pháp lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, các cơ quan, đơn vị có nhiều đổi mới. Kịp thời cụ thể hóa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” thành các quy chế, quy định để triển khai thực hiện, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết, củng cố niềm tin, tạo sự đồng thuận trong nhân dân.

Công tác dân vận chính quyền được quan tâm, chỉ đạo thực hiện, đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới phương thức quản lý theo hướng tăng cường tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân, góp phần siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, quan tâm xây dựng nền hành chính phục vụ nhân dân theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Tổ chức các hội nghị tiếp xúc, đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh để kịp thời chỉ đạo giải quyết; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nảy sinh tại cơ sở.

Hệ thống dân vận các cấp đã phát huy tốt vai trò tham mưu cho cấp ủy, chính quyền trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động lớn của tỉnh như: Phong trào thi đua “Dân vận khéo”, “Thái Nguyên chung sức xây dựng nông thôn mới”, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; triển khai thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định sản xuất và đời sống; làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thi đua lao động sản xuất, tham gia phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở được tăng cường, đã phát huy hiệu quả vai trò của ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng trong thực hiện dân chủ tại các địa phương, cơ quan, đơn vị. Hiện nay, toàn tỉnh có 100% xóm, tổ dân phố xây dựng được hương ước, quy ước; thành lập được 180 ban thanh tra nhân dân; 250 ban giám sát đầu tư của cộng đồng; trên 2.600 tổ dân vận và hàng nghìn mô hình “dân vận khéo”. Công tác dân vận trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đồng bào có đạo được chú trọng.

6.5. Hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp

* Hoạt động của Hội đồng nhân dân:

Hoạt động của Hội đồng nhân dân (HĐND) có nhiều đổi mới, chất lượng, hiệu quả từng bước được nâng lên. HĐND các cấp đã cụ thể hóa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước thành các cơ chế, chính sách, quyết định những vấn đề của địa phương trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội([12]). Các nghị quyết được ban hành đúng trình tự, thủ tục theo quy định, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, phù hợp với thực tế của địa phương; đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của cử tri. Qua đó thể hiện được năng lực, trình độ, trách nhiệm của các đại biểu HĐND trong việc thực hiện nhiệm vụ của đại biểu dân cử.

Thực hiện chức năng giám sát, ngoài hoạt động giám sát thường xuyên và giám sát chuyên đề theo quy định([13]), Thường trực HĐND tỉnh đã tổ chức 03 phiên chất vấn, 01 phiên giải trình giữa 2 kỳ họp. Các nội dung chất vấn, giải trình đều là những vấn đề xã hội quan tâm, liên quan trực tiếp đến quá trình điều hành phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đặc biệt, HĐND các cấp đã quan tâm tích cực tới việc giám sát giải quyết các ý kiến, kiến nghị cử tri gửi đến các kỳ họp, qua đó, nhiều ý kiến đã được tích cực xem xét giải quyết, việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri sau giám sát và qua kiến nghị của HĐND tỉnh được các cấp chính quyền tổ chức thực hiện nghiêm túc hơn, chất lượng giải quyết, trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri từng bước được nâng cao. Thông qua giám sát, HĐND, Thường trực HĐND, các ban HĐND đã làm rõ những bất cập về cơ chế, chính sách, những tồn tại, hạn chế, đề xuất các giải pháp để báo cáo cấp ủy và cấp có thẩm quyền, đồng thời thông báo đến các cấp, các ngành có liên quan để triển khai thực hiện.

Hoạt động tiếp xúc cử tri có nhiều đổi mới, gắn tiếp xúc cử tri với đối thoại, giải quyết các vấn đề, kiến nghị của cử tri. Ý kiến, kiến nghị của cử tri được phân loại, tổng hợp báo cáo tại các kỳ họp HĐND và gửi đến cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri được Thường trực HĐND các cấp tổ chức giám sát thường kỳ và được HĐND ban hành Nghị quyết tại mỗi kỳ họp ([14]).

HĐND các cấp đã ban hành Quy chế tiếp công dân, xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân. Thường trực HĐND các cấp thực hiện tiếp công dân thường xuyên và định kỳ theo quy định tại Trụ sở tiếp công dân; tiếp nhận, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân; đồng thời thường xuyên theo dõi, đôn đốc, giám sát việc giải quyết([15]).

* Hoạt động của Ủy ban nhân dân:

Hoạt động của Ủy ban nhân dân (UBND) các cấp tiếp tục được đổi mới theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả; thực hiện tốt quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ, không ngừng nâng cao kỷ cương, kỷ luật hành chính, đề cao đạo đức công vụ và văn hóa công sở; thường xuyên kiểm điểm đánh giá tình hình thực hiện các mục tiêu đề ra; đồng thời chủ động, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Tập trung chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm, triển khai đồng bộ, kịp thời các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; công tác quy hoạch, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, giải phóng mặt bằng, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế, quản lý tài chính, thu ngân sách được đẩy mạnh; chỉ đạo quyết liệt và có hiệu quả các giải pháp nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chỉ số quản trị hành chính công... Huy động sự vào cuộc của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân, tạo được sự đồng thuận trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; tăng cường mở rộng quan hệ đối ngoại với các nước, các địa phương; tập trung khai thác mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.

Triển khai quyết liệt các giải pháp về cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư như: Cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, khoa học công nghệ, hỗ trợ tìm kiếm thị trường, định kỳ tổ chức đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn tỉnh.

Về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, các xóm, tổ dân phố: Toàn tỉnh thực hiện sáp nhập 1.294 xóm, tổ dân phố để thành lập 598 xóm, tổ dân phố mới, giảm 696 xóm, tổ dân phố, từ 3.032 xóm, tổ dân phố xuống còn 2.336 xóm, tổ dân phố (1.816 xóm và 520 tổ dân phố). Thực hiện điều chỉnh địa giới hành chính giữa thành phố Thái Nguyên và 03 địa phương Phú Bình, Phú Lương, Đồng Hỷ; sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã theo đúng quy định của pháp luật (giảm 02 đơn vị hành chính cấp xã). Sau khi sắp xếp, toàn tỉnh có 178 xã, phường, thị trấn (137 xã, 32 phường, 9 thị trấn).

6.6. Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội

Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội đã chú trọng xây dựng, củng cố tổ chức, đa dạng hóa các loại hình tập hợp đoàn viên, hội viên, các tầng lớp nhân dân phù hợp với đặc thù từng vùng miền, từng đối tượng. Các phong trào thi đua, các cuộc vận động được triển khai đồng bộ, bằng nhiều hình thức đa dạng, linh hoạt, có trọng tâm, trọng điểm, tạo sức lan tỏa rộng khắp, với phương châm hướng về cơ sở, cộng đồng dân cư góp phần thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đoàn viên, hội viên và nhân dân. Đến nay, tỷ lệ đoàn viên, hội viên tham gia sinh hoạt trong các tổ chức chính trị - xã hội đạt bình quân 81,86%.

Công tác giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội đã có nhiều chuyển biến. Chất lượng hoạt động giám sát, phản biện xã hội dần được nâng lên; việc tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền đã chủ động hơn, qua đó mở rộng và phát huy dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội, củng cố niềm tin và mối quan hệ mật thiết của Đảng, Nhà nước với nhân dân, góp phần xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Công tác phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội với chính quyền trong thực hiện công tác vận động quần chúng tiếp tục được đẩy mạnh; phát huy quyền làm chủ của nhân dân thông qua việc thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, việc tiếp công dân; đẩy mạnh việc tiếp xúc, đối thoại định kỳ, đột xuất với nhân dân để kịp thời giải quyết những ý kiến, kiến nghị của cử tri, của nhân dân ngay từ cơ sở.

6.7. Công tác cải cách hành chính

Công tác cải cách hành chính (CCHC) được tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực; nhận thức của người đứng đầu, của cán bộ, công chức đối với công tác CCHC được nâng lên; trách nhiệm của các ngành, các cấp được phân định rõ hơn; các chỉ số về CCHC được cải thiện (Chỉ số cải cách hành chính - Par Index năm 2018 xếp thứ 18/63; chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh - PAPI năm 2018 xếp thứ 12/63 tỉnh, thành trong cả nước; chỉ số hài lòng của người dân - SIPAS đạt trên 80%) góp phần nâng cao chất lượng phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong thực hiện thủ tục hành chính.

Cải cách thể chế hành chính được quan tâm, chú trọng thực hiện thông qua việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật kịp thời, đúng quy trình, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất và khả thi cao.

Cải cách thủ tục hành chính (TTHC) và thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” được nâng cao, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC thông qua một cửa điện tử; thường xuyên rà soát, đánh giá TTHC nhằm kiến nghị các bộ, ngành cắt giảm, đơn giản hóa TTHC (năm 2018-2019 đề nghị đơn giản hóa 59 TTHC); UBND tỉnh cắt giảm 04 TTHC thuộc thẩm quyền (hiện nay TTHC thuộc thẩm quyền ban hành của UBND cấp tỉnh chỉ còn 01 TTHC).

