Kinh tế tư nhân: Chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn
Đại hội Đảng lần thứ XII đã xác định, nền kinh tế Xã hội Chủ nghĩa ở Việt Nam có quan hệ sản xuất tiến bộ, phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó có kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân là một động lực của nền kinh tế. Các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật, thị trường đóng vai trò chủ yếu trong huy động và phân bổ nguồn lực phát triển.
Mặc dù thừa nhận những bước phát triển vượt bậc cũng như những đóng góp tích cực từ khối kinh tế tư nhân trong thời gian qua, nhưng Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình vẫn thẳng thắn nhìn nhận, cho đến nay, kinh tế tư nhân vẫn chưa đáp ứng được vai trò là một động lực quan trọng của nền kinh tế.
Có đến 97% doanh nghiệp tư nhân có quy mô nhỏ và siêu nhỏ với trình độ công nghệ thấp và chậm đổi mới. |
Cụ thể là nội lực của nền kinh tế tư nhân còn yếu khi chủ yếu vẫn là kinh tế hộ gia đình, có thể chiếm tới 31,33% GDP, trong khi các thành phần khác của kinh tế tư nhân chỉ chiếm 7,88% GDP trong năm 2015. Đáng tiếc là tốc độ tăng trưởng GDP của kinh tế tư nhân đang có xu hướng giảm trong những năm gần đây, khi trong giai đoạn 2003 - 2010 tốc độ tăng trưởng là 11,93%/năm, nhưng đến giai đoạn 2011 - 2015 tốc độ tăng trưởng chỉ còn 7,54%/năm.
“Có đến 97% doanh nghiệp tư nhân có quy mô nhỏ và siêu nhỏ với trình độ công nghệ thấp và chậm đổi mới. Năng lực tài chính, năng suất lao động, hiệu quả kinh doanh còn thấp, trình độ quản trị, tính liên kết giữa các doanh nghiệp còn yếu. Khả năng tham gia chuỗi giá trị trong nước và quốc tế còn thấp; tỷ lệ doanh nghiệp tư nhân thua lỗ, phá sản còn khá cao, bình quân giai đoạn 2007-2015 là 45%”, ông Nguyễn Văn Bình chỉ rõ.
Bên cạnh đó, Trưởng ban Kinh tế Trung ương còn cho biết, cơ cấu ngành nghề của kinh tế tư nhân thời gian qua và hiện nay còn nhiều bất cập. Có đến 81% doanh nghiệp tập trung vào lĩnh vực thương mại, dịch vụ, trong khi chỉ có 1% đầu tư vào nông nghiệp, số lượng doanh nghiệp tư nhân trong lĩnh vực sản xuất, chế biến, chế tạo còn rất nhỏ.
Đấy là chưa kể đến tình trạng vi phạm pháp luật và cạnh tranh của các doanh nghiệp tư nhân còn chưa lành mạnh, sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm môi trường, không đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm, gian lận thương mại của kinh tế tư nhân diễn ra ngày càng tăng với mức độ ngày càng nghiêm trọng và phức tạp hơn.
Với những hạn chế nói trên, ông Nguyễn Văn Bình cho rằng, thể chế về phát triển doanh nghiệp, doanh nhân thời gian qua còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Ngoài ra, còn có nguyên nhân là xuất phát điểm phát triển và năng lực nội tại của kinh tế tư nhân ở Việt Nam còn thấp, ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận doanh nhân tư nhân còn chưa cao.
Còn nhiều nút thắt cho doanh nghiệp tư nhân
Cùng nêu rõ những khó khăn, vướng mắc trong việc đầu tư phát triển lĩnh vực năng lượng tại khối doanh nghiệp tư nhân, PGS.TS. Bùi Xuân Hồi, Phó TGĐ Công ty HALCOM cho rằng, để phát triển kinh tế mỗi quốc gia luôn phải khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên năng lượng.
Trong khi với thị trường năng lượng tái tạo - khác với thị trường năng lượng truyền thống, khả năng tham gia của khu vực tư nhân vào cung ứng là hoàn toàn khả thi khi nó giảm bớt các rào cản về kinh tế theo quy mô, khiến rất nhiều doanh nghiệp tư nhân có thể thực hiện đầu tư và cung ứng năng lượng.
“Dù có định hướng và chủ trương đúng nhưng thị trường năng lượng tái tạo vẫn chưa hấp dẫn khu vực kinh tế tư nhân. Số lượng dự án năng lượng tái tạo còn rất khiêm tốn dù không có rào cản về công nghệ, không có rào cản của tài chính mà chỉ có rào cản duy nhất theo góc nhìn của kinh tế tư nhân đó là giá bán cho sản phẩm năng lượng đầu ra. Đó chính là nút thắt lớn nhất để phát triển năng lượng tái tạo và kỳ vọng nhiều hơn từ khu vực tư nhân. Chỉ khi giải được nút thắt này năng lượng tái tạo mới có cơ hội phát triển và ngành năng lượng mới từng bước thu hút đầu tư tư nhân”, ông Hồi nói.
Khó khăn và trở ngại lớn nhất cho phát triển kinh tế tư nhân theo ông Lê Văn Kiểm, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh Golf Long Thành chính là quy mô của doanh nghiệp tư nhân. Ông Kiểm cho rằng, kinh tế tư nhân thời gian qua đã phải vật lộn với bao khó khăn thử thách, một số doanh nghiệp đã phải đóng cửa, số doanh nghiệp còn lại chủ yếu nằm trong khu vực phi chính thức với quy mô rất nhỏ và vừa.
Từ đó, ông Kiểm cho rằng, chính sách của Nhà nước cần quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn nữa đến phát triển quy mô của các doanh nghiệp tư nhân. Cụ thể là nâng cao hơn nữa tỷ lệ sở hữu tư nhân trong doanh nghiệp nhà nước để tăng mức độ hấp dẫn các nhà đầu tư, đồng thời có chính sách tăng cường cải tiến quản trị, nâng cao tính minh bạch thông tin thường kì với tính chính xác cao, đưa lại sự công bằng thật sự cho khối kinh tế tư nhân với các thành phần kinh tế khác.
Ở một khía cạnh khác theo bà Phạm Thị Đào, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất Mỹ phẩm Anh Đào đề cập là, hiện nay Đảng và Nhà nước đã phát động phong trào hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã luôn rất quan tâm đến cộng động doanh nghiệp Việt Nam.
Thế nhưng, việc nhũng nhiễu doanh nghiệp của một số bộ phân cơ quan chính quyền địa phương vẫn còn tồn tại, thủ tục vướng mắc của doanh nghiệp không được giải quyết dứt điểm theo đúng quy trình, thông tư hướng dẫn của Chính phủ. Cán bộ chuyên môn không tập huấn triển khai, quán triệt, giải quyết công việc theo cảm tính cá nhân làm ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân.
“Chính phủ, các Bộ, Ban, ngành chức năng cần có những chỉ đạo quyết liệt hơn nữa, sát sao hơn, kiên quyết xử lý các vấn đề tiêu cực từ phía cơ quan nhà nước có tình trạng nhũng nhiễu doanh nghiệp. Có như vậy các doanh nghiệp khối tư nhân mới có thêm sức mạnh để không ngừng nâng cao cải tiến chất lượng, sản phẩm để chống lại hàng nhái, hàng giá và hàng kém chất lượng một cách hiệu quả nhất”, bà Đào mong muốn./.