Kỳ 2: Sự cấp thiết của việc quy hoạch lại rừng của tỉnh Thái Nguyên
Kỳ 1: Định Hóa, 2 lần rà soát 3 loại rừng vẫn tồn tại bất cập Thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ từ năm 2006, tỉnh Thái Nguyên ... |
Gia đình ông Lê Xuân Lợi, xóm Kẽm, xã La Bằng đã sinh sống và sản xuất nông nghiệp trên phần đất của gia đình từ trước năm 1995. Tuy nhiên, trải qua các lần quy hoạch lại, phần đất của ông đã vào Vườn quốc gia Tam Đảo. Đến nay, phần đất đó đã có 3 thế hệ cùng ở và sản xuất, việc di dời gia đình ông Lợi thì không đươc thực hiện, còn việc ở lại sản xuất thì gia đình ông cũng nơm nớp lo…
Ông Lợi chia sẻ "Lúc bấy giờ chưa phải vườn rừng Quốc gia, về sau mới bàn giao là rừng Quốc gia, gia đình không có điều kiện để vay vốn phát triển sản xuất vì đát này rất dở dang, không thuộc đất rừng và cũng không thuộc đất do xã quản lý".
Cán bộ Kiểm lâm BQL Rừng phòng hộ Hồ Núi Cốc hướng dẫn kỹ thuật trồng rừng cho chủ rừng |
Còn ở Hoàng Nông, qua rà soát toàn xã có phần đất của 11 hộ và 2 công trình công cộng trong quy hoạch cũ năm thuộc phần quản lý của Ban Quản lý Vườn quốc gia Tam Đảo. Qua rà soát bổ sung vào quy hoạch những diện tích đất không đủ tiêu chí, Thái Nguyên cũng đang đề nghị điều chuyển hơn 1.800 ha rừng đặc dụng thuộc Vườn quốc gia Tam Đảo về tỉnh quản lý. Nguyện vọng của cả người dân và các bên liên quan đều muốn được khẩn trương điều chỉnh lại về hiện trạng trước đây để tiện cho biệc quản lý và bảo vệ rừng…
Trao đổi với chúng tôi, anh Hoàng Văn Ngôn, cán bộ Lâm Nghiệp xã Hoàng Nông, huyện Đại Từ cho biết "Trong công tác quản lý bảo vệ rừng, chúng tôi chỉ giải quyết với mức độ là tuyên truyền người dân không được phát dọn, để khi nào Nhà nước có quy định trả lại diện tích đó cho bà con nhân dân thì khi đó được sử dụng, còn hiện nay vẫn thuộc Vườn Quốc gia Tam Đảo quản lý”.
Nói thêm về vấn đề này, ông Triệu Văn Tôn, Chủ tịch UBND xã La Bằng, huyện Đại Từ khẳng định "Điểm bàn giao này từ năm 1997 theo tinh thần Vườn Quốc gia Tam Đảo quản lý rừng đặc dụng theo quy định. Sau rất nhiều nội dung, có nhiều diện tích bà con đã canh tác, nhưng trước thời điểm bàn giao. Được sự quan tâm của huyện, địa phương cũng đã rà soát để sau khi có nội dung bàn giao về tỉnh, về huyện được, chúng tôi sẽ cùng với địa phương quản lý, tạo điều kiện cho bà con phát triển kinh tế”.
Không chỉ bất cập từ những quy hoạch cũ, cũng từ lần tiến hành rà soát năm 2018, Theo yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương và để thu hút đầu tư. Tỉnh Thái Nguyên và các địa phương cũng đề nghị điều chỉnh một phần diện tích đất lâm nghiệp sang mục đích sử dụng khác như: làm đường giao thông, xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, thay vì tiến hành xác lập thêm phần diện tích đất không đủ điều kiện, tiêu chí, hoặc bất cập với thực tế thành rừng đặc dụng...
Ông Nguyễn Văn Quý, Ban Quản lý Rừng phòng hộ bảo vệ môi trường Hồ Núi Cốc nói "Vừa qua, có quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ theo Quyết định 1976 về xác lập khu rừng đặc dụng cảnh quan bảo vệ môi trường Hồ Núi Cốc. Diện tích hiện nay được xác định 658 ha trên tổng số diện tích đưa vào rừng đặc dụng cảnh quan. Số diện tích này rất ít, nhỏ lẻ nên việc đưa vào diện tích rừng đặc dụng cảnh quan bảo vệ Hồ Núi Cốc cũng còn nhiều khó khăn, bất cập".
Khu rừng đặc dụng cảnh quan bảo vệ môi trường Hồ Núi Cốc được xác định là 658 ha trên tổng số diện tích đưa vào rừng đặc dụng cảnh quan |
Qua rà soát tổng thể các loại rừng được tiến hành tại 122 đơn vị cấp xã nằm trong quy hoạch lâm nghiệp. Tổng diện tích quy hoạch 03 loại rừng tỉnh Thái Nguyên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 là trên 197.000 ha. Trong đó đáng chú ý là việc chuyển trên 1.700 ha rừng đặc dụng sang rừng sản xuất, hơn 12.000 ha đất rừng sản xuất ra ngoài quy hoạch lâm nghiệp và gần 14.000 ha ngoài quy hoạch vào đất lâm nghiệp. Đây là vấn đề cấp thiết đã được tỉnh thực hiện trong nhiều năm, tuy nhiên, đến nay vẫn còn những khó khăn đang được ngành lâm nghiệp cố gắng tháo gỡ…
Đại diện ngành Nông nghiệp tỉnh Thái Nguyên, ông Vũ Văn Phán, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thái Nguyên cho biết "Tỉnh Thái Nguyên cũng sẽ tiếp tục rà soát, điều chỉnh quy hoạch về rừng, đặc biệt chuyển rừng phòng hộ ít xung yếu sang phát triển sản xuất gắn với quy hoạch 3 loại rừng, đến năm 2018 cơ bản đã có kết quả, tuy nhiên, kết quả này chưa được phê duyệt. Sang năm 2019, Luật Quy hoạch đã có hiệu lực, không còn quy hoạch rừng cấp tỉnh, do vậy, chúng tôi phải báo cáo Bộ để sớm triển khai quy hoạch lâm nghiệp Quốc gia để tích hợp kết quả rà soát quy hoạch 3 loại rừng chung của tỉnh vào quy hoạch lâm nghiệp Quốc gia”.
Thái Nguyên là một tỉnh trung du miền núi, việc bảo vệ và phát triển rừng là nhiệm vụ quan trọng mang tính định hướng lâu dài của tỉnh. Tuy nhiên, để phát huy thế mạnh về điều kiện tự nhiên, tạo động lực để phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sinh kế người dân rất cần một quy hoạch tổng quan và mang tính lâu dài. Tỉnh đã nhiều lần rà soát kỹ lưỡng trên cơ sở thực tế hiện trạng đất rừng trên địa bàn. Chính vì vậy, việc sớm được tạo điều kiện, điều chỉnh lại quy hoạch 3 loại rừng cho phù hợp, sát với điều kiện thực tế là mong mỏi của các cấp, ngành tỉnh Thái Nguyên và người dân các địa phương...