Làm rõ về gói tín dụng 100.000 tỷ đồng cho nông nghiệp công nghệ cao
Thời gian qua, dư luận quan tâm đến gói tín dụng 100.000 tỷ đồng dành cho các doanh nghiệp vay đầu tư vào phát triển dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cho rằng đây là gói hỗ trợ vốn tương tự như gói hỗ trợ tín dụng 30.000 tỷ đồng vay mua nhà ở cho người thu nhập thấp.
Gói tín dụng 100.000 tỷ không phải là tái cấp vốn
Trả lời báo chí về vấn đề này tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2 diễn ra chiều 1/3, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng thông tin, tại lễ khai trương Dự án nông nghiệp công nghệ cao tại tỉnh Hà Nam, Thủ tướng Chính phủ có nói, sẽ dành một gói tín dụng 100.000 tỷ đồng để hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng trả lời nhiều vấn đề dư luận đang quan tâm. (Ảnh: VGP) |
Tuy nhiên, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng giải thích rõ, gói tín dụng 100.000 tỷ đồng này hoàn toàn không phải là gói tái cấp vốn từ Ngân sách Nhà nước. Đây là gói tín dụng do Ngân hàng Nhà nước chủ trì, chủ động giao nhiệm vụ cho các Ngân hàng Thương mại dành 1 gói tín dụng với lãi suất thấp hơn so với lãi suất thông thường từ 0,5 – 1,5% để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vay, đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
“Cần phải hiểu thực chất về gói tín dụng 100.000 tỷ đồng dành cho phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hoàn toàn không giống như tái cấp vốn tín dụng hoặc như gói 30.000 tỷ đồng hỗ trợ vay mua nhà ở”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng chỉ rõ.
Thông tin thêm về chủ trương phát triển nông nghệ cao, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, quá trình này được thực hiện với chủ trương xã hội hóa đầu tư cơ sở hạ tầng, xã hội hóa đầu tư vốn, đầu tư tín dụng và tạo điều kiện thuận lợi nhất.
Trong đó có vấn đề tập trung sửa Nghị định 210, sửa Nghị định 59, vấn đề chủ trương mở rộng hạn điền để báo cáo với Quốc hội về sửa đổi Luật Đất đai, nói cách khác là tích tụ ruộng đất.
Cụ thể là thay vì việc sản xuất manh mún, đất giao lâu dài cho người dân, nhà nước sẽ giao cho các cấp chính quyền địa phương thực hiện nhiệm vụ thuê lại đất của người dân, từ đó giao đất cho doanh nghiệp đầu tư trên phương thức sử dụng hiệu quả nhất nguồn đất đai, đồng thời tái cơ cấu lao động ở khu vực nông thôn. Khi đó, doanh nghiệp sẽ làm nòng cốt.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng yêu cầu triển khai các hợp tác xã, các mô hình tổ hợp, thực hiện các vệ tinh. Doanh nghiệp là đầu mối cung cấp giống, kĩ thuật và công nghệ, hướng dẫn quy trình để tạo ra sản phẩm sạch, sản phẩm có giá trị. Sau đó tiến hành thu mua sản phẩm của hợp tác xã và người dân, tạo ra vùng sản xuất với sản lượng và giá trị chất lượng cung cấp cho thị trường theo mong đợi của người dân và thị trường.
“Với chủ trương này, nhiều địa phương, doanh nghiệp, tổ hợp tác sẽ thay đổi cách thức sản xuất xưa cũ, có cách tiếp cận với nền kinh tế thị trường, sản xuất kinh doanh hiệu quả trên chính thửa đất của mình, mang lại lợi ích tốt nhất cho người dân”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.
Quốc hội giám sát, kiểm toán dự án giao thông BOT
Liên quan đến việc xử lý sai phạm tại một số trạm thu phí Dự án giao thông BOT sau kết luận của Kiểm toán Nhà nước, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, hiện nay chủ trương của Quốc hội và Chính phủ chỉ đạo cơ quan kiểm toán, trong năm 2017 là năm cần đặc biệt quan tâm vấn đề: Các cơ quan của Quốc hội giám sát các cơ quan kiểm toán của Quốc hội trong việc kiểm tra liên quan đến các dự án giao thông BOT.
Theo quy định, trên 1 tuyến đầu tư bằng hình thức BOT, mỗi khoảng cách 70km sẽ có 1 trạm thu phí. Những vấn đề về đầu tư, đảm bảo các điều kiện liên quan đến công tác thu phí đúng như đề án, phương án đã được duyệt.
“Tuy nhiên, trong thực tiễn, đã có những doanh nghiệp đầu tư rất tốt và kiểm soát trung thực nhưng vẫn có những đơn vị doanh nghiệp trong quá trình đầu tư chưa đạt yêu cầu nhưng đã thu phí”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng thừa nhận.
Do đó, theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, chủ trương của Chính phủ tới đây sẽ đánh giá những mặt được cũng như những mặt còn chưa được để từ đó có những chấn chỉnh, điều chỉnh trong công tác đầu tư, quản lý và phê duyệt những dự án đầu tư theo hình thức BOT.
“Cần phải có thời gian để đánh giá cụ thể khi các cơ quan kiểm toán và giám sát của Quốc hội có một báo cáo chính thức”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết./.