Ký ức về tình người trong bom đạn
40 năm đã qua, bầu trời thủ đô “xanh xanh thắm”, bình yên. Nhưng trong tâm khảm của những người được sống, được chứng kiến, được hoà mình vào cuộc chiến đấu 12 ngày đêm cuối năm 1972 bảo vệ Hà Nội vẫn còn in đậm những câu chuyện đầy cảm xúc, thấm đẫm tình người.
Tình người nơi sơ tán
Điều đó là điểm tựa tinh thần mạnh mẽ để quân và dân Hà Nội và cả miền Bắc tạo thành một khối đoàn kết vững chắc, vừa chiến đấu, vừa sản xuất, góp phần đưa chiến dịch Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không đi đến thắng lợi vẻ vang.
Biết được ý đồ của Mỹ sẽ tập kích đường không chiến lược vào thủ đô và miền Bắc, nên ngay sau những đợt đầu tiên máy bay B52 ném bom, Hà Nội tổ chức sơ tán hơn 500.000 dân trong tổng số 600.000 dân nội thành. Trong số đó phần lớn là người già, phụ nữ và trẻ em. Chỉ có một số người ở lại Hà Nội trông coi tài sản và tham gia đội tự vệ Hà Nội bảo vệ thủ đô.
Từng đoàn các em học sinh Hà Nội trên đầu đội mũ rơm lần lượt được đưa ra ngoại thành và các tỉnh lân cận sơ tán, nhiều em đi mà không có người thân đi cùng. Ông Vũ Hải Sơn (Ngọc Hà, Hà Nội) lúc bấy giờ mới 12 tuổi cũng đi sơ tán cùng các bạn nhớ lại lúc đó còn rất ngây ngô, nhưng ký ức về những con người đã từng cưu mang hai anh em anh trong những ngày đạn bom ác liệt ấy thì vẫn còn như mới hôm qua.
Các em nhỏ Hà Nội trước căn hầm chữ A tại nơi sơ tán (Ảnh: KT) |
“Khi chúng tôi đi sơ tán, vì người lớn rất bận công việc nên hai anh em tôi cứ đi theo dòng người như vậy. Có một người không biết là nông dân hay bộ đội, đến giờ tôi cũng không nhớ được tên, hỏi hai cháu đi với ai? Tôi nói, “chúng cháu cứ đi rồi gia đình hẹn đón phía sau”. Đến tận tối vẫn không có người đón, thực ra là gia đình tôi không đến kịp hoặc cũng có thể không tìm thấy. Người đàn ông ấy đã dẫn anh em tôi về nhà, nấu cơm cho ăn rồi sáng hôm sau dẫn ra đường đón người nhà chúng tôi” – ông Sơn nhớ lại.
Những việc làm giản dị nhưng thẫm đẫm tình người như ông Sơn gặp xuất hiện ở mọi chỗ, mọi nơi ấy đã giúp không chỉ ông Sơn mà biết bao em bé Hà Nội trên đường đi sơ tán cảm thấy được yên ổn giữa lúc từng đàn máy bay địch quần thảo trên bầu trời.
Ở những nơi sơ tán, bà con địa phương và người dân Hà Nội ai nấy đều cố gắng khắc phục khó khăn, chia ngọt sẻ bùi như anh em một nhà. Bà Đoàn Kim Dung (ở phố Lê Duẩn, Hà Nội) nhớ lại: “Về các nơi sơ tán, ở nhờ nhà người dân. Người ta làm gì thì mình làm theo. Họ ra đồng mình cũng ra đồng. Đến mùa màng thì mình hỗ trợ, giúp đỡ nhà chủ. Đi đến đâu mà nói là người Hà Nội về sơ tán là họ đón tiếp, mừng lắm”.