Thực hiện kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy cơ quan hành chính; sắp xếp, hợp nhất, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định; chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được nâng lên. 100% cơ quan, đơn vị thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính.

Đã xây dựng và thực hiện Khung kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh Thái Nguyên. Bước đầu hoàn thiện nền tảng kết nối chính quyền điện tử của tỉnh tại các hệ thống thông tin dùng chung, bảo đảm phục vụ 100% cơ quan Đảng, Nhà nước trên địa bàn tỉnh, đáp ứng sự chỉ đạo liên thông, xuyên suốt 4 cấp từ Chính phủ đến cấp xã và ngược lại. Xây dựng, áp dụng 570 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp.

6.8. Công tác cải cách tư pháp

Công tác cải cách tư pháp được triển khai đồng bộ, hiệu quả. Tổ chức bộ máy của các cơ quan tư pháp, bổ trợ tư pháp được củng cố, kiện toàn theo hướng tinh gọn, hiệu quả, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền. Trình độ chuyên môn nghiệp vụ, phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ cán bộ tư pháp, bổ trợ tư pháp được nâng lên.

Hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án được thực hiện theo quy định của pháp luật, chất lượng được nâng cao, góp phần bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Hoạt động bổ trợ tư pháp cơ bản đáp ứng yêu cầu của các cơ quan tư pháp và nhu cầu của xã hội, nhiều lĩnh vực thực hiện xã hội hóa bước đầu phát huy tốt hiệu quả (như công chứng, bán đấu giá tài sản…). Kinh phí, cơ sở vật chất, phương tiện phục vụ hoạt động tư pháp, bổ trợ tư pháp từng bước được đầu tư.

III. ĐÁNH GIÁ CHUNG

1. Thành tựu đạt được và nguyên nhân

1.1. Thành tựu

Kinh tế của tỉnh tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao; các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đều đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XIX đề ra; cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh và bứt phá ở khu vực công nghiệp. Thu ngân sách nhà nước đạt kết quả cao, gấp 2,1 lần so với năm 2015. Môi trường đầu tư, năng lực cạnh tranh và thu hút đầu tư có nhiều chuyển biến tích cực. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư nâng cấp. Diện mạo của tỉnh từ thành thị đến nông thôn có nhiều khởi sắc.

Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được tăng cường trên các mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; hoạt động của chính quyền và đoàn thể các cấp có những chuyển biến tích cực. Quốc phòng, quân sự địa phương, an ninh chính trị được bảo đảm; trật tự, an toàn xã hội được giữ vững, ổn định, tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Nhiều giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc được bảo tồn và phát huy; công tác an sinh xã hội được bảo đảm, dân trí được nâng lên; chất lượng cuộc sống của đại bộ phận nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng cao.

1.2. Nguyên nhân

Được sự quan tâm, chỉ đạo và sự giúp đỡ của Trung ương; sự phối hợp, cộng tác của một số địa phương trong và ngoài nước. Kế thừa thành tựu đã đạt được trong quá trình xây dựng và phát triển. Kết hợp phát huy nội lực với việc thu hút, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực từ bên ngoài trong triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Cấp ủy đảng, chính quyền các cấp đã năng động, sáng tạo, đoàn kết trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; tập trung vào những vấn đề, lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm, sát với thực tế của địa phương, đơn vị. Công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư được triển khai tích cực, đồng bộ.

Khối đại đoàn kết toàn dân được tăng cường. Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đồng thuận, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp, nỗ lực vượt qua những khó khăn, thách thức.

2. Hạn chế, tồn tại và nguyên nhân

2.1. Hạn chế, tồn tại

Tăng trưởng kinh tế chưa có sự đóng góp nhiều của khu vực kinh tế trong nước. Hiệu quả thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn còn thấp; phát triển sản phẩm nông nghiệp hàng hóa có thương hiệu mạnh, giá trị gia tăng cao còn hạn chế. Các khu đô thị chưa đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch được duyệt, ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Công tác quản lý nhà nước về tài nguyên, xây dựng cơ bản, quy hoạch, tài chính tại một số địa phương còn bất cập; xử lý ô nhiễm môi trường, cấp thoát nước, giao thông đô thị còn hạn chế. Một số khu, cụm công nghiệp triển khai còn chậm. Hoạt động du lịch phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, sản phẩm du lịch chưa phong phú, thiếu sản phẩm du lịch chủ đạo.

Việc giải quyết nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp, nhà ở cho công nhân tại khu công nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu. Đời sống một bộ phận người dân ở khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn.

Công tác quán triệt, triển khai, tuyên truyền chỉ thị, nghị quyết của một số cấp ủy, tổ chức đảng đôi khi còn hình thức, hiệu quả chưa cao. Sự phối hợp giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị về công tác dân vận có lúc, có nơi chưa chặt chẽ. Hoạt động giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội còn có khó khăn, bất cập.

Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số cấp ủy và tổ chức đảng còn hạn chế. Công tác phát triển đảng viên mới, xây dựng tổ chức đảng trong doanh nghiệp ngoài nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài còn gặp nhiều khó khăn. Việc tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng ở một số tổ chức đảng kết quả còn hạn chế.

Công tác kiểm tra, giám sát của một số cấp ủy có lúc, có việc chưa kịp thời; việc ngăn chặn, xử lý vi phạm còn có nội dung chưa triệt để, chưa đủ sức răn đe; khắc phục hạn chế, khuyết điểm sau kiểm tra, giám sát đôi khi còn chậm. Việc phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực qua công tác tự kiểm tra, giám sát của một số tổ chức đảng còn hạn chế.

2.2. Nguyên nhân

* Nguyên nhân khách quan

Tình hình an ninh chính trị của khu vực và quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp; một số cơ chế, chính sách của Trung ương còn bất cập, chưa đồng bộ; nguồn lực đầu tư cho các chương trình, đề án, công trình trọng điểm còn hạn chế; tình hình thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

* Nguyên nhân chủ quan

Một số chủ trương, nghị quyết chậm được thể chế và cụ thể hóa. Việc xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình, đề án, công trình trọng điểm của tỉnh chưa gắn với khả năng nguồn lực của địa phương, một số nội dung chưa gắn với các yêu cầu, nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh.

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở trên một số lĩnh vực chưa theo kịp yêu cầu của thực tiễn. Nhận thức về vai trò công tác đảng ở một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa đầy đủ.

Một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa nắm vững các quy định, chưa quan tâm đúng mức đối với công tác kiểm tra, giám sát.

Sự phối hợp giữa một số tổ chức, cơ quan, đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ có lúc, có việc chưa chặt chẽ, hiệu quả thấp. Năng lực một số cán bộ các sở, ngành, địa phương và ở cơ sở còn chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Một số cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu chưa thực hiện hết trách nhiệm, thiếu chủ động, sáng tạo. Trình độ, năng lực, phẩm chất của một bộ phận cán bộ, đảng viên còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đề ra.

IV. BÀI HỌC KINH NGHIỆM

Một là, tập trung cao cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành gắn với trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ. Xác định rõ vai trò, trách nhiệm, đặc biệt là trách nhiệm người đứng đầu trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị. Trong tổ chức thực hiện phải quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm tạo đột phá; kịp thời phát hiện những vướng mắc, phát sinh để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp.

Hai là, tích cực cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Tập trung đầu tư hạ tầng kỹ thuật. Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực phục vụ tăng trưởng và phát triển kinh tế. Cân bằng giữa tăng trưởng và phát triển bền vững; giữa đầu tư trong nước và nước ngoài.

Ba là, phát huy truyền thống cách mạng và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, tập trung sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.

Bốn là, làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao phẩm chất, đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên gắn với đẩy mạnh “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và các Nghị quyết của Trung ương về xây dựng Đảng. Tăng cường tổng kết thực tiễn. Quan tâm công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo.

Năm là, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, vai trò làm chủ của nhân dân, phát triển kinh tế đi đôi với phát triển văn hóa, phát triển toàn diện con người; tăng cường tiếp xúc, đối thoại với nhân dân, lắng nghe và giải quyết các khó khăn, vướng mắc ngay từ cơ sở; tổ chức tốt các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước trong các tầng lớp nhân dân thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Phần thứ hai:

MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP NHIỆM KỲ 2020-2025

* Dự báo bối cảnh tình hình chung

Tình hình thế giới sẽ tiếp tục diễn biến hết sức nhanh chóng, phức tạp, khó lường, nhưng hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn. Cạnh tranh chiến lược, xung đột tiếp tục diễn ra dưới nhiều hình thức, phức tạp và gay gắt hơn. Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế tiếp tục tiến triển, nhưng gặp nhiều trở ngại, thách thức. Hợp tác, cạnh tranh, đấu tranh và sự tùy thuộc lẫn nhau giữa các nước, nhất là giữa các nước lớn ngày càng gia tăng. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển mạnh mẽ, tạo bước đột phá trên nhiều lĩnh vực, tạo ra cả thời cơ và thách thức đối với mọi quốc gia. Những vấn đề toàn cầu như bảo vệ hòa bình và an ninh phi truyền thống: An ninh lương thực, an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước, an ninh tài chính, an ninh mạng, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh… tiếp tục diễn biến phức tạp.

