Lãng phí lớn trong thu dọn lòng hồ Ngàn Trươi
Những thân gỗ lớn bị đốn hạ, phát đốt mà PV Dân trí vừa ghi lại nằm trong chương trình thu dọn lòng hồ Ngàn Trươi, hồ thủy lợi đa mục tiêu lớn thứ 3 của cả nước. Nếu được tận dụng một cách tối đa, đây sẽ là những cây còn giá trị kinh tế đối với người dân. Thế nhưng, đơn vị chức năng là Tổng công ty xây dựng Trường Sơn, nhà thầu làm sạch lòng hồ đã cho cắt xẻ, gom lại rồi đốt bỏ. Một sự lãng phí mà theo chính quyền địa phương và người dân sống gần bìa rừng Vườn Quốc gia Vũ Quang là quá lớn.
Nhìn một lượng lớn gỗ, củi bị thiêu hủy rất lãng phí, những người dân sống gần rừng Vũ Quang đã hết sức tiếc nuối. Với họ đó là nguồn sống nếu có cơ chế cho họ tận dụng, đưa lượng gỗ, củi này ra khỏi lòng hồ.
“Những cây gỗ này với người dân chúng tôi còn sử dụng tốt, làm ván, làm gỗ, làm củi đun nấu đều được cả. Nhìn chúng bị cưa đốt chúng tôi tôi xót quá” – ông Nguyễn Văn Trường, một người dân trú tại thị trấn Vũ Quang vào xem đơn vị chức năng làm sạch lòng hồ Ngàn Trươi tiếc nuối.
Những thân gỗ lớn bị chặt bỏ, đem đốt (ảnh: Văn Dũng). |
Những người dân như ông Trường rất mong muốn được tận dụng số gỗ, củi đã thu dọn, nên thời gian qua họ đã vào tận lòng hồ để xin thu gom. Thế nhưng cơ chế, chính sách đã không cho phép họ có được nguồn lâm sản này. Cả lãnh đạo Vườn quốc gia Vũ Quang và đơn vị thu dọn đều ngăn cản vì một lí do là họ lo sợ người dân gây ra tình trạng lộn xộn, mất trật tự.
"Chúng tôi rất muốn cho người dân vào tận dụng thu gom gỗ, củi, vì thực tế đốt bỏ đi như thế là rất phí. Nhưng do lực lượng mỏng, khó kiểm soát, nên việc kiểm soát tận thu của bà con sẽ gặp nhiều khó khăn và ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến cả rừng của vườn quốc gia"- một cán bộ tại Vườn Quốc gia Vũ Quang cho biết.
Và một lí do khác mà ông Nguyễn Bá Thịnh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hà Tĩnh nêu ra là cả BQL Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 4 (Bộ NN&PTNT, chủ đầu tư hồ Ngàn Trươi) và nhiều cơ quan chuyên trách của tỉnh Hà Tĩnh ngại trách nhiệm cũng là một phần dẫn đến tình trạng lãng phí trong thu dọn, làm sạch lòng hồ Ngàn Trươi.
"Cho người dân tận dụng thì tốt quá, thậm chí nhiều doanh nghiệp xin làm nhưng rồi cũng không tận dụng được. Cái khó ở đây là anh nào cũng sợ trách nhiệm, cũng sợ gỗ trong vườn ra theo, không ai chịu trách nhiệm, nên không cho người dân người ta tận dụng" - ông Thịnh nói.
Theo tính toán, với hơn 1.500 ha rừng mà nhà thầu đã phát dọn trên tổng số 1.659 ha Bộ NN&PTNT phê duyệt thì phải có tới hơn 75.000 m3 gỗ các loại, tuy nhiên cho đến thời điểm tích nước trung tuần tháng 2/2017, các nhà thầu chỉ đốn hạ được khoảng 23.000 m3 và mới chỉ vận chuyển ra khỏi khu vực lòng hồ là 11.000 m3.
Có thể nói, dù vì lí do gi thì có một thực tế đầy tiếc nuối là việc thu dọn, làm sạch lòng hồ Ngàn Trươi đã gây ra một sự lãng phí lớn cho nhà nước và nhân dân. Người dân rất có lí khi nêu quan điểm, nếu để họ khai thác có sự kiểm soát từ đơn vị chức năng thì nhiều khả năng nhà nước đã tiết kiệm được hàng tỷ đồng cho việc thu dọn lòng hồ, và người dân trên địa bàn huyện Vũ Quang cũng sẽ tận thu được một nguồn lợi lớn từ nguồn gỗ tạp bị bỏ đi một cách lãng phí này.