Kỷ niệm 590 năm ngày mất Tể tướng Lưu Nhân Chú
Ban Liên lạc Lưu tộc tỉnh Thái Nguyên |
Tại lễ kỷ niệm, Ban Tổ chức đã tưởng nhớ công lao to lớn của Tể tướng Lưu Nhân Chú. Sử sách còn ghi rõ: Lưu Nhân Chú sinh cuối thế kỷ XIV, mất năm 1433, là người con của quê hương Văn Yên (Đại Từ) và là một trong nhưng vị khai quốc công thần của triều Hậu Lê cuối thế kỷ XV. Năm 1412, ông cùng cha là Lưu Trung, em rể là Phạm Cuống từ đất Văn Yên tham gia Hội thề giết giặc Minh tại Lũng Nhai (Thanh Hóa). Ông đi cùng Bình Định Vương Lê Lợi suốt cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, lại có mặt trong Hội thề Đông Quan chấp nhận sự đầu hàng của quân nhà Minh. Đến ngày 15 tháng 4 năm Mậu Thân (tức ngày 29/4/1428), Lưu Nhân Chú được ban quốc tính (họ Lê) và được phong làm Suy trung Tán trị Hiệp mưu Dương vũ công thần, nhập nội kiểm hiệu, Bình chương quân quốc trọng sự, đứng đầu hàng võ trong triều đình, kiêm coi chính sự Nhà nước. Tháng 5-1429, Lê Thái Tổ sai khắc biển công thần, Lưu Nhân Chú được phong làm Á thượng hầu, đứng hàng thứ.
Để ghi nhớ công lao của Tể tướng Lưu Nhân Chú, sau khi ông mất, nhân dân địa phương lập Đền thờ ông dưới chân núi Văn, núi Võ, xã Văn Yên. Năm 1981, Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) quyết định công nhận Khu di tích núi Văn, núi Võ là Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Hàng năm Lễ hội Núi Văn - Núi Võ được tổ chức vào ngày 4 Tháng Giêng để tưởng nhớ công lao của ông. Cùng với đó, trong những năm qua, dòng họ Lưu và chính quyền địa phương đã tập trung tôn tạo những công trình tôn vinh công lao Lưu Nhân Chú.
Cũng nhân dịp này, Hội đồng Lưu tộc Việt Nam đã công bố Quyết định thành lập và ra mắt Ban Liên lạc Lưu tộc tỉnh Thái Nguyên./.