Ông Nguyễn Đức Khánh (Phố Huế, Hà Nội) vẫn còn xúc động khi nhớ về những tình cảm đôn hậu, thắm tình đồng bào của người dân nơi ông về sơ tán: “Trong chiến tranh, tình cảm con người quý mến nhau lắm. Tất cả đều dồn cho chiến tranh, tình cảm bà con hàng xóm như một nhà. Mình ở Hà Nội về sơ tán gia đình nhà người ta, người ta sẵn sàng nhường hết cả nhà cho mình để ở. Chỗ nào nằm tốt nhất người ta nhường hết”.
Tất cả hướng về Hà Nội qua đài phát thanh
Một Hà Nội hiên ngang, mang trong mình khí phách ngàn năm vừa chiến đấu, vừa lao động sản xuất. Các hoạt động bình thường trong nội thành vẫn diễn ra sau các trận không kích của đế quốc Mỹ. Cứ mỗi lần thủ đô bị đánh phá là lòng người đi sơ tán lại lo lắng. Mỗi lần Đài TNVN đưa tin về các khu phố bị dội bom là lòng người đi sơ tán cứ quặn lại lo cho người thân của mình ở lại nội thành làm việc, lo cho các chiến sĩ bộ đội và lực lượng tự vệ đang bảo vệ thủ đô.
Bà Đoàn Kim Dung bùi ngùi kể: “Nhìn thấy bom dội xuống từng tràng một, nhìn về phía Hà Nội mà nước mắt chúng tôi cứ trào ra. Lo sợ, không biết là ai sống ai chết, về còn gặp nhau nữa không đây? Những ngày về gặp nhau hỏi thăm ai còn ai mất, thương nhau lắm”.
Tình người với người không chỉ thể hiện bởi những người ruột rà, bà con hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau, mà ngay cả với những chiến sĩ đang chiến đấu ngoài mặt trận trên khắp mọi miền Tổ quốc cũng luôn hướng về Hà Nội, theo sát diễn biến của Hà Nội từng ngày từng giờ qua làn sóng phát thanh.
Các chiến sĩ ngoài mặt trận cũng dõi theo từng phút, từng giây về trận chiến đấu bảo vệ Hà Nội; về những câu chuyện đậm chất nhân văn; về sự quên mình dũng cảm hy sinh của quân dân thủ đô. Điều đó càng làm tăng thêm niềm tin cho họ trong cuộc chiến đấu giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc.
Họa sĩ - nhà thơ Nguyễn Trần Thái đang chiến đấu ở mặt trận Tây Nguyên thời điểm ấy rưng rưng xúc động nhớ lại: “Qua chiếc radio, chúng tôi nghe được B52 rải thảm ở Hà Nội ra sao cũng như tinh thần chiến đấu của người Hà Nội. Tôi được nghe trong chiến dịch Khâm Thiên, hình ảnh những anh bộ đội bế những đứa trẻ xuống hầm trú ẩn, rồi có những con người sẵn sàng hy sinh hết thảy để cứu vớt những người khác và quên cả thân mình. Trong lúc ác liệt của bom đạn như thế, tính nhân văn của người Hà Nội thời bấy giờ đẹp lắm, rất tuyệt vời”.
Đối với những người làm ở Đài TNVN, không bao giờ có thể quên được tình cảm của người dân Gia Lộc, tỉnh Hải Dương. Nghe tin dữ Đài phát sóng Mễ Trì bị huỷ diệt, khu tập thể của cán bộ, nhân viên Đài tại 128C Đại La bị tàn phá, bà con Gia Lộc đã dựng ngay 20 ngôi nhà tranh tre nứa lá để những người mất nhà cửa ở tạm thời.
Những câu chuyện cảm động về tình người trong chiến tranh chắc hẳn không chỉ có vậy. Mà ở đâu đó, với một ai đó vẫn còn những câu chuyện chưa từng được chia sẻ.
Tất cả giờ đã trở thành những kí ức đẹp đẽ và đáng trân trọng của những con người từng đi qua chiến tranh, đã từng chứng kiến chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” cách đây 40 năm. Tình đồng bào, tình ruột thịt, tình yêu nước, lòng căm thù giặc và ý chí chiến đấu quật cường đã góp phần làm nên những chiến thắng oanh liệt của quân và dân ta./.
Theo VOV