Khu vực Đông Nam Á có vị trí chiến lược ngày càng quan trọng, là khu vực cạnh tranh giữa các cường quốc, tiềm ẩn nhiều bất ổn. Tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển, đảo diễn ra căng thẳng, phức tạp hơn. Bảo đảm tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông và trong khu vực đứng trước thách thức, nguy cơ lớn. ASEAN có vai trò quan trọng trong duy trì hòa bình, ổn định, thúc đẩy hợp tác khu vực, nhưng cũng đứng trước nhiều khó khăn, thách thức.

Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng hơn sẽ phải thực hiện đầy đủ các cam kết khi tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Nền kinh tế phát triển chưa bền vững, còn nhiều khó khăn, thách thức. Xu hướng già hóa dân số nhanh.

Thái Nguyên nằm trong vùng thủ đô Hà Nội, là một trong những tỉnh trung tâm vùng Trung du và Miền núi phía Bắc, có nhiều thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Kinh tế của tỉnh có quy mô tương đối lớn, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và các dự án lớn sẽ là những yếu tố quan trọng để phát triển kinh tế của tỉnh. Tuy nhiên, cơ cấu kinh tế chuyển dịch chưa đáp ứng sự biến động nhanh chóng của nhu cầu thị trường trong và ngoài nước; công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển; các vấn đề ô nhiễm môi trường chưa được giải quyết triệt để; hạ tầng giao thông, đô thị chưa đồng bộ; các lợi thế so sánh đang giảm dần vai trò; chi phí mặt bằng, đầu tư kinh doanh gia tăng đang là những thách thức, rào cản đối với sự phát triển chung của tỉnh Thái Nguyên.

I. MỤC TIÊU, CHỈ TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; phát huy dân chủ, đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo; giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực; xây dựng tỉnh Thái Nguyên phát triển nhanh và bền vững, phấn đấu đến năm 2030 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

2. Chỉ tiêu chủ yếu

(1) Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân từ 8%/năm trở lên[16].

(2) Cơ cấu kinh tế năm 2025: Công nghiệp, xây dựng 61%; dịch vụ 31%; nông, lâm nghiệp, thủy sản 8%.

(3) Giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân từ 9%/năm trở lên.

(4) Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng bình quân 3,5%/năm.

(5) Giá trị xuất khẩu trên địa bàn tăng bình quân 7%/năm; trong đó, xuất khẩu địa phương tăng bình quân 11%/năm.

(6) Thu ngân sách nhà nước trong cân đối (không bao gồm thu tiền sử dụng đất, loại trừ các yếu tố ảnh hưởng do chính sách) tăng bình quân 10%/năm.

(7) GRDP bình quân đầu người năm 2025 đạt 150 triệu đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt 100 triệu đồng.

(8) Năm 2025 có 95% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; 06 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và đạt chuẩn nông thôn mới.

(9) Củng cố vững chắc và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục các cấp học; phấn đấu có 90% số trường đạt chuẩn quốc gia. Tiếp tục duy trì tỷ lệ 8% học sinh dân tộc thiểu số được học tại các trường dân tộc nội trú, hoàn thiện cơ sở vật chất các trường nội trú theo hướng hiện đại.

(10) Năm 2025 có 90% gia đình văn hóa; 80% xóm, phố văn hoá; 90% cơ quan đạt chuẩn văn hóa.

(11) Năm 2025 duy trì trên 95% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 98,5%.

(12) Năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 75%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 32%; tỷ lệ thất nghiệp lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị dưới 2%.

(13) Giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân hằng năm (theo chuẩn mới) từ 1% trở lên.

(14) Ổn định tỷ lệ che phủ rừng từ 46% trở lên; có 98% người dân ở nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.

(15) Bình quân hằng năm kết nạp đảng viên đạt tỷ lệ từ 2,5% trở lên so với tổng số đảng viên của Đảng bộ tỉnh đầu nhiệm kỳ. Tỷ lệ tổ chức cơ sở đảng xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ đạt từ 80% trở lên. Tỷ lệ đảng bộ cấp trên cơ sở xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ đạt từ 80% trở lên. Tỷ lệ đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ đạt từ 80% trở lên.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU TRÊN CÁC LĨNH VỰC

1. Lĩnh vực kinh tế

1.1. Xây dựng cơ chế, chính sách bảo đảm phát triển nhanh và bền vững, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng

Tập trung xây dựng quy hoạch tỉnh theo Luật Quy hoạch; tăng cường công tác quản lý quy hoạch một cách toàn diện.

Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù để thu hút các nguồn lực, các nhà đầu tư đến với tỉnh, trong đó ưu tiên thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp với các nhóm ngành có tiềm năng, lợi thế của tỉnh như: Công nghiệp điện, điện tử, công nghiệp cơ khí chế tạo, công nghiệp chế biến khoáng sản, nông, lâm sản gắn với kiểm soát và bảo vệ môi trường.

Từng bước chuyển đổi cơ cấu kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của tỉnh.

1.2. Phát triển công nghiệp

Tận dụng các lợi thế, thành quả, cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; chuyển dịch cơ cấu công nghiệp theo hướng ưu tiên các nhóm ngành, sản phẩm công nghiệp ứng dụng công nghệ cao có giá trị gia tăng lớn; sản xuất hàng xuất khẩu. Tập trung đầu tư phát triển hạ tầng khu, cụm công nghiệp khu vực phía Nam của tỉnh. Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; tập trung phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế so sánh và đóng góp lớn vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; khôi phục và phát triển các lĩnh vực có thế mạnh của tỉnh như ngành cơ khí chế tạo, thu hút đầu tư chế biến sâu trong khai thác khoáng sản để tạo đầu vào cho các ngành cơ khí chế tạo, điện tử.

Phát triển các ngành công nghiệp chế biến sản phẩm nông, lâm nghiệp gắn với vùng nguyên liệu. Huy động một số ngành nghề sử dụng nhiều lao động vào khu vực nông thôn để giải quyết việc làm cho người lao động, hình thành các cụm công nghiệp tại khu vực nông thôn, miền núi.

1.3. Phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản

Tiếp tục thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Trọng tâm là phát triển các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực, thế mạnh của tỉnh; nâng cao chất lượng, giá trị cây chè và sản phẩm trà; hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, sản xuất nông nghiệp an toàn, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, tạo ra sản phẩm có thương hiệu, giá trị, hiệu quả kinh tế, sức cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và xuất khẩu.

Rà soát, xác lập các vùng sản xuất tập trung đối với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh; thực hiện tập trung tích tụ đất đai, dồn điền đổi thửa; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu sản phẩm theo hướng nâng cao giá trị, hiệu quả kinh tế; phát triển kinh tế lâm nghiệp gắn với quản lý rừng bền vững, trong đó đẩy mạnh trồng rừng gỗ lớn, trồng cây dược liệu. Tiếp tục đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Thực hiện hiệu quả các chính sách khuyến khích sản xuất nông nghiệp để thu hút các thành phần kinh tế, nhất là các doanh nghiệp có năng lực và kinh nghiệm đầu tư phát triển nông nghiệp; phát triển kinh tế tập thể; tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại; hợp tác, liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của tỉnh.

1.4. Thực hiện hiệu quả Chương trình xây dựng nông thôn mới

Tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Thái Nguyên chung tay xây dựng nông thôn mới”; huy động, lồng ghép có hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho các xã chưa đạt chuẩn để về đích nông thôn mới và nâng cao chất lượng các tiêu chí đối với các xã đã đạt chuẩn, trong đó quan tâm phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập người dân theo hướng bền vững; hoàn thiện, nâng cao chất lượng hệ thống cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn; nâng cao chất lượng y tế, giáo dục, thiết chế văn hóa, thể thao; xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

1.5. Phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch

Phát triển mạnh khu vực dịch vụ, nhất là các dịch vụ có tiềm năng, lợi thế của địa phương; hình thành các phân ngành, các sản phẩm dịch vụ mới có giá trị gia tăng cao phù hợp với lợi thế của tỉnh và yêu cầu phát triển; tăng dần các dịch vụ cao cấp, chất lượng cao; tăng tỷ trọng của khu vực tư nhân.

Phát triển các dịch vụ hỗ trợ cho phát triển các ngành công nghiệp, nông nghiệp như dịch vụ khoa học công nghệ, giao thông vận tải, bưu chính viễn thông, tài chính ngân hàng và các dịch vụ nông nghiệp khác. Phát triển dịch vụ trong mối liên kết với các tỉnh, thành phố, các trung tâm kinh tế lớn của cả nước.

Hoàn thiện mạng lưới bán buôn và bán lẻ hàng hóa, dịch vụ, tiến tới đưa Thái Nguyên thành một trung tâm giao dịch thương mại, bán buôn, bán lẻ, xúc tiến thị trường và vận động đầu tư lớn.

Quy hoạch các vùng du lịch trọng điểm để bảo tồn nguồn tài nguyên du lịch và thu hút các nhà đầu tư chiến lược, bảo đảm các tài nguyên được sử dụng hiệu quả nhất; sản phẩm du lịch chủ lực của tỉnh là du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Hồ Núi Cốc; du lịch nông nghiệp, trải nghiệm vùng chè và văn hoá trà; du lịch lịch sử về nguồn ATK Định Hoá liên kết với các khu, điểm du lịch và di tích lịch sử văn hoá của các tỉnh, thành trong cả nước. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực du lịch. Khuyến khích thu hút đầu tư hạ tầng du lịch như giao thông, khách sạn, nhà hàng đạt tiêu chuẩn chất lượng cao.

1.6. Tăng cường công tác quản lý tài chính, ngân hàng và hoạt động tín dụng

Tập trung quản lý thu ngân sách nhà nước theo hướng bao quát toàn bộ các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu thuế, nhất là các nguồn thu mới; tăng tỷ trọng thu nội địa, bảo đảm tỷ trọng hợp lý giữa thuế gián thu và thuế trực thu. Khai thác có hiệu quả các nguồn thu từ tài nguyên. Bảo đảm kỷ cương, kỷ luật tài chính; thực hiện nghiêm việc lập, chấp hành, quyết toán các khoản thu, chi theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng ngân sách nhà nước. Tiếp tục cơ cấu lại các khoản chi ngân sách theo hướng giảm chi thường xuyên, tăng chi đầu tư phát triển.

Phát triển dịch vụ tài chính ngân hàng, bảo hiểm theo hướng tăng tỷ trọng đóng góp của các ngành vào GRDP của tỉnh; tích cực hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các ngành khác, đồng thời tạo nền tảng cơ sở hạ tầng vững chắc cho việc thu hút đầu tư vào tỉnh. Triển khai kịp thời các giải pháp về tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng trên cơ sở bám sát mục tiêu, định hướng, chỉ đạo của Trung ương; tập trung nguồn vốn cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên như: Doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; cho vay xây dựng nông thôn mới;… Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, cung ứng dịch vụ thanh toán hiện đại, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế.

1.7. Thu hút đầu tư, phát triển các thành phần kinh tế

Tập trung phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, khu công nghiệp phía Nam (Phú Bình, Phổ Yên, Sông Công) để thu hút đầu tư, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá trong phát triển kinh tế; phát triển hạ tầng du lịch mà trọng tâm là hạ tầng khu du lịch Hồ Núi Cốc, phát triển du lịch phía đông Tam Đảo; huy động các nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đối ngoại gồm: Đường vành đai V, đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 1B, Quốc lộ 37.

Đổi mới công tác xúc tiến đầu tư, đa dạng các hình thức thu hút đầu tư, ưu tiên lựa chọn các dự án có quy mô đầu tư lớn, công nghệ tiên tiến, hiện đại, sản xuất thân thiện với môi trường, các nhà đầu tư có tiềm lực và chiến lược đầu tư dài hạn, tạo sự lan tỏa. Gắn hoạt động xúc tiến đầu tư của tỉnh với chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia, kế hoạch xúc tiến đầu tư của các bộ, ngành Trung ương, các địa phương trong cả nước.

Tập trung phát triển kinh tế tư nhân, khuyến khích thành lập doanh nghiệp nhỏ và vừa ở tất cả các ngành, lĩnh vực. Đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp thông qua việc cung cấp các dịch vụ phát triển kinh doanh; xây dựng và triển khai các hoạt động hỗ trợ kết nối doanh nghiệp theo cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị; kết nối doanh nghiệp vừa và nhỏ với các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, giữa người dân với doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, định hướng gắn kết đến thị trường quốc tế.

Tiếp tục đổi mới, đầu tư phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác xã. Hình thành các hiệp hội ngành nghề để làm đại diện cho tiếng nói của doanh nghiệp và là cầu nối giữa doanh nghiệp với chính quyền địa phương, điều phối và giải quyết các vấn đề của mỗi ngành nghề.

2. Phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế kỹ thuật

Tập trung phát triển, nâng cấp hệ thống đô thị; đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị; phát triển các điểm, khu, cụm dân cư nông thôn theo quy hoạch xây dựng được phê duyệt tại các đơn vị hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác quản lý đô thị. Đầu tư cơ sở hạ tầng, môi trường và các dịch vụ xã hội, phù hợp với phát triển đô thị văn minh, hiện đại, sớm đưa Thái Nguyên trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Phát triển giao thông vận tải trên địa bàn một cách bền vững, tạo sự liên kết, liên hoàn thông suốt từ mạng lưới giao thông quốc gia đến đường tỉnh, đường huyện, đường xã, giữa các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa lớn, vùng nguyên liệu với các cụm công nghiệp chế biến, tạo sự kết nối giữa sản xuất - chế biến và tiêu thụ, kết hợp giữa kinh tế với quốc phòng, an ninh.

Tập trung huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng mới, sửa chữa đê, kè, cống tại các vị trí trọng điểm xung yếu và tu bổ, sửa chữa, nâng cấp các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp, trong đó quan tâm đầu tư xây dựng các công trình hồ chứa phục vụ đa mục tiêu, đập dâng nước phục vụ tưới cho cây trồng cạn, cây vụ Đông và cây trồng có giá trị kinh tế cao; bảo đảm an toàn chống lũ, phát triển kinh tế - xã hội và du lịch sinh thái.

3. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; phòng, chống thiên tai và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu

Kịp thời xây dựng và ban hành các văn bản cụ thể hóa chính sách, pháp luật về quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh phù hợp với tình hình thực tế của địa phương và quy định của pháp luật. Quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả và bền vững nguồn tài nguyên trên địa bàn tỉnh.

Kiểm soát chặt chẽ việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, nhất là đất lúa, đất rừng tự nhiên, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng. Tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng đất ở các công ty nông, lâm nghiệp. Xây dựng đồng bộ hệ thống thông tin về đất đai, khoáng sản, tài nguyên nước, môi trường phục vụ cho việc hoạch định chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai điện tử, phấn đấu đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh thực hiện việc giao dịch thủ tục hành chính về đất đai bằng công nghệ thông tin.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực thi chính sách, pháp luật về tài nguyên và môi trường, tập trung vào những vấn đề bức xúc đang đặt ra như: Các dự án triển khai chậm, sử dụng lãng phí đất đai; xử lý đất đai trong cổ phần hoá doanh nghiệp; các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; việc chấp hành pháp luật trong hoạt động khoáng sản và bảo vệ môi trường.

Tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; lồng ghép các mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường trong quy hoạch tỉnh để triển khai thực hiện.

4. Lĩnh vực văn hóa - xã hội

4.1. Phát triển giáo dục, đào tạo

Tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo hướng nâng cao chất lượng, hội nhập; phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học. Bảo đảm đủ số lượng, nâng cao chất lượng, năng lực nghề nghiệp của đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục theo chuẩn nghề nghiệp mới.

Triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông; củng cố vững chắc và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục các cấp học và trường chuẩn quốc gia; đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý giáo dục, công tác quản trị, tăng quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục, đào tạo; chuẩn hóa, tăng cường hội nhập quốc tế và khai thác hiệu quả các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong giáo dục và đào tạo.

Phát huy vai trò của Đại học Thái Nguyên và các trường đại học, cao đẳng, trung cấp trên địa bàn tỉnh trong đào tạo, phát triển nhân lực chất lượng cao.

Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực phát triển giáo dục và đào tạo. Tạo điều kiện chuyển đổi mô hình các cơ sở giáo dục mầm non, trung học phổ thông từ công lập ra ngoài công lập ở những nơi có khả năng xã hội hóa cao phù hợp với chủ trương của Đảng. Tiếp tục quan tâm đến giáo dục ở vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

4.2. Thực hiện tốt các chính sách xã hội, giải quyết việc làm, giảm nghèo và nâng cao đời sống nhân dân

Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách xã hội, chế độ đối với người có công với cách mạng; phát triển sâu rộng phong trào đền ơn đáp nghĩa trong toàn tỉnh; huy động mọi nguồn lực trong xã hội, cộng đồng cùng nhà nước chăm sóc tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần cho người có công với cách mạng; thực hiện có hiệu quả chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; có chính sách về nhà ở, chăm lo đời sống, vật chất tinh thần cho công nhân ở các khu, cụm công nghiệp.

Thực hiện tốt công tác quy hoạch, sắp xếp lại mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp; nâng cao chất lượng đào tạo một số nghề đạt trình độ các nước phát triển trong khu vực ASEAN và thế giới, hình thành đội ngũ lao động lành nghề; bảo đảm tất cả các đối tượng có nhu cầu đều có thể tiếp cận dịch vụ giáo dục nghề nghiệp phù hợp. Đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn, gắn việc làm, đào tạo nghề với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và đáp ứng nhiệm vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Huy động khu vực doanh nghiệp tham gia vào quá trình xây dựng và thực hiện các chương trình việc làm, đào tạo nghề nghiệp, đánh giá, cấp chứng chỉ nhằm nâng cao chất lượng đào tạo gắn với thực tiễn và nhu cầu xã hội, nhu cầu thị trường lao động của doanh nghiệp.

Tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; trong đó tập trung đối với đối tượng nghèo thuộc nhóm dễ bị tổn thương, dân tộc thiểu số, người khuyết tật, phụ nữ, trẻ em.

4.3. Phát triển sự nghiệp y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân

Nâng cao chất lượng công tác bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Tiếp tục củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế theo hướng tinh gọn, hiệu quả; bảo đảm mọi người dân được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản có chất lượng. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn và y đức đối với cán bộ y tế. Phát triển y tế chuyên sâu; nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, xây dựng và phát triển bệnh viện có chất lượng; phát huy vai trò của các bệnh viện tuyến trung ương và tuyến tỉnh trong tiếp nhận, chuyển giao kỹ thuật và hỗ trợ chuyên môn cho tuyến dưới.

Xây dựng mạng lưới y tế dự phòng từng bước hoàn chỉnh, hiện đại nhằm chủ động phòng, chống dịch bệnh, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm. Củng cố cơ sở vật chất, trang thiết bị, đào tạo nguồn nhân lực nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư phát triển hạ tầng trong lĩnh vực y tế; khuyến khích phát triển các hình thức y tế ngoài công lập. Kế thừa, bảo tồn và phát triển y, dược cổ truyền. Nâng cao hiệu quả công tác truyền thông giáo dục sức khỏe, vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực y tế, nhất là quản lý hành nghề y, dược tư nhân.

Nâng cao chất lượng dân số về thể chất, trí tuệ, tinh thần. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật về dân số và phát triển, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản; duy trì mức sinh hợp lý, giải quyết tốt những vấn đề về cơ cấu dân số, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

4.4. Phát triển văn hoá, thể thao, thông tin và truyền thông

Triển khai thực hiện tốt các chương trình, đề án phát triển sự nghiệp văn hóa, thể thao, du lịch tỉnh Thái Nguyên đã được phê duyệt. Tiếp tục nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, góp phần ổn định an ninh chính trị, phát triển kinh tế - xã hội.

Làm tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa. Ưu tiên tôn tạo các di tích lịch sử cách mạng có tiềm năng phát triển du lịch. Quan tâm tạo điều kiện phát triển văn hóa, văn nghệ của các dân tộc thiểu số trên địa bàn. Nâng cao chất lượng hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp, xây dựng đội ngũ văn nghệ sỹ có chuyên môn cao, sáng tạo các tác phẩm nghệ thuật có giá trị đặc sắc. Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động và tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động phát triển văn hóa, thể thao và du lịch; xây dựng môi trường thụ hưởng đời sống tinh thần cho nhân dân.

Tăng cường đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao từ tỉnh đến cơ sở đạt chuẩn. Quy hoạch và xây dựng mới thiết chế văn hóa, thể thao cấp tỉnh đủ điều kiện đăng cai các hoạt động văn hóa, thể thao trong nước, khu vực và quốc tế. Phát triển mạnh phong trào thể dục thể thao quần chúng; quan tâm phát triển thể thao thành tích cao với việc bồi dưỡng các môn thể thao mũi nhọn của tỉnh tham gia thi đấu trong nước, các đấu trường khu vực và quốc tế.

Đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền bằng nhiều hình thức, phong phú về nội dung. Triển khai xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh. Đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số, xây dựng kho dữ liệu tập trung, hệ sinh thái dữ liệu mở; ứng dụng các công nghệ hiện đại, tiên tiến trong lĩnh vực truyền thông.

Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về báo chí, xuất bản. Tăng cường hoạt động thông tin, truyền thông, định hướng dư luận, tạo sự thống nhất trong tư tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân, phản bác kịp thời những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch; đẩy mạnh hoạt động thông tin đối ngoại, tập trung quảng bá tiềm năng, thế mạnh của tỉnh nhằm thu hút đầu tư, du lịch, nâng cao vị thế của tỉnh trong quá trình đổi mới, hội nhập và phát triển.

Tập trung phát triển mạng lưới chuyển phát và lô-gis-tíc nhằm phục vụ phát triển thương mại điện tử, kinh tế số và tham gia cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử. Tăng cường năng lực bảo vệ, bảo đảm an toàn, an ninh mạng, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội.

4.5. Phát triển khoa học và công nghệ

Hoàn thiện cơ chế chính sách hỗ trợ nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học và công nghệ vào sản xuất và đời sống; thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Khuyến khích phát triển các doanh nghiệp khoa học và công nghệ, từng bước hình thành các khu công nghệ cao, trung tâm đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và vùng Trung du, Miền núi phía Bắc. Khuyến khích, hỗ trợ việc hình thành và phát triển các tổ chức tư vấn, dịch vụ chuyển giao công nghệ, thúc đẩy phát triển thị trường khoa học và công nghệ, tăng tỷ lệ thương mại hóa các sản phẩm khoa học công nghệ. Đẩy mạnh hợp tác và hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ.

5. Tăng cường công tác quốc phòng, an ninh; thực hiện tốt công tác nội chính, đối ngoại

5.1. Công tác quốc phòng, quân sự địa phương

Tiếp tục thực hiện Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; nâng cao chất lượng tổng hợp của lực lượng vũ trang địa phương; xây dựng lực lượng vũ trang địa phương vững mạnh toàn diện, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng, an ninh; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân. Tăng cường công tác phối hợp giữa lực lượng quân đội với lực lượng công an trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội và nhiệm vụ quốc phòng; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương. Huy động các nguồn lực xây dựng tiềm lực trong khu vực phòng thủ cấp tỉnh và cấp huyện vững chắc. Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho cán bộ, công chức và nhân dân, bảo đảm phù hợp với từng đối tượng.

5.2. Công tác bảo đảm an ninh, trật tự

Thực hiện có hiệu quả chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác bảo đảm an ninh, trật tự. Chủ động nắm chắc tình hình, phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, bảo đảm giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trong mọi tình huống. Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội. Thực hiện đồng bộ các biện pháp, giải pháp nhằm kiềm chế, giảm thiểu tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh. Nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Phát hiện và xử lý kịp thời các mâu thuẫn, tranh chấp, khiếu kiện trong nhân dân, không để phát sinh thành “điểm nóng” phức tạp, tạo môi trường ổn định, thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội.

5.3. Công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng

Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng; nâng cao chất lượng công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, bảo đảm nguyên tắc mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, mọi hành vi vi phạm pháp luật phải được phát hiện, xử lý kịp thời, chính xác, nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Thực hiện đồng bộ các biện pháp chính trị, tư tưởng, tổ chức, hành chính, kinh tế, hình sự trong phòng, chống tham nhũng. Đẩy mạnh phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; tập trung điều tra, xử lý dứt điểm các vụ án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận quan tâm về tham nhũng bảo đảm kịp thời, nghiêm minh, đúng quy định của pháp luật. Kiên quyết xử lý và kịp thời thay thế những cán bộ lãnh đạo, quản lý tham nhũng, lãng phí. Xử lý nghiêm minh trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, lãng phí trong tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương mình trực tiếp quản lý. Thực hiện tốt cơ chế khuyến khích, bảo vệ tổ chức, cá nhân phát hiện, tố cáo tham nhũng, tiêu cực. Xây dựng văn hóa liêm chính để phòng, chống tham nhũng, lãng phí của cả hệ thống chính trị.

5.4. Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo

Thực hiện nghiêm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về tiếp công dân, gắn việc tiếp công dân với xử lý, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Tăng cường tiếp xúc, đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân. Người đứng đầu cấp ủy trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nghiêm túc công tác tiếp công dân, xử lý, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân.

Lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các vụ việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thuộc thẩm quyền, các vụ việc mới phát sinh ngay từ cơ sở, bảo đảm đúng quy định của pháp luật, không để đơn, thư vượt cấp, không để phát sinh thành “điểm nóng”. Chủ động phòng ngừa khiếu nại, tố cáo đông người, đấu tranh chống sự xúi giục, kích động của các thế lực thù địch và phần tử xấu, gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự; kiên quyết xử lý nghiêm, đúng quy định của pháp luật đối với các đối tượng lợi dụng dân chủ, quyền khiếu nại, tố cáo để gây mất an ninh, trật tự, chống phá Đảng, Nhà nước.

5.5. Hoạt động đối ngoại

Tiếp tục triển khai hoạt động đối ngoại một cách đồng bộ, toàn diện, kết hợp giữa đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân và ngoại giao kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh, tạo thành sức mạnh tổng hợp trên lĩnh vực công tác đối ngoại của cả hệ thống chính trị của tỉnh. Đẩy mạnh hội nhập quốc tế trên tất cả các lĩnh vực, phục vụ phát triển bền vững của địa phương.

