Lâm Đồng mở rộng mô hình trung tâm sau thu hoạch
Lâm Đồng nhân rộng mô hình Trung tâm sau thu hoạch |
UBND tỉnh Lâm Đồng vừa chỉ đạo UBND TP Đà Lạt, huyện Đức Trọng và Đơn Dương cùng các cơ quan chức năng, doanh nghiệp của tỉnh này phối hợp với tổ chức JICA của Nhật Bản tại Việt Nam mở rộng mô hình trung tâm sau thu hoạch.
Trung tâm sẽ áp dụng đa dạng hóa công nghệ sau thu hoạch bằng công nghệ của Nhật Bản hoặc công nghệ tiên tiến trong nước để giảm chi phí nhân công lao động sau thu hoạch, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Đồng thời, các cơ quan, đơn vị có liên quan khẩn trương tiến hành khảo sát vùng sản xuất, đánh giá, lựa chọn các sản phẩm có khả năng áp dụng công nghệ sau thu hoạch phù hợp với thực tiễn và nhu cầu thị trường.
Theo đánh giá của UBND tỉnh Lâm Đồng, sau 7 tháng vận hành thí điểm hệ thống máy phân loại cà chua thuộc dự án Trung tâm Sau thu hoạch tại Doanh nghiệp Phong Thúy (huyện Đức Trọng), công suất phân loại nông sản mỗi tháng đã tăng từ 600 tấn lên 800 tấn.
Giảm công lao động mỗi ngày từ 8 người/8 giờ xuống còn 6 người/2 giờ. Ước tính lợi nhuận tăng thêm từ phân loại cà chua qua hệ thống máy móc khoảng 700 đồng/kg so với phân loại cà chua bằng phương pháp thủ công.
Trung tâm sau thu hoạch nằm trong Chương trình hợp tác phát triển nông nghiệp theo hướng tiếp cận đa ngành và cải thiện môi trường đầu tư giữa tổ chức JICA với UBND tỉnh Lâm Đồng.
Dự kiến đến năm 2020, Lâm Đồng sẽ lựa chọn nhiều nhất là 10 doanh nghiệp có năng lực để nhân rộng mô hình trung tâm sau thu hoạch cho các sản phẩm rau, hoa, chè… phù hợp với từng vùng sản xuất, dự kiến tăng từ 25-30% sản phẩm nông sản tham gia sơ chế.