6. Về công tác xây dựng Đảng

6.1. Tập trung làm tốt công tác chính trị, tư tưởng

Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng và hiệu quả việc học tập, nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nêu cao vai trò, trách nhiệm, gương mẫu của bí thư cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, đẩy mạnh ứng dụng hình thức hội nghị trực tuyến.

Tăng cường công tác lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo, định hướng đối với hoạt động báo chí, văn hoá, văn nghệ; công tác nắm bắt, định hướng tư tưởng cán bộ, đảng viên, nhân dân, tình hình dư luận xã hội và xử lý kịp thời, dứt điểm những hạn chế, vấn đề phức tạp, phát sinh. Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, cộng tác viên dư luận nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin đa dạng của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Tiếp tục sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan làm công tác tư tưởng, báo chí, truyền thông theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới. Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với thực hiện các nghị quyết của Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và các quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Tăng cường đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ cơ quan, đơn vị; quán triệt thực hiện nghiêm kỷ luật phát ngôn và bảo vệ bí mật của Đảng, Nhà nước.

Quan tâm đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục lý luận chính trị theo hướng nâng cao chất lượng, khoa học, sáng tạo, chú trọng tính hiệu quả và phù hợp với từng đối tượng; lý luận phải gắn liền với thực tiễn, phục vụ nhu cầu công tác của người học; kết hợp giữa học ở trường, lớp với quá trình tự nghiên cứu, học tập. Thực hiện có hiệu quả của việc tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận phục vụ hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị, địa phương.

6.2. Thực hiện tốt công tác tổ chức xây dựng Đảng

Thực hiện nghiêm Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Chủ động sắp xếp, kiện toàn tổ chức đảng đồng bộ, thống nhất với các tổ chức của hệ thống chính trị, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng. Xây dựng và thực hiện quy chế làm việc của cấp ủy, tổ chức đảng theo quy định. Nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên. Thực hiện tốt các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng tổ chức đảng, đảng viên hằng năm bảo đảm đúng thực chất. Thường xuyên rà soát, sàng lọc đội ngũ đảng viên; kiên quyết, kịp thời đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng. Tiếp tục thực hiện kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế các cơ quan trong hệ thống chính trị bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo chức năng, nhiệm vụ.

Tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, quy định, kết luận... của Trung ương về công tác cán bộ, bảo vệ chính trị nội bộ cho phù hợp với đặc điểm tình hình của tỉnh. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp từ tỉnh đến cơ sở, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp chiến lược, cán bộ chủ chốt, người đứng đầu các tổ chức, cơ quan, đơn vị có bản lĩnh chính trị vững vàng, năng lực nổi trội, luôn tìm tòi đổi mới, sáng tạo, có uy tín cao và thực sự tiên phong, gương mẫu, trung thành, trung thực; quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc. Thường xuyên rà soát, sửa đổi, ban hành các quy định, quy chế liên quan đến công tác cán bộ, nhất là cán bộ diện ban thường vụ cấp ủy quản lý. Thực hiện đồng bộ các khâu của công tác cán bộ, bảo đảm hiệu quả, liên thông; lấy kết quả đánh giá cán bộ làm cơ sở để xây dựng quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng, bổ nhiệm, miễn nhiệm, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện chính sách đối với cán bộ. Tăng cường công tác bảo vệ Đảng, bảo vệ chính trị nội bộ; tập trung rà soát, thẩm tra tiêu chuẩn chính trị của đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.

6.3. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng

Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp, trọng tâm là kiểm tra, giám sát việc thực hiện Điều lệ, chủ trương, nghị quyết của Đảng, chấp hành pháp luật của Nhà nước và thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ. Phát huy vai trò của cấp ủy đảng trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng, gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII) và Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị; Quy định số 01-QĐi/TW ngày 10/5/2018 của Bộ Chính trị quy định về trách nhiệm và thẩm quyền của Ủy ban Kiểm tra trong công tác phòng, chống tham nhũng.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với tổ chức đảng, người đứng đầu, cán bộ chủ chốt ở các lĩnh vực: Đất đai, tài chính, xây dựng cơ bản và tổ chức cán bộ; xử lý nghiêm tổ chức đảng, đảng viên vi phạm bảo đảm công minh, chính xác, kịp thời. Thường xuyên kiểm tra, giám sát đảng viên trong việc rèn luyện đạo đức, lối sống, việc nêu gương, chống biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Quan tâm kiện toàn ủy ban kiểm tra các cấp; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao bản lĩnh chính trị và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực công tác của đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra, giám sát. Thực hiện tốt mối quan hệ phối hợp giữa Ủy ban Kiểm tra với các tổ chức Đảng và cơ quan có liên quan trong công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng. Quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra đủ số lượng, bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

6.4. Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận

Tiếp tục quán triệt quan điểm của Đảng về đại đoàn kết toàn dân tộc, về công tác dân tộc, công tác tôn giáo. Nâng cao hiệu quả công tác dân vận, nhất là công tác dân vận của chính quyền; chất lượng hiệu quả việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, quy chế đối thoại; cải cách hành chính, công tác tiếp dân, giải quyết đơn, thư, khiếu nại, tố cáo của công dân. Đổi mới nội dung, nâng cao chất lượng, hiệu quả cơ chế phối hợp hoạt động giữa chính quyền với ban dân vận của cấp ủy, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể chính trị - xã hội các cấp, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp trong công tác dân vận của Đảng. Tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, đặc biệt là phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đa dạng hóa các hình thức vận động, tập hợp; nâng cao đời sống nhân dân, nhất là ở địa bàn và đối tượng khó khăn; nắm vững tình hình cơ sở, giải quyết kịp thời, có hiệu quả những khó khăn, bức xúc nổi cộm, những kiến nghị hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Chú trọng công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ dân vận, mặt trận, đoàn thể các cấp. Thường xuyên quán triệt và thực hiện phong cách dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh:“Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với nhân dân”.

7. Công tác xây dựng chính quyền các cấp

7.1. Hoạt động của Hội đồng nhân dân

Đổi mới và nâng cao chất lượng ban hành cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và an sinh xã hội đúng với quy định của pháp luật và phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương. Tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng đại biểu HĐND các cấp.

Thực hiện tốt chương trình công tác nhiệm kỳ và hằng năm của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban HĐND. Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác ban hành nghị quyết, chất vấn, giải trình, tiếp xúc cử tri, giám sát việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri; thực hiện tốt công tác tiếp công dân, xử lý khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của công dân; tăng cường đối thoại trực tiếp với công dân theo quy định.

Giữ mối quan hệ phối hợp công tác thường xuyên, chặt chẽ với UBND và các cơ quan liên quan trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội. Thực hiện có hiệu quả công tác phối hợp với Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, HĐND và Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, nhất là công tác giám sát thực hiện các quy định của pháp luật trên địa bàn tỉnh.

7.2. Hoạt động của Ủy ban nhân dân

Tiếp tục nâng cao năng lực quản lý điều hành của cơ quan hành chính nhà nước các cấp; phân định rõ nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị bảo đảm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước tại địa phương. Thực hiện phân cấp quản lý giữa các cấp, các ngành, gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra công vụ, thi hành kỷ luật. Triển khai thực hiện có hiệu quả quy chế dân chủ ở cơ sở, bảo đảm các nội dung của quy chế được thực hiện thường xuyên, nền nếp. Tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo của tổ chức và công dân.

Tiếp tục thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã không bảo đảm một trong hai tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên hoặc quy mô dân số; sắp xếp các xóm, tổ dân phố chưa bảo đảm 50% quy mô số hộ gia đình theo quy định.

Nâng cao chất lượng đào tạo và đào tạo lại đội ngũ cán bộ, công chức; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức, liêm chính, uy tín, năng lực, tận tụy phục vụ nhân dân; đổi mới phương pháp tuyển dụng, quản lý và sử dụng công chức theo hướng thiết thực, hiệu quả; ứng dụng công nghệ tin học vào quản lý nhà nước, nhất là trong công tác điều hành.

7.3. Công tác cải cách hành chính

Tiếp tục thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ cải cách hành chính phấn đấu chỉ số CCHC tỉnh Thái Nguyên xếp thứ hạng cao; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, trong đó tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cấp đáp ứng tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và khung năng lực theo quy định; nâng cao hiệu quả phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước các cấp với người dân và doanh nghiệp; thực hiện cải cách tài chính công hiệu quả, thực chất; thực hiện quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập trong từng lĩnh vực thuộc địa phương quản lý.

Hoàn thành xây dựng, cập nhật kiến trúc Chính quyền điện tử cấp tỉnh phù hợp với Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam; hoàn thiện các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, kết nối liên thông, chia sẻ với hệ thống một cửa điện tử, Cổng Dịch vụ công tỉnh Thái Nguyên, Cổng Dịch vụ công quốc gia, đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công mức độ 3, 4 phục vụ người dân và doanh nghiệp.

8. Thực hiện hiệu quả công tác cải cách tư pháp

Tiếp tục thực hiện cải cách tư pháp theo chủ trương của Trung ương; nâng cao chất lượng hoạt động tư pháp theo hướng dân chủ, công bằng, văn minh, liêm chính, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân. Củng cố hoạt động của các cơ quan tư pháp theo hướng nâng cao trách nhiệm, hiệu quả hoạt động của cơ quan điều tra; thực hiện tốt chức năng thực hành quyền công tố và tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra; bảo đảm nguyên tắc tranh tụng trong xét xử; đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết các vụ án, bảo đảm các quyết định của tòa án đúng quy định của pháp luật; thực hiện hiệu quả công tác thi hành án. Nâng cao bản lĩnh nghề nghiệp, năng lực, trình độ, ý thức trách nhiệm của cán bộ tư pháp, bổ trợ tư pháp, bảo đảm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật theo hướng đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung và phù hợp, hiệu quả với từng đối tượng, góp phần tích cực nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Tăng cường công tác giám sát của các cơ quan dân cử; phát huy quyền làm chủ của nhân dân đối với hoạt động của các cơ quan tư pháp và đội ngũ cán bộ tư pháp.

9. Về công tác của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội

Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác vận động quần chúng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Đa dạng hóa các hình thức tập hợp nhân dân, chú trọng phát triển đoàn viên, hội viên ở các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước.

Đẩy mạnh thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước một cách đồng bộ, hiệu quả; phát huy vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội trong công tác vận động nhân dân thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nâng cao chất lượng hoạt động giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh. Thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, quan tâm chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và nhân dân; tăng cường, củng cố sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

* Các đột phá phát triển

(1) Phát triển cơ sở hạ tầng khu vực phía Nam, trong đó ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch phục vụ thu hút đầu tư.

(2) Phát triển kinh tế tư nhân; ưu tiên khuyến khích các doanh nghiệp tập trung thành các cụm ngành, cụm sản xuất tương quan cùng ngành, để phát huy vai trò kết nối chuỗi sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

(3) Phát triển và sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực chất lượng cao; phát huy các lợi thế, thành quả, cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.


[1] Trong đó, tỷ trọng giá trị tăng thêm khu vực công nghiệp - xây dựng gấp 2,1 lần; khu vực dịch vụ gấp 1,9 lần và tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản gấp 1,3 lần so với năm 2015.

[2] Trong đó do các cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh phục vụ đạt 1,4 triệu lượt/năm, tăng 16%/năm.

[3] Toàn tỉnh có 4.831,6 km đường bộ, trong đó: 01 tuyến cao tốc; 7 tuyến Quốc lộ (QL.3 cũ, QL.3 mới, QL.1B, QL37, QL.3C, QL.17 và Đường Hồ Chí Minh) với chiều dài 323 km (tăng 4 tuyến so với năm 2015); 20 tuyến đường tỉnh dài 374 km;159 km đường đô thị, 742 km đường huyện và 3.232 km đường xã. Nhiều dự án được triển khai thực hiện: Nâng cấp đường Quang Sơn - Phú Đô - Núi Phấn thành ĐT.272; Nâng cấp đường Cù Vân - An Khánh - Phúc Hà thành ĐT.270B; Nâng cấp đường Hóa Thượng - Hòa Bình thành ĐT.273; Cải tạo nâng cấp ĐT.261 đoạn từ Km46+200 - Km49+982 và cầu Dẽo Km45+136.

[4] Tỷ lệ xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn xã/phường/thị trấn phù hợp với trẻ em theo tiêu chí cũ đạt 96%.

[5] Giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh đã tạo việc làm tăng thêm cho 107.606 người, trong đó xuất khẩu lao động khoảng 6.538 người; bình quân hằng năm tạo việc làm tăng thêm cho 21.521 người và xuất khẩu lao động đạt 1.307 người. Tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2020 đạt 70%.

[6] Năm 2020, toàn tỉnh có 97,2% số xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế; tỷ lệ trạm y tế xã, phường, thị trấn có bác sỹ đạt trên 90%; tỷ lệ bác sỹ đạt 15,5 bác sỹ/1 vạn dân (năm 2015 là 11 bác sỹ trên 1 vạn dân); số giường bệnh bình quân đạt 48,5 giường bệnh/1 vạn dân (năm 2015 là 35,5 giường bệnh/1 vạn dân), cao hơn 1,7 lần so với mức bình quân chung của cả nước.

[7] Trong nhiệm kỳ, đã tổ chức diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh; 8/9 huyện, thành phố, thị xã diễn tập khu vực phòng thủ, 1/9 huyện diễn tập phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai và cứu hộ, cứu nạn; 180/180 xã, phường, thị trấn diễn tập chiến đấu phòng thủ.

[8] Đã thu hồi hàng nghìn súng quân dụng, tự chế các loại và nhiều vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ khác.

[9] Khởi tố mới 16 vụ/31 bị can; truy tố 12 vụ/20 bị can; xét xử 15 vụ/26 bị cáo phạm các tội về tham nhũng. Tỷ lệ tài sản tham nhũng đã thu hồi trong quá trình điều tra đạt trên 86%. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đưa vào diện chỉ đạo xử lý 03 vụ án về tham nhũng (đã kết thúc 02 vụ án): Giao Ban Nội chính Tỉnh ủy theo dõi, đôn đốc xử lý 07 vụ án tham nhũng (đã kết thúc 05 vụ án).

[10] Giảm 20 đầu mối trực thuộc các cơ quan Đảng, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội cấp tỉnh, 93 đầu mối đơn vị sự nghiệp công lập.

[11] 173 lãnh đạo từ cấp phòng và tương đương trở lên.

[12] Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, HĐND tỉnh đã ban hành 224 nghị quyết, HĐND cấp huyện ban hành 771 nghị quyết, HĐND cấp xã ban hành 7.742 nghị quyết các loại.

[13] HĐND tỉnh, các cơ quan của HĐND tỉnh đã tổ chức 48 cuộc giám sát chuyên đề; HĐND cấp huyện đã tổ chức 263 cuộc giám sát chuyên đề; cấp xã đã tổ chức 1.281 cuộc giám sát chuyên đề.

[14] Tổ chức 289 cuộc tiếp xúc của đại biểu HĐND tỉnh với 28.159 lượt cử tri; tiếp nhận 2.598 ý kiến, kiến nghị của cử tri tập trung phản ánh về những vấn đề nhân dân bức xúc trong công tác quản lý đất đai, tài nguyên, môi trường, chế độ chính sách….

[15] Thường trực HĐND tỉnh đã thực hiện tiếp công dân theo quy định; tiếp nhận, xử lý 406 đơn khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của công dân; nghiên cứu, chuyển 128 đơn của công dân đến các cơ quan có thẩm quyền để xem xét, giải quyết.

[16] Nhu cầu vốn để đáp ứng yêu cầu tăng trưởng kinh tế (GRDP) 8% trở lên là trên 280 nghìn tỷ đồng, trong đó tập trung thu hút đầu tư, phát triển các thành phần kinh tế; triển khai 55 dự án sau Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2018 khoảng 110 nghìn tỷ đồng; các dự án thu hút vào khu công nghiệp Yên Bình, Sông Công 2, phát triển các khu công nghiệp trên cơ sở lợi thế đường vành đai V khoảng 100 nghìn tỷ.

Thainguyentv.vn

Tin mới hơn

Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy lần thứ 63, khóa XIX

Ban Pháp chế HĐND tỉnh: Thẩm tra các Tờ trình, dự thảo Nghị quyết

Để chuẩn bị cho Kỳ họp thứ Mười Chín HĐND tỉnh khóa XIV, sáng ngày 16/6, Ban Pháp chế HĐND tỉnh tổ chức hội nghị thẩm tra các Báo cáo, Tờ trình và dự thảo Nghị quyết trình tại Kỳ họp.
Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy lần thứ 63, khóa XIX

Trao đổi kinh nghiệm công tác tuyên giáo và tuyên truyền biển đảo

Trong 3 ngày từ 14 - 16/6, tại TP. Hải Phòng, Đảng ủy Cục Kỹ thuật Hải quân (Quân chủng Hải quân) và Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh Thái Nguyên phối hợp tổ chức Hội nghị trao đổi kinh nghiệm công tác tuyên giáo và tuyên truyền biển đảo năm 2024.
Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy lần thứ 63, khóa XIX

Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh: Thẩm tra các tờ trình, dự thảo nghị quyết

Chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 19, HĐND tỉnh khóa XIV, sáng 15/6, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh tổ chức Hội nghị thẩm tra các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết trình tại Kỳ họp. Dự hội nghị thẩm tra có đồng chí Đặng Xuân Trường, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; đồng chí Mai Thị Thúy Nga, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh, các ban của HĐND tỉnh, các sở, ngành, địa phương liên quan.
Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy lần thứ 63, khóa XIX

Đại hội Đại biểu Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Phú Lương lần thứ XIX

Trong hai ngày 12 và 13/6, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Phú Lương tổ chức Đại hội Đại biểu lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2024 - 2029. Dự đại hội có đồng chí Dương Văn Tiến, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh.
Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy lần thứ 63, khóa XIX

Phú Bình: Quyết liệt các giải pháp hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu năm 2024

Ngày 14/6, đồng chí Đỗ Đức Công, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh đã dự và phát biểu tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Phú Bình lần thứ 19, khóa XXVII, nhiệm kỳ 2020-2025. Hội nghị nhằm đánh giá kết quả lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ trong 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024.

Tin bài khác

Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến vào 25 nội dung quan trọng

Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến vào 25 nội dung quan trọng

Sáng ngày 13/6, đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy lần thứ 71, khóa XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 để thảo luận, cho ý kiến vào 25 nội dung về phát triển kinh tế - xã hội, công tác xây dựng Đảng và các nội dung chuẩn bị cho Kỳ họp thứ mười chín, HĐND tỉnh khóa XIV.
Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số Tp Thái Nguyên thành công tốt đẹp

Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số Tp Thái Nguyên thành công tốt đẹp

Ngày 13-6, thành phố Thái Nguyên tổ chức Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ III, năm 2024 với chủ đề “Nhân dân các dân tộc thành phố Thái Nguyên đoàn kết, đổi mới sáng tạo phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”.
Xem xét chi trả hỗ trợ bồi thường, giải phóng mặt bằng cho công dân đúng quy định

Xem xét chi trả hỗ trợ bồi thường, giải phóng mặt bằng cho công dân đúng quy định

Ngày 12/6, đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì buổi tiếp công dân định kỳ tháng 6/2024 để xem xét, cho ý kiến chỉ đạo giải quyết vụ việc liên quan đến kiến nghị của ông Hoàng Văn Khanh, trú tại xã Hà Thượng, huyện Đại Từ. Dự buổi tiếp công dân có đồng chí Phạm Văn Thọ, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy; đồng chí Đặng Xuân Trường, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cùng thành viên Tổ công tác giúp việc Bí thư Tỉnh ủy tiếp dân và lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan.
Đại hội đại biểu MTTQ TP Sông Công lần thứ IX, nhiệm kỳ 2024-2029 thành công tốt đẹp

Đại hội đại biểu MTTQ TP Sông Công lần thứ IX, nhiệm kỳ 2024-2029 thành công tốt đẹp

Trong 2 ngày 11 và 12/6, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Sông Công đã tổ chức Đại hội Đại biểu lần thứ IX, nhiệm kỳ 2024 - 2029. Dự đại hội có đồng chí Dương Văn Tiến, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh; các đồng chí lãnh đạo TP Sông Công cùng 155 đại biểu chính thức đại diện các tầng lớp nhân dân trên địa bàn thành phố.
Đảng bộ TP Thái Nguyên: Kết nạp hơn 100 đảng viên là học sinh ưu tú

Đảng bộ TP Thái Nguyên: Kết nạp hơn 100 đảng viên là học sinh ưu tú

Thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy Thái Nguyên về việc chú trọng phát triển Đảng trong học sinh, sinh viên. Mới đây 5 Chi, Đảng bộ của 5 trường THPT, trực thuộc Đảng bộ thành phố Thái Nguyên đã tổ chức kết nạp đảng cho các quần chúng ưu tú là học sinh
Xem thêm

Đọc nhiều

Cách dịch biển số xe xấu-đẹp tại Việt Nam

Cách dịch biển số xe xấu-đẹp tại Việt Nam

Có rất nhiều cách luận biển số tại Việt Nam, trong đó dựa trên phát âm và giá trị là hai cách phổ biến nhất. Quan niệm xấu, đẹp về biển số tại Việt Nam có ...
Tự soi mình theo Nghị quyết Trung ương 4 để liên hệ, kiểm điểm, khắc phục

Tự soi mình theo Nghị quyết Trung ương 4 để liên hệ, kiểm điểm, khắc phục

Vì sinh mệnh chính trị của Đảng, vì sự nghiệp đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước, vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, các cấp ủy đảng từ Trung ương ...
[Megastory] Phát hiện 11 ca nhiễm COVID-19, Thái Nguyên nâng cao các giải pháp ứng phó

[Megastory] Phát hiện 11 ca nhiễm COVID-19, Thái Nguyên nâng cao các giải pháp ứng phó

Trong 3 ngày qua, Thái Nguyên phát hiện 11 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, gồm 3 trường hợp tại huyện Đồng Hỷ (ngày 31/10, cách ly từ khi trở về Thái Nguyên), 8 trường ...
Khu cách ly tập trung đầu tiên trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên sẵn sàng hoạt động

Khu cách ly tập trung đầu tiên trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên sẵn sàng hoạt động

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus Corona gây ra,cùng với cả nước, tỉnh Thái Nguyên đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ ...
Thái Nguyên: 99 ca nghi nhiễm Covid-19, ghi nhận 57 ca mắc Covid-19 (ngày 30/11)

Thái Nguyên: 99 ca nghi nhiễm Covid-19, ghi nhận 57 ca mắc Covid-19 (ngày 30/11)

Thái Nguyên công bố 99 ca nhiễm Covid-19 mới, cập nhật sáng 30/11. Tổng số ca mắc Covid-19 lũy tích từ 01/01/2021 đến nay: 410 ca

Clip ngắn

Nghệ An: Khẩn trương truy bắt đối tượng cướp ngân hàng ở thị xã Cửa Lò

Nghệ An: Khẩn trương truy bắt đối tượng cướp ngân hàng ở thị xã Cửa Lò

Bình Thuận: Điều tra vụ một người nước ngoài tử vong trong tư thế hai chân bị trói

Bình Thuận: Điều tra vụ một người nước ngoài tử vong trong tư thế hai chân bị trói

Học sinh tại hơn 30 tỉnh, thành nghỉ Tết từ hôm nay

Học sinh tại hơn 30 tỉnh, thành nghỉ Tết từ hôm nay

Hơn 650 chuyến bay bị chậm giờ ở Tân Sơn Nhất

Hơn 650 chuyến bay bị chậm giờ ở Tân Sơn Nhất

Bỏ xếp loại trên bằng tốt nghiệp trung học cơ sở

Bỏ xếp loại trên bằng tốt nghiệp trung học cơ sở

Xem trên
[Photo] Mùa sen về trên vùng đất đệ nhất danh Trà

[Photo] Mùa sen về trên vùng đất đệ nhất danh Trà

Nhắc đến trà Thái Nguyên nhiều người đam mê ẩm thực trà đã khá quen thuộc với các dòng sản phẩm như: Trà đinh, trà tôm nõn, trà móc câu…Vài năm gần đây có một ...
[Photo] Ấn tượng Khai mạc Mùa du lịch Thái Nguyên 2024

[Photo] Ấn tượng Khai mạc Mùa du lịch Thái Nguyên 2024

Ngày 25/4, tại Khu du lịch Hồ Núi Cốc, tỉnh Thái Nguyên tổ chức Khai mạc Mùa du lịch năm 2024 với chủ đề “Từ trải nghiệm tới trái tim”. Trong chương trình đã diễn ...
[Infographic] Đa dạng hoạt động trong Tuần văn hoá, thể thao, du lịch và Chương trình Khai mạc Mùa du lịch tỉnh Thái Nguyên năm 2024

[Infographic] Đa dạng hoạt động trong Tuần văn hoá, thể thao, du lịch và Chương trình Khai mạc Mùa du lịch tỉnh Thái Nguyên năm 2024

Chương trình Khai mạc Mùa du lịch tỉnh Thái Nguyên năm 2024 với chủ đề “Từ trải nghiệm tới trái tim” sẽ diễn ra vào sáng ngày 25/4 tại Khu du lịch hồ Núi Cốc. ...
[Photo] Đảo Trường Sa Lớn - Thị trấn giữa biển khơi

[Photo] Đảo Trường Sa Lớn - Thị trấn giữa biển khơi

Những ngày đầu tháng 4/2024, đoàn công tác của tỉnh Thái Nguyên có dịp đến thăm, động viên quân và dân huyện đảo Trường Sa trong đó có Đảo Trường Sa lớn. Nằm cách cảng ...
[Photo] Gặp mặt, tri ân chiến sĩ Điện Biên, TNXP, dân công hỏa tuyến, thân nhân liệt sĩ trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ

[Photo] Gặp mặt, tri ân chiến sĩ Điện Biên, TNXP, dân công hỏa tuyến, thân nhân liệt sĩ trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ

Trong không khí toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa hướng về sự kiện 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), ngày ...
[Infographic] Những điều cần biết về cải cách tiền lương trong năm 2024

[Infographic] Những điều cần biết về cải cách tiền lương trong năm 2024

Từ ngày 1/7/2024, sẽ thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương. Theo đó, sẽ bỏ mức lương cơ sở, ...
[Infographic] Phương án tổ chức thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT từ năm 2025

[Infographic] Phương án tổ chức thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT từ năm 2025

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành quyết định về việc phê duyệt phương án tổ chức kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT từ năm 2025. Theo đó, kể từ ...

Chương trình phát thanh

Thời sự Chuyên mục Phát thanh giao thông Tiếng dân